Chủ Nhật, 12/1/2025
59 năm “vác tù và” nơi phố cổ
Âm thầm giữ vẻ đẹp phố cổ
Được mệnh danh là “con đường tơ lụa”, phố Hàng Gai đã trở thành con phố sầm uất bậc nhất Hà Nội với những cửa hàng truyền thống kinh doanh tơ lụa lâu năm. Đây cũng là nơi luôn âm thầm lưu giữ vẻ đẹp nghề truyền thống mang đậm chất kinh kỳ, âm thầm như chính hình ảnh của bà Nga vậy. 59 năm lo sướng, khổ, buồn, vui cho “con đường tơ lụa”, bà Nga bảo, phố Hàng Gai trước đây toàn những ngôi nhà cổ một tầng. Giờ nhà ở đây được xây lên, nhưng vẫn thấp thoáng nét xưa cũ đọng lại, mang theo màu thời gian hoài cổ. Với giọng nói nhẹ nhàng của phụ nữ Hà thành, bà lần lượt đưa chúng tôi về thời bao cấp xưa, khi bà mới nhận công việc “vác tù và” này.
 
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (giữa) giới thiệu với du khách sản phẩm lụa. Ảnh: Trần Thảo 

Xuất thân từ vùng quê giàu truyền thống cách mạng (thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì), sau Ngày giải phóng Thủ đô, bà về sống ở nội thành và trở thành cán bộ của Công ty Bông vải sợi may mặc, rồi cán bộ cải tạo tiểu thương (phát lương cho tiểu thương) khi ở tuổi ngoài 20 đầy nhiệt huyết. Sau một thời gian làm việc ở cơ quan, thấy bà tích cực tham gia các hoạt động xây dựng khối phố nên bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng dân phố từ năm 1960 cho đến tận giờ. Từ ngày làm Tổ trưởng, cứ hết việc công ty là bà lại lao vào công việc của khu phố, nhiều khi phải tranh thủ buổi tối để viết khẩu hiệu, sổ hộ khẩu… 
Nhiệm vụ “nghề tổ trưởng” khi ấy là người tiếp xúc trực tiếp với dân, chủ yếu tuyên truyền chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước để dân hiểu, dân thông, từ đó thực hiện nghĩa vụ công dân. Công việc tưởng đơn giản, nhưng lại rất khó khăn vào thời điểm đó.

"Bà Nga là Tổ trưởng Tổ dân phố 4 đã công tác trong nhiều năm, có trách nhiệm, nhiệt tình, gắn bó với chính quyền. Đó là người Tổ trưởng được bà con khu phố tin yêu, các phong trào của phường thông qua bà được Nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Dù tuổi cao, nhưng mọi công việc của Tổ dân phố bà luôn hoàn thành tốt." - Chủ tịch UBND phường Hàng Gai Nguyễn Ngọc Hà

Bởi lẽ, khu phố Hàng Gai toàn những ngôi nhà cổ một tầng, là nơi tập trung nhiều thương nhân kinh doanh buôn bán, việc quản lý những địa điểm này không dễ. Sau khi tiếp quản, bên cạnh công việc chung, còn có những việc cá nhân của mỗi gia đình. “Khổ nhất là thời bao cấp, việc kê khai nhân khẩu, hộ khẩu để lập danh sách, cấp phát tem phiếu đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, cẩn trọng” - bà Nga nhớ lại. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, hết vận động Nhân dân đào hầm trú ẩn, đi sơ tán, bảo vệ tài sản, tính mạng, đến việc động viên con em tòng quân, ủng hộ sức người, sức của cho tiền tuyến... Nhưng rồi việc nào cũng đi việc nấy, nhờ sự sâu sát trong công việc, nên bà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Dấu chân in hằn lên khu phố
Thấm thoắt đã gần 60 năm, cô gái nhiệt huyết năm xưa đã bước vào tuổi 85, nhưng vẫn miệt mài, gắn bó với “việc không tên”. Bao năm qua, mọi con đường, ngõ ngách, mọi cầu thang của từng hộ trong tổ dân phố, đều in hằn dấu chân của bà Nga. Bà thuộc lòng hoàn cảnh của từng hộ. Từ khi nghỉ hưu, bà càng có thêm nhiều thời gian để thăm hỏi mọi người, chúc mừng người có tin vui, chia buồn với gia đình có người ốm đau, qua đời. Mọi người coi bà như một thành viên trong gia đình. Do khéo vận động nên hằng năm, mọi quỹ đóng góp của tổ, bà đều thu rất nhanh và hoàn thành vượt mức đề ra. “Nhiệm vụ của Tổ trưởng dân phố giờ nhẹ nhàng hơn trước. Cứ sáng thứ Ba hàng tuần từ 8 giờ 30 đến 10 giờ, tôi lại có mặt khắp khu phố đi trực rác, nhắc nhở người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không thả chó ra đường…” - bà Nga nói.
Hơn nửa thế kỷ làm công tác tổ dân phố, kiêm Tổ trưởng Người cao tuổi, thành viên Tiểu ban Quản lý di tích đình Cổ Vũ (85 Hàng Gai), Tổ trưởng Tổ phụ nữ… bà luôn được mọi người kính trọng, bởi khả năng và uy tín cao khi thực hiện công tác hòa giải, dân vận khéo, tạo sự đồng thuận của người dân. Đặc biệt, bà là người tâm huyết và có nhiều đề xuất trong giữ gìn và bảo tồn di tích đình Cổ Vũ.
Hiện nay dù tuổi cao, nhưng bà Nga vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn, đặc biệt việc thông thạo tiếng Pháp từ hồi trẻ giúp bà rất nhiều trong giao tiếp với khách nước ngoài đến thăm phố cổ. Trăm việc “không tên” ở khu “phố tơ lụa” như vậy, nhưng hằng ngày bà còn phụ con cháu quản lý cửa hàng kinh doanh sản phẩm lụa. Với bà, đây cũng là hình thức an hưởng tuổi già và như một thú chơi nơi phố cổ.
Trần Thảo/ kinhtedothi.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất