Chủ Nhật, 12/1/2025
Bắc Ninh: Chuyển biến tích cực trong tổ chức việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh

 Làm lễ gia tiên, nét văn hóa đẹp trong tổ chức việc cưới

Cưới hỏi là một sinh hoạt văn hóa gắn bó với đời sống mỗi con người, mỗi gia đình, trở thành hoạt động không thể thiếu trong cộng đồng, đặc biệt là ở nông thôn. Đám cưới ở nông thôn xưa gồm một chuỗi những hoạt động phức tạp. Những yếu tố được nhiều người tuân thủ là: Cơi trầu chạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ gia tiên, lễ lại mặt… Ngoài ra, tùy vào nhu cầu cụ thể của gia đình, tập tục cụ thể của từng địa phương mà đám cưới có thể xuất hiện những yếu tố phụ trợ như: cho của hồi môn, mượn người trải chiếu, lễ tơ hồng… Một điểm đáng chú ý là lệ nộp cheo, tổ chức cỗ bàn mời cả làng thể hiện sự tác động của lệ tục đối với đời sống tinh thần người dân.

Việc tang thể hiện mối quan hệ tình cảm sâu sắc giữa người sống và người chết, vượt ngoài tính huyết thống gia tộc và mang tính xã hội sâu sắc. Chỉ xét riêng về những yếu tố chung nhất được nhiều người tuân thủ trong tang chế ở nông thôn xưa có thể hình dung được phần nào độ phức tạp trong quan niệm của người dân về tang lễ như mời ban nhạc hiếu, che mặt người khuất, đốt vàng mã, đội mũ rơm, mặc áo xô, lăn đường... đến lễ cúng 3 ngày, cúng các ngày 15, mùng 1 (âm lịch), cúng 49 ngày và cúng 100 ngày…

Tập quán, phong tục tốt đẹp trong việc cưới, việc tang là tài sản văn hoá của đất nước, của nhân loại. Những sinh hoạt cộng đồng này luôn hướng con người đến giá trị của Chân-Thiện-Mỹ . Tuy nhiên đây cũng là lĩnh vực dễ nảy sinh tệ nạn, hủ tục, mê tín dị đoan. Một khi tập quán, phong tục bị “biến tướng” trở thành hủ tục sẽ cản trở, kìm hãm sự phát triển văn hoá của cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng Nông thôn mới hiện nay.

Dưới sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể đã chung tay đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn sâu, rộng việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời đưa thành tiêu chí bình xét, đánh giá, công nhận các danh hiệu thi đua trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.


 Tổ chức hoạt động văn hóa cộng đồng theo nếp sống văn minh

Đặc biệt, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã lựa chọn, hướng dẫn, triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang ở tỉnh Bắc Ninh”. Trên cơ sở Nghị quyết số 20, 22 của HĐND tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy hướng dẫn Ban Dân vận các huyện, thị xã, thành phố, Khối Dân vận, MTTQ các xã, phường, thị trấn và Tổ Dân vận ở khu dân cư, Ban Công tác Mặt trận đăng ký, cụ thể hóa triển khai tuyên truyền, vận động và đã có gần 500 khu dân cư đăng ký mô hình. Mô hình được triển khai theo quy trình “4 khéo”: Chọn việc, chọn mô hình phù hợp (giảm các hủ tục; tiết kiệm chi tiêu; hỏa táng người chết để đảm bảo vệ sinh môi trường; xây mộ đúng quy cách trong nghĩa trang được quy hoạch); Chọn nội dung giải pháp phù hợp để vận động; Khéo tổ chức cho dân bàn, dân làm; Sơ kết, nhân rộng mô hình.

Với sự lãnh đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân đã tạo sự chuyển biến rõ nét nhận thức về ý nghĩa, sự cần thiết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần làm cho đời sống văn hóa cộng đồng phát triển theo hướng lành mạnh, tiến bộ. Những thuần phong, mỹ tục được bảo tồn và phát huy, hủ tục được ngăn chặn và dần được xoá bỏ, nếp sống văn hóa hình thành và phát triển. Nhiều nghi thức mới, lành mạnh, phù hợp với xã hội đương đại dần đi vào cuộc sống, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các tầng lớp nhân dân đã tự giác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Phần lớn đám cưới tổ chức theo Luật Hôn nhân và gia đình, giản lược nhưng giữ tính truyền thống, trang trọng, văn minh, tiết kiệm, gói gọn từ 1 đến 1,5 ngày, không mời khách tràn lan. Việc tang đã cơ bản xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, ở nhiều địa phương không còn mời ăn uống trong ngày tang lễ, tuần tiết. Nhiều đám tang thực hiện vòng hoa, mâm hoa quả luân chuyển để viếng, hạn chế câu đối, số gia đình lựa chọn hình thức hỏa táng người chết ngày càng tăng.

Những kết quả về xây dựng nếp sống văn minh trong những năm qua là hết sức to lớn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời tạo môi trường văn hóa lành mạnh, làm nên sức mạnh nội sinh để Bắc Ninh thực hiện sự nghiệp đổi mới, đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022./.

Nguồn: baobacninh.com.vn, ngày 22/8/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất