Thứ Bảy, 20/4/2024
Người thầy giáo mặc áo cà sa

 Thượng tọa ân cần dạy các em học sinh học ngôn ngữ Khmer

Nhiều việc làm bình dị, cao quý

Những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi trở lại xã Hưng Hội - xã có đông bà con Khmer nhất tỉnh Bạc Liêu. Nhờ chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cán bộ và đồng bào Khmer ở Hưng Hội, tôi tận mắt chứng kiến mấy năm gần đây, vùng quê này đã đổi mới đi lên rất đáng mừng.

Ngoài chức sắc trụ trì chùa Cái Giá, Thượng tọa Tăng Sa Vông là Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu nhiều năm qua. Trò chuyện với chúng tôi, Thượng tọa Tăng Sa Vông kể về sự tâm huyết, trách nhiệm của mình với công việc chung, đặc biệt dành nhiều thời gian, công sức bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực, góp phần chăm lo sự nghiệp giáo dục của địa phương, nhất là lo cho con em đồng bào Khmer nghèo đến trường, được học tiếng Khmer của đồng bào mình (trong trường phổ thông không có chương trình học ngôn ngữ Khmer), khiến chúng tôi thật sự cảm phục.

Thượng tọa Tăng Sa Vông chia sẻ: Ông sinh ra và lớn lên tại xã Hưng Hội. Đặc biệt, xã Hưng Hội hiện có hơn 76% dân số là đồng bào Khmer. Từ năm 1987 đến nay, ông liên tục trụ trì tại chùa Cái Giá. Thời buổi khoa học công nghệ phát triển nhanh từng ngày, việc sử dụng máy tính càng rất bức thiết, không thể thiếu được, trong khi đó nhiều người Khmer của xã, huyện “mù” về công nghệ thông tin. Trăn trở về thực tế này, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, “mày mò” tìm cách cài đặt phông chữ Khmer cho nhiều máy vi tính trong nhà chùa. Đặc biệt, dành thời gian, công sức dịch các tài liệu hỏi – đáp những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu phát hành từ tiếng Việt sang tiếng Khmer.

Những tài liệu này dùng để tuyên truyền trong đồng bào Phật tử và giảng dạy trong các lớp học chữ Khmer tổ chức ở nhà chùa. Nhờ vậy, hiện nay không chỉ chùa Cái Giá mà hầu hết 22 chùa của đồng bào Khmer trong toàn tỉnh Bạc Liêu và nhiều chùa Khmer khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng việc cài đặt phông chữ Khmer cho máy tính trong chùa, giúp các vị sư sãi và bà con Phật tử sử dụng dễ dàng, thuận tiện hơn. Được biết, Thượng tọa Tăng Sa Vông là người đầu tiên mở các lớp dạy sử dụng máy tính cho các vị sư sãi và con em tại các chùa của đồng bào Khmer ở Bạc Liêu suốt gần 15 năm qua. 

Ngoài ra, ông còn tổ chức các lớp dạy ngôn ngữ Khmer cho con em đồng bào trong xã Hưng Hội liên tục hơn 30 năm qua. Đồng thời, bản thân ông cùng với Đại đức Thạch Vuông, Phó trụ trì chùa Cái Giá và các sư là “thầy giáo” trực tiếp đứng lớp dạy cách sử dụng máy tính, dạy ngôn ngữ Khmer tại chùa cho con em trong xã Hưng Hội từ nhiều năm nay. Mỗi năm có 100-150 học sinh là con em đồng bào Khmer của xã đến chùa học ngôn ngữ của đồng bào mình. Các em không chỉ được học miễn phí mà còn được Thượng tọa Tăng Sa Vông và nhà chùa tặng 10 cuốn tập viết và 100 nghìn đồng mỗi em trong đợt học hai tháng nghỉ hè. Đối với những em học giỏi và khá, được tặng hai, ba trăm nghìn đồng một đợt học hai tháng.

Góp phần giúp nhiều con em thành đạt

Tôi tìm đến gia đình ông Thạch Phil, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Hội, ở ấp Cái Giá. Gia đình ông Thạch Phil là hộ Khmer thành đạt của xã Hưng Hội, đặc biệt có hai người con đều tốt nghiệp đại học, một người con hiện làm bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Bình (Bạc Liêu); một người con làm kỹ sư xây dựng. Hai người con này trước đây đều học ngôn ngữ Khmer tại chùa Cái Giá, do Thượng tọa Tăng Sa Vông giảng dạy. Trong lúc trò chuyện nhắc đến tên Thượng tọa Tăng Sa Vông, mắt ông Thạch Phil sáng bừng: Không chỉ gia đình tôi, ở xã này còn nhiều hộ con cái học hành khá giả, thành đạt như hôm nay có phần động viên, giúp đỡ không nhỏ của Thượng tọa Tăng Sa Vông và các sư trong chùa Cái Giá. Tụi tôi mừng lắm. Thượng tọa không chỉ dạy bà con Phật tử sống tốt đời đẹp đạo, mà còn khuyên bảo bà con cần quan tâm đến việc học hành của con em.

Hộ gia đình bà Hứa Thị Lan, ấp Cái Giá có ba người đều tốt nghiệp đại học, hiện đều là giáo viên dạy học tại các trường trong và ngoài tỉnh. Bà Hứa Thị Lan cho biết: Đáng mừng là tại vùng đồng bào dân tộc nghèo khó năm xưa, hôm nay có nhiều con em là người Khmer tốt nghiệp đại học, cao đẳng, không ít con em là bác sĩ, kỹ sư, thầy cô giáo. Đặc biệt, tại ấp Cái Giá này vinh dự có bà Trần Thị Hoa Ry, đại biểu Quốc hội bốn nhiệm kỳ, hiện là đại biểu Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021). Bà Trần Thị Hoa Ry trước đây cũng từng học ngôn ngữ Khmer tại chùa Cái Giá này.

Nhiều năm qua, Thượng tọa Tăng Sa Vông đã cùng các vị sư sãi trong chùa trực tiếp ra đồng sản xuất bốn ha lúa để có đủ gạo ăn và sinh hoạt đạm bạc hằng ngày. “Áo cà sa ra đồng” - đó là câu nói, lời ca ngợi của nhiều người dân Bạc Liêu đối với Thượng tọa Tăng Sa Vông và các vị sư sãi chùa Cái Giá. Số tiền bà con Phật tử cúng chùa, ông dành để tu bổ, xây đắp chùa khang trang, sạch đẹp; đồng thời dành cho việc làm đường đến trường học, tu sửa trường lớp, trợ giúp những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn…

Đến ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) trong những ngày Tháng Tám lịch sử này, phóng xe gắn máy chạy bon bon trên con lộ bê-tông dài hơn một km, chúng tôi được tận mắt thấy các em học sinh vui bước đến trường làm cho không khí thêm náo nức, rộn ràng. Tuyến đường này do Thượng tọa Tăng Sa Vông vận động các mạnh thường quân đóng góp hơn 200 triệu đồng, chính quyền địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của đồng bào Khmer, nhất là phục vụ việc đến trường của nhiều con em trong xã. 

Thượng tọa Tăng Sa Vông cho biết: Từ rất lâu rồi, ông luôn khát khao mang đến cuộc sống tốt đẹp cho đồng bào Khmer, nhất là con em vùng quê nghèo này có điều kiện đến trường học tập, góp phần phục vụ quê hương, đất nước. Khi trên cương vị Trụ trì chùa Cái Giá, ông có điều kiện tốt hơn để thực hiện mong ước cháy bỏng của mình. Ông đặc biệt quan tâm vấn đề khuyến học trong đồng bào Khmer. Đồng thời, bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực chăm lo việc giáo dục của con em trong xã. Cụ thể như bản thân nhiều năm liền không quản ngại khó khăn, vất vả, trực tiếp đến nhiều hộ vận động xây lớp học, trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho thanh niên, trẻ em phum sóc từng con chữ Khmer, đạo làm người, giáo lý của đức Phật. Nhờ sự tận tụy của ông - “người lái đò”, không ít con em đồng bào Khmer gìn giữ được tiếng mẹ đẻ, quyết tâm học hành để có trình độ, kiến thức chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ngoài ra, đối với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những gia đình Khmer trong ấp, xã không may gặp hoạn nạn, Thượng tọa Tăng Sa Vông còn dùng tiền của cá nhân mình hỗ trợ, nhằm góp phần động viên, giúp đỡ các em tiếp tục bám trường, bám lớp, vững bước trên hành trình chinh phục ước mơ. 

Bà Trần Thị Hoa Ry, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu khẳng định: “Thượng tọa Tăng Sa Vông là người rất có uy tín trong đồng bào Khmer, luôn gương mẫu và khuyên bảo bà con Phật tử “sống tốt đời, đẹp đạo”. Ông luôn được đồng bào Khmer và các cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương tin tưởng, quý trọng. Chính quyền và các ngành trong tỉnh, huyện luôn phối hợp chặt chẽ với ông trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Khmer…”.

Không chỉ được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND tỉnh Bạc Liêu tặng nhiều bằng khen về thành tích đại đoàn kết dân tộc; thành tích khuyến học; về tấm gương sáng sống tốt đời, đẹp đạo... Thượng tọa Tăng Sa Vông luôn được nhiều bà con Phật tử, cán bộ, đồng bào Khmer trong tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long kính trọng, vinh danh gọi bằng tên trìu mến “Người thầy giáo mặc áo cà sa”, vì có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp “trồng người” của địa phương.

Nguồn: nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất