Thế nhưng từ ngày Chủ tịch UBND xã Lò Văn Pháng (dân tộc Thái) mang giống lúa mới về vận động nhân dân gieo trồng, cùng phát triển cây sơn tra (táo mèo), nuôi trâu bò tập trung, nuôi cá hồi..., cuộc sống của người dân trong xã ngày càng được cải thiện. Đến nay, xã đã không còn hộ đói nghèo, đứt bữa và số hộ khá, giàu ngày càng tăng lên.
“Khẩu Pháng Xiên” và những mùa vàng no ấm
Từ TP Sơn La vượt qua chặng đường 80km, chúng tôi vào tới xã Ngọc Chiến. Đợt mưa cuối tháng 7, đầu tháng 8 khiến nước suối đổ về, nên chúng tôi phải đi bộ vào trung tâm xã và gặp ông Lò Văn Pháng, nhân vật đặc biệt của địa phương. Trò chuyện với chúng tôi, ông Pháng say sưa kể về giống lúa Pháng Xiên và cây sơn tra, hai loại cây chủ lực giúp người dân địa phương thoát nghèo bền vững.
Được biết, từ năm 1996 trở về trước, xã Ngọc Chiến nói chung, đồng bào dân tộc Thái nói riêng hầu như chỉ quen trồng và dùng lúa nếp. Thế nhưng, năng suất cây lúa nếp giống cũ rất thấp, chỉ khoảng 2,5 tấn/ha. Chính vì vậy, trong một năm, người dân xã Ngọc Chiến thường thiếu lương thực từ 3 đến 4 tháng. Suốt thời gian dài, không ít đoàn cán bộ nông nghiệp về Ngọc Chiến để tìm hiểu nhằm giúp người dân thâm canh, tăng năng suất lúa, sớm giải quyết tình trạng đói giáp hạt, nhưng không thu được kết quả. Nguyên nhân là do khí hậu ở địa phương quá lạnh và người dân thì quen nếp canh tác cũ. Đã thế, hệ thống giao thông từ huyện và tỉnh về Ngọc Chiến hết sức khó khăn và phần nhiều là phải hành quân bộ. Cái khó chồng lên cái khó làm cho Ngọc Chiến đã nghèo lại càng nghèo hơn. Năm 1996, khi đang là Phó bí thư Đoàn xã Ngọc Chiến kiêm Trưởng bản Nà Bá, chàng thanh niên Lò Văn Pháng xung phong đi học theo hình thức tự túc tại Trường Trung cấp Nông lâm Sơn La với mong ước cháy bỏng là tìm được con đường giúp người dân trong bản thoát nghèo. Sau 3 năm học tập tại thị xã Sơn La, rồi đi thực tế tại huyện Phù Yên, Lò Văn Pháng tự gieo trồng thử nghiệm cây lúa nếp 87 Việt-Đức. Anh mạnh dạn áp dụng thử nghiệm kỹ thuật đã được học, sau thời gian chăm sóc, lúa nếp 87 Việt-Đức cho năng suất đạt từ 9 đến 10 tấn/ha, một điều chưa từng có ở tỉnh Sơn La.
Năm 1999, tốt nghiệp ra trường, với "vốn liếng" là 2,5kg thóc giống cùng kiến thức đã học, Lò Văn Pháng trở về chính mảnh đất quê hương lập nghiệp. Năm đầu tiên áp dụng giống lúa và phương pháp canh tác mới, anh thu hoạch 6 tấn/ha, gấp gần 3 lần giống lúa cũ. Nhận thấy giống lúa cho năng suất cao, anh đi vận động người dân trong bản gieo trồng. Tuy nhiên, người dân trong bản không tin và cho rằng đó chỉ là may mắn. Không vận động được người dân, anh mạnh dạn mượn toàn bộ ruộng lúa của anh em trong dòng họ để gieo giống lúa mới. Mùa tiếp theo, năng suất thu được tăng lên đáng kể, cả vụ gia đình anh thu hoạch được 9 tấn lúa. Không những thế, gạo mới ngon, dẻo, thơm, thời gian gieo trồng ngắn hơn gần một tháng so với các giống lúa vốn có ở địa phương. Chứng kiến gia đình anh Pháng thu hoạch được nhiều lúa, dân bản không khỏi ngạc nhiên và tự nguyện tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Không ngần ngại, anh dành toàn bộ 9 tấn lúa để cung cấp giống cho người dân trong xã. Người có tiền thì trả tiền, người không có thì anh vừa bán nợ, vừa cho để họ có giống lúa trồng với hy vọng thoát nghèo. Cả 33 bản trong xã với gần 2.000 hộ chia nhau 9 tấn lúa cũng chỉ vừa đủ để làm giống. Không chỉ có vậy, anh còn tận tình hướng dẫn cách gieo mạ, chăm bón và cấy lúa cho người dân trong xã.
Ông Cà Văn Phớ, người dân ở xã Ngọc Chiến, nhớ lại: “Tận mắt chứng kiến gia đình anh Pháng thu hoạch lúa năng suất cao gấp nhiều lần so với giống cũ nên không còn ai nghi ngờ gì nữa. Người dân trong xã đã theo anh trồng loại lúa này. Vụ mùa tiếp đó, gần 200 hộ trong xã không chỉ giải quyết được tình trạng đói giáp hạt mà còn dư thóc để bán (năng suất cao nhất đạt 9 tấn thóc/ha). Vào những năm 2001-2002, ở Ngọc Chiến không còn hộ thiếu đói. Khi đó người dân chúng tôi nói với nhau chỉ có trồng lúa nếp ông Pháng Xiên mới được ăn. Đã hơn 20 năm qua, người dân ở Ngọc Chiến vẫn chỉ trồng mỗi giống lúa này. Biết ơn ông Pháng, chúng tôi đặt tên loại lúa nếp này là “khẩu Pháng Xiên (tiếng Thái khẩu là lúa, Pháng Xiên là tên ông Pháng ghép với tên người con trai đầu của ông là Xiên).
Một đời trăn trở với quê hương
Sau khi thành công với giống lúa mới, ông Lò Văn Pháng lần lượt trải qua các vị trí công tác là cán bộ khuyến nông, cán bộ lâm nghiệp, rồi được bầu làm Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến. Ở bất cứ cương vị nào, đảng viên Lò Văn Pháng vẫn luôn đau đáu một điều là làm giàu cho quê hương. Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết: "Ở độ cao 1.800m so với mực nước biển, Ngọc Chiến được ví giống như Đà Lạt của Tây Nguyên, Sa Pa của Tây Bắc, bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm rất thuận lợi cho phát triển cây trồng. Đặc biệt, Ngọc Chiến có diện tích rừng khoảng 18.400ha, trong đó có rừng cây sơn tra (táo mèo) khoảng 2.000ha; có cánh đồng Mường Chiến rộng hơn 665ha. Trong xã có 4 thủy điện lớn nhỏ; nước ở đây có khả năng nuôi cá tầm, cá hồi rất tốt. Vì vậy, Ngọc Chiến không chỉ thuận lợi trong phát triển kinh tế, mà còn rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, do đường giao thông vào xã còn rất kém, nên chưa khai thác được tiềm năng. Năm 2017, UBND tỉnh Sơn La đã đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng con đường lên bản Nặm Nghiệp mở ra cho địa phương hướng đi mới".
Tuy nhiên, việc vận động đồng bào người Mông ở bản hiến đất làm đường vẫn gặp nhiều khó khăn. Là người có uy tín, ông Pháng trực tiếp tới từng gia đình để vận động, thuyết phục, giải thích về những chủ trương và lợi ích mang lại cho dân bản. Được ông Pháng phân tích thiệt hơn, các hộ đều vui vẻ đồng ý hiến đất. Ông Kháng A Câu, Trưởng bản Nặm Nghiệp, kể: “Cán bộ Pháng nói người Mông chúng tôi đã hiểu được. Những năm trước đây, cây sơn tra rất nhiều quả nhưng chín rồi chỉ để rụng dưới đất, vì con đường xuống xã quá vất vả và chúng tôi không biết giá trị của nó. 10 năm trước, cán bộ Pháng là người đầu tiên đến bản thu mua quả sơn tra mang ra tỉnh bán giúp người dân. Nay cán bộ Pháng còn ươm giống tại nhà, phát cho người dân mang về trồng. Vài năm trở lại đây, quả sơn tra ngày càng có giá cao. Người dân đã chăm bón, lấy giống từ nhà cán bộ Pháng về trồng. Thu nhập từ quả sơn tra, hộ nào ít là vài chục triệu, hộ nhiều nhất cả trăm triệu đồng mỗi năm. Mừng lắm, tất cả nhờ công của cán bộ Pháng".
Năm 2016, sau khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, ngay lập tức ông Pháng tổ chức cho người dân địa phương trồng cỏ để chăn nuôi trâu bò tập trung, góp phần ngăn chặn nạn trâu bò chết hàng loạt trong mùa rét. Sau một năm triển khai, trâu bò của cả xã không chết con nào. Việc nuôi gia súc tập trung còn tạo phân bón để chăm sóc hoa màu và bảo vệ được diện tích trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả. Cùng thời điểm này, để thu hút khách du lịch về địa phương, ý tưởng tổ chức Lễ hội Mừng cơm mới tại xã Ngọc Chiến do ông Pháng đề xuất được UBND tỉnh Sơn La chấp thuận. Lễ hội là dịp để người dân cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển; đồng thời đồng bào các dân tộc gặp gỡ giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao. Đến nay, lễ hội tạo thành đặc sản ở Ngọc Chiến thu hút đông đảo khách du lịch. Để phát triển kinh tế cho địa phương, ông Pháng còn đi đầu trong việc thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân, phát triển nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, hỗ trợ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học… Xuất phát từ ý tưởng của mình, cùng với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, ông Pháng cho thành lập HTX Thành Công chuyên sản xuất rau, củ, quả, hoa chất lượng cao. Việc thành lập HTX đã tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Hiện tại, với hơn 13ha đất trồng lúa thuê của 77 hộ, HTX đã hình thành được những cánh đồng hoa, dự kiến cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, cánh đồng bí xanh cho thu 100 tấn quả/ha (một năm 4 vụ, giá bán 5.000 đồng/kg) hay những cánh đồng cải bắp, cải thảo, súp lơ xanh, cà rốt, cà chua... được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với năng suất từ 15 đến 20 tấn/ha (giá bán 20.000 đồng/kg).
Ông Nguyễn Thành Công, Bí thư Huyện ủy Mường La, khẳng định: "Là cán bộ cấp xã nhưng đồng chí Lò Văn Pháng có tư duy năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, nhất là việc đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Đồng chí luôn gương mẫu, tích cực đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, vận động nhân dân hiến đất, mở rộng đường giao thông, tổ chức Lễ hội Mừng cơm mới, phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo khách du lịch đến với quê hương. Đồng chí Lò Văn Pháng là tấm gương sáng cho cán bộ, nhân dân vùng cao Ngọc Chiến học tập, làm theo".
Hoàng Nhưỡng/Báo Quân đội nhân dân điện tử