Đến xã miền núi Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), hỏi thăm về ông Phạm Thăng (1944) ở thôn 2, đồng bào Hrê ở đây ai cũng biết. Những năm qua, ông Thăng không chỉ gương mẫu trong mọi công tác ở địa phương, mà còn vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Nghĩa Thọ cách xa trung tâm huyện Tư Nghĩa, trình độ dân trí còn thấp, địa hình cách trở, dân cư lại nằm rải rác, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Để chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, ông Thăng cho rằng bản thân phải là người gương mẫu trong mọi công việc.
Vì thế, ông Thăng luôn tích cực làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Bản thân ông còn hiến đất, và vận động người dân cùng hiến đất, hoa màu để làm giao thông nông thôn. Nhờ đó mà trên địa bàn xã có nhiều con đường được bê tông, sạch sẽ, giúp người dân đi lại thuận tiện.
"Bản thân là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôi luôn tin tưởng vào chính sách chăm lo cho người dân ở các xã miền núi của Đảng và Nhà nước. Tôi thường xuyên lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư và thảo luận với người dân những vấn đề mà mọi người quan tâm, để có định hướng đúng và tổ chức thực hiện hiệu quả”, ông Thăng nói. Để tuyên truyền chính sách cho người dân, ông Thăng thường xuyên đọc báo, xem ti vi, nhất là các chương trình về đồng bào dân tộc thiểu số trong và ngoài tỉnh.
Ông Thăng còn là người hòa giải nói có lý có tình trong những sự việc bạo hành gia đình, hay mâu thuẫn hàng xóm lẫn nhau. Đến nay, ông đã tham gia hòa giải thành công 8 vụ, trong đó có 6 vụ tranh chấp đất đai và 2 vụ mâu thuẫn nội bộ. Ông vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nghi kỵ đồ độc và các tệ nạn xã hội khác; cùng hội CCB xã đặt 17 bi chứa chai thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng trên địa bàn xã.
Hằng năm, ông Thăng còn vận động thanh niên nhập ngũ đạt chỉ tiêu được giao, tham gia xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, ông Thăng còn tuyên truyền cho gần 200 người tham gia bảo vệ rừng, không phá rừng và không để xảy ra cháy rừng.
Đối với Nghĩa Thọ, điều trăn trở lớn hiện nay là, tỷ lệ học sinh bỏ học cao. Đây cũng là điều mà ông Thăng luôn canh cánh trong lòng, vì thế, khi nghe có trường hợp bỏ học, ông đến tận nhà khuyên nhủ học sinh và vận động phụ huynh tiếp tục cho con em đến trường.
Ông Thăng nói: “Đời sống thay đổi rồi, nên người dân phải thay đổi suy nghĩ. Bây giờ phải học mới có kiến thức, biết cách tính toán trồng cây lúa, nuôi con gà, con heo để có thu nhập cao hơn”. Niềm vui của ông Thăng bây giờ là những gia đình trước kia từng đứng trước nguy cơ đổ vỡ, đã nghe lời ông từ bỏ uống rượu, không còn bạo lực, chí thú làm ăn. Hay những trường hợp học sinh quay lại lớp học, giờ đã có việc làm ổn định.
Những người Hrê ở Nghĩa Thọ luôn xem ông Thăng là cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với người dân địa phương.
Theo Bảo Hòa/Báo Quảng Ngãi điện tử