Hơn 15 năm kể từ khi được bầu làm người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong rất nhiều phần việc ở vai trò này, ông Lường Văn Pối - dân tộc Thái, thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ dành tâm sức hơn cả cho công tác khuyến học.
Là người từng làm cán bộ ở xã, được giao lưu xã hội, ông Pối hiểu được tầm quan trọng của học hành. Vì thế, ông không ngần ngại đến tận từng nhà, gặp gỡ từng bậc cha mẹ và con em, nói cho họ hiểu lợi ích của việc học tập, động viên cha mẹ tạo điều kiện cho con cái đi học, các cháu học sinh chăm chỉ, chịu khó, học lên cấp học cao nhất có thể. Ông Pối vui lắm khi việc học tập của con em trong thôn ngày một tiến bộ.
Hơn chục năm nay, Đêu 2 không có học sinh bỏ học; nhiều cháu phấn đấu đi học nghề hay chuyên nghiệp. Năm học 2017-2018, toàn thôn có gần 80 cháu từ cấp mầm non đến THCS, 15 cháu học THPT và học nghề. Đến nay, nhiều con em trong thôn đã và đang đi học chuyên nghiệp, trở về công tác, phát triển kinh tế tại địa phương, như các chị: Lường Thị Thủy hiện là cán bộ tư pháp xã, Lường Thị Hoàn đang là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Lường Thị Hương áp dụng kiến thức học tập về làm du lịch cộng đồng…
Vốn làm Trưởng thôn từ năm 2014-2017, giữ chức Bí thư Chi bộ thôn từ năm 2017 và nay thêm vai trò là người có uy tín nên dù chưa phải bậc cao niên ở thôn nhưng tiếng nói của anh Hoàng Văn Tương - thôn Ả Thượng, xã Nghĩa Phúc có trọng lượng trong cộng đồng.
Với trên 50% dân số toàn thôn là dân tộc Mường, lại là thôn có khu tái định cư với hơn 40 hộ bắt đầu chuyển đến từ những năm 2009-2010 nên cuộc sống của nhiều hộ có thời điểm còn khó khăn. Bằng sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, anh Tương cùng với cán bộ thôn đã phát huy được tinh thần đoàn kết của người dân trong thôn cùng nhau nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, nhất là thích ứng với điều kiện sản xuất, sinh hoạt của khu tái định cư và chung tay góp sức vào những công việc chung của cộng đồng, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, việc xây dựng đường giao thông thôn và nhà văn hóa được người dân ủng hộ, nhất trí cao, còn vận động được cả sự ủng hộ của doanh nghiệp đóng trên địa bàn… Đến nay, Ả Thượng được đánh giá là thôn phát triển nhất trong xã và cũng là thôn đã đạt được đầy đủ 19 tiêu chí nông thôn mới. Thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giảm nghèo bền vững, phấn đấu đạt thu nhập 25 triệu đồng/người/năm… tiếp tục là những mục tiêu mà Ả Thượng đang hướng tới trong năm nay và những năm tiếp theo.
Nhiều người có uy tín trên địa bàn thị xã đã luôn nỗ lực để không những đi đầu, làm gương cho bà con mà còn để tiếng nói của mình được bà con tin tưởng, nghe theo. Ở tuổi 75 nhưng ông Hoàng Văn Ninh - người có uy tín bản Tông Co 1, phường Tân An vẫn chăm chỉ nuôi gà quy mô 1.000 con, chăn nuôi lợn và tích cực thả cá ruộng trên diện tích 2.500 m2 ruộng.
"Mình làm trước hết cho gia đình nhưng cũng là để bà con nhìn vào noi theo, nếu chỉ nói suông mà không làm thật thì chắc bà con cũng khó lòng tin tưởng được” - ông Ninh tỏ rõ quan điểm. Còn ông Lò Minh Tâm - người có uy tín tổ Bản Loọng, phường Pú Trạng chia sẻ: "Là người có uy tín, phải luôn nắm bắt tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sâu sát tình hình nhân dân; quan trọng nhất là phải biết cách nói để bà con dễ nghe, dễ hiểu và làm theo lời mình nói. Thường thì tôi đưa ra những ví dụ, điển hình cụ thể, gần gũi ngay trong cộng đồng để bà con thấy rõ, dễ hình dung được những điều mình muốn truyền đạt hơn”.
Hiện, trên địa bàn thị xã có 40 người có uy tín. Ông Lê Văn An - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Người có uy tín trên địa bàn đã có những cách tuyên truyền, vận động, việc làm cụ thể, thiết thực để nhân dân dễ hiểu và làm theo. Có những người là điển hình trong phát triển kinh tế; có người khai thác tối đa lợi thế ngôn ngữ bản địa và am hiểu phong tục tập quán để tuyên truyền, giải thích; có người tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của dân tộc mình… từ đó có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của thị xã”.
Hạnh Quyên/Báo Yên Bái điện tử