Chủ Nhật, 12/1/2025
"Học nói" để dân vận hiệu quả

 Ông Đoàn Văn Long-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Ake (huyện Phú Thiện) trao phần thưởng cho các học sinh nghèo vượt khó
 
Từng có thời gian tăng cường cơ sở, gắn bó với người dân làng Mrông Ngó (xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai) vào năm 2012, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều cán bộ của huyện Chư Pah, trong số đó có chị Đinh Thị Phương, người Bahnar, thời điểm ấy đang là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện. Chị đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong tôi với khả năng nói thành thạo tiếng Jrai vùng Chư Pah. Chia sẻ về quá trình học tiếng địa phương, chị bảo: “Do mình siêng tiếp xúc với dân làng, không ngại sai khi tập nói nên giờ đi đến làng nào, gặp người dân nào cũng thấy thoải mái, thuận lợi, bà con đều vui vẻ chào đón”. Theo chị Phương, là cán bộ công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sự gần gũi, hòa đồng, hiểu sâu sắc về phong tục tập quán của đồng bào là yếu tố quan trọng để tuyên truyền, vận động dân làng hiệu quả. Niềm vui lớn nhất của chị có lẽ là sự tin yêu của bà con. Khi về làng, xã, người nào cũng nhận ra và gọi chị với cái tên thân thương “Phương Jrai”. Chính vì vậy, ở cương vị mới là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Pah, khi chia sẻ về kinh nghiệm dân vận với thế hệ cán bộ trẻ đang công tác ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chị Phương cho rằng: Sự nhiệt tình, thường xuyên đi cơ sở nắm tình hình thực tế là điều cốt yếu, bên cạnh đó cần tích cực học tiếng địa phương, lúc ấy mới biết dân nghĩ gì, cần gì để tham mưu, đề xuất giải pháp cụ thể. 
 
Là một giáo viên Tiểu học vùng dân tộc Bahnar, anh Hồ Trọng Nghĩa (Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lơ Ku, huyện Kbang) còn nhớ như in những tháng ngày khó khăn của thời bao cấp được phân công về dạy học ở xã Krong. Cuộc sống nghèo khổ nên học trò hay nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình. Vì vậy, ngoài việc đứng lớp, một nhiệm vụ quan trọng khác của giáo viên nơi đây là vận động học sinh đi học chuyên cần. Là giáo viên người Kinh, ngôn ngữ là thứ rào cản duy nhất mà anh tự nhủ cần nhanh chóng khắc phục. Bởi thế, anh tranh thủ thời gian rảnh rỗi đến gặp già làng giỏi tiếng phổ thông để nhờ “phiên dịch” những từ thông dụng sang tiếng Bahnar. Hàng ngày, anh còn đến từng nhà dân để vừa học, vừa thực hành tiếng Bahnar. Sau nhiều tháng chịu khó học hỏi, anh đã tự tin tiếp xúc, trò chuyện thoải mái với học trò, dân làng. Nhờ biết tiếng Bahnar mà anh Nghĩa có thể chủ động, sáng tạo hơn trong phương pháp dạy học giúp học trò tiếp thu nhanh kiến thức, đồng thời hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của từng em để hỗ trợ kịp thời.
 
Trong khi đó, sinh ra và lớn lên tại làng Glung B (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) nên ông Đoàn Văn Long-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Ake-hiểu sâu sắc về người dân và vùng đất hiện tại. Sống cùng dân làng, tiếp xúc với những bạn học người Jrai nhiều nên việc nói tiếng Jrai với ông là điều không quá khó. Chính sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của dân làng Glung dành cho gia đình ông những ngày đầu khó khăn từ Ninh Bình vào Gia Lai lập nghiệp đã giúp ông thêm trân trọng, yêu quý và gắn bó với con người Tây Nguyên. Trăn trở về khó khăn hiện tại, ông Long đang tích cực cùng tập thể Đảng ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động nhân dân phấn đấu thực hiện các tiêu chí để xã Ia Ake sớm về đích nông thôn mới trong năm 2018 theo chủ trương của huyện. Những ngày này, ông thường xuyên xuống tận các làng, vận động bà con đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng các công trình giao thông, tích cực lao động sản xuất, cải thiện đời sống. Và nhờ vốn từ Jrai sẵn có, công tác vận động bước đầu đã đem lại hiệu quả.
 
Có thể nói, công tác dân vận ở thời kỳ nào cũng là nhiệm vụ khó khăn và không thể mang lại hiệu quả tức thì mà chủ yếu là “mưa dầm thấm lâu”. Vì vậy, việc quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực, tâm huyết và biết sử dụng ngôn ngữ bản địa là nhiệm vụ quan trọng trong công tác vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay.

 

Nguồn: baogialai.com.vn, 23/8/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất