Thứ Bảy, 11/1/2025
“Ông Mói dân vận”
 
Cựu chiến binh Lê Xuân Mói (bên phải) và Lê Văn Cận trên tuyến đường thôn
Đan Nhiễm, sau khi vận động các hộ hiến đất làm đường. 


Một thời chiến trận hào hùng

Ông Lê Xuân Mói dáng người thấp bé, bị cụt một chân. Ngày chúng tôi đến thăm nhà, ông đang "tư vấn" giúp một cụ già về một số vấn đề liên quan đến công tác chính sách. Ông Mói tiếp chúng tôi bên ấm nước chè nóng. Trong gian nhà cấp bốn của ông, nổi bật nhất là Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhì cùng hàng chục bằng khen, giấy khen của các cấp trao tặng.

Cụ già đang ngồi nói chuyện với ông là bà Bùi Thị Mỹ (80 tuổi) có chồng 20 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; con trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Nghĩa. Anh Nghĩa hy sinh khi đánh đuổi quân Khmer đỏ năm 1979. Bà Mỹ đến nhờ ông Mói liên hệ với cơ quan chức năng để tìm kiếm hài cốt của con trai. Nhờ uy tín và sự nhiệt tình, ông Mói như “địa chỉ đỏ” để các gia đình thương binh, liệt sĩ, CCB, người có công ở địa phương đến nhờ giúp đỡ về các hoạt động xã hội. Ông còn được người dân địa phương quý mến gọi bằng cái tên thân mật: “Ông Mói dân vận”.

Nhập ngũ tháng 4-1974, người thanh niên Lê Xuân Mói mang trong mình nhiệt huyết đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng khi đất nước gần đến ngày thống nhất thì đơn vị của ông bị trúng đạn pháo địch; ông bị thương và mất một chân. Ông còn nhớ như in những ngày nằm ở bệnh viện dã chiến, không đi lại được, đạn địch vẫn bay vèo vèo qua hầm, may sao ông vẫn còn sống để trở về.

Vượt qua nỗi đau thể xác, Lê Xuân Mói tiếp tục ở lại chiến trường chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, rồi tập kết ra Bắc, đến tháng 10-1977 được xuất ngũ, với thương tật hạng 3/4, bệnh binh mất sức lao động 81%. Với khoản trợ cấp không nhiều, lại phải nuôi 5 người con, trong đó người con út bị nhiễm chất độc da cam, ông Mói đã nỗ lực vươn lên và chứng minh nghị lực, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, của “người thương binh tàn nhưng không phế”.

Những năm tháng gian khổ ở mặt trận đã tôi luyện cho ông bản lĩnh sống kiên cường, không ỷ lại, trông chờ vào chính sách ưu đãi của Nhà nước; gắn bó, nghĩa tình với đồng đội, với nhân dân.

Điển hình “dân vận khéo”

Năm 1990, Chi hội CCB thôn Đan Nhiễm được thành lập. Ông Mói được tín nhiệm bầu giữ chức chi hội phó. Bản thân là thương binh, ông Mói thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các hội viên. Vì thế, ông luôn quan tâm thực hiện tốt phong trào “nghĩa tình đồng đội”, “giúp nhau giảm nghèo”. Thôn Đan Nhiễm có nghề đan lát tạo ra các sản phẩm thủ công bằng tre, nứa, nhưng tiêu thụ khó khăn, ông mạnh dạn cùng một số người trong tổ thương binh liên kết với hợp tác xã mua bán huyện Thường Tín đứng ra mở tài khoản, nhận bao tiêu sản phẩm bán cho Nhà máy Rượu-Bia Hải Hà; Nhà máy Phích nước Rạng Đông, Nhà máy Mì Hải Châu... Từ đó, ngôi nhà của ông trở thành địa điểm thu gom sản phẩm. Ông trực tiếp vận chuyển sản phẩm bán cho các nhà máy, nhận tiền, chi trả đầy đủ cho từng hộ dân mà không nhận một đồng tiền công nào.

Trong phong trào cả nước xây dựng nông thôn mới, là CCB, ông Mói nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách này; tích cực tuyên truyền vận động các hộ gia đình tham gia, xây dựng, đóng góp công sức, tiền của, đặc biệt là vận động người dân hiến đất mở đường. Tháng 5-2016, thôn Đan Nhiễm được đầu tư làm con đường chạy qua làng dài 145m, rộng 2,5m. Ông Mói đã đến từng nhà vận động giải thích, nhờ đó thu được số tiền đóng góp hơn 60 triệu đồng. Đặc biệt, ông đã vận động hai gia đình CCB Lê Văn Cận và Lê Văn Hải phá 10m tường rào để con đường của thôn được thẳng và rộng. Ông Mói nhớ lại, khi đó, không ít người xì xào ông đi vận động vì mục đích cá nhân. Ai cũng biết, cháu ruột ông có mảnh đất sau nhà hai CCB, nếu phá tường rào mở đường, nhà cháu của ông coi như được lợi nhiều nhất. Điều này làm ông trăn trở suốt nhiều đêm. “Có người nghĩ rằng, tôi đi vận động mở đường để có lợi cho cháu tôi. Điều này làm tôi khó nghĩ lắm. Vì tôi không có mục đích cá nhân nào cả, chỉ muốn con đường rộng, đẹp cho cả làng đi. Vô tình nhà cháu tôi ở đó. Nếu như đất nhà cháu ảnh hưởng đến việc mở đường, tôi tin cháu sẽ nghe lời tôi hiến đất mở đường”, ông Mói nhớ lại.

Gia đình ông Hải và ông Cận kinh tế cũng còn nhiều khó khăn, chỉ trông vào mấy sào ruộng, nay có người vận động phá tường rào để mở đường, nghe cũng không lọt tai. Buổi đầu đến gia đình ông Hải, ông Mói không được tiếp đón niềm nở, nhưng ông không nản chí. Các tối tiếp theo, ông vẫn kiên trì chống nạng tập tễnh đến nhà hai ông, cùng ôn lại chuyện chiến trường xưa, về quyết tâm giải phóng miền Nam, không ngại hy sinh gian khổ; nay hòa bình cần tiếp tục gương mẫu đóng góp xây dựng quê hương. Mưa dầm thấm lâu, một buổi chiều, ông Mói cùng hai CCB trong xóm đi dạo trên đường làng, men theo đoạn đường cong, hẹp, thấy hai xe thồ tránh nhau rất khó khăn ngay trước nhà ông Hải, ông Mói bèn thốt lên: “Giá như con đường rộng hơn một chút thì việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con sẽ thuận tiện, an toàn hơn nhiều”.

Rồi ba người cùng nhau lên nóc một nhà cao tầng nhìn xuống, thấy rõ đoạn đường hẹp, cong, chỗ lồi ra, chỗ thụt vào. Ông Mói giải thích kỹ về lợi ích nếu như con đường được nắn thẳng, thì không chỉ người dân sẽ được hưởng lợi mà trong đó còn có gia đình hai CCB. Nhận rõ điều đó, ông Hải, ông Cận đồng tình với ông Mói và quyết định phá bỏ tường rào, hiến đất để thôn làm đường. Ông Mói tâm niệm, dân vận chính là vận động bằng cái tâm. Người đi vận động chỉ vì mục đích chung, không được xen vào cái cá nhân và phải làm sao để người được vận động thấy rõ lợi ích của họ trong đó. Chỉ như thế họ mới đồng tình và tự nguyện.

Trọn nghĩa tình đồng đội

Là nạn nhân chất độc da cam, ông Mói tham gia Ban chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thường Tín, thường xuyên liên lạc và hỗ trợ các đồng đội cũ trong đời sống hằng ngày, cho dù bản thân ông và gia đình cũng còn không ít khó khăn. Vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, Ngày Giải phóng miền Nam, Ngày thành lập Quân đội nhân dân, Tết Nguyên Đán… ông Mói lại cùng một số thành viên của xã Khánh Hà đi vận động ủng hộ để có những suất quà tặng nạn nhân chất độc da cam trong xã. Hiện xã Khánh Hà có 35 nạn nhân chất độc da cam. Trực tiếp đi vận động không đủ, ông nhờ phát trên hệ thống truyền thanh của xã; viết thư gửi các nhà hảo tâm, thậm chí bỏ tiền trợ cấp của mình để ủng hộ... Từ năm 1990 đến nay, ông còn phối hợp với Ban Chính sách xã nhận và chi trả trợ cấp, lương hưu cho người có công, bảo đảm đầy đủ, kịp thời. Cứ đến ngày nhận trợ cấp, nhà ông lại đông vui. Anh em thương binh, bệnh binh, người có công tập trung ở nhà ông, không chỉ nhận tiền mà còn để trò chuyện, thăm hỏi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Với trách nhiệm và uy tín cao, phẩm chất ý chí của người CCB-Bộ đội Cụ Hồ, cùng sự hoạt động tích cực, hiệu quả tại Hội CCB xã, ông Mói được Chủ tịch UBND huyện Thường Tín tặng giấy khen; Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng bằng khen “Người tốt, việc tốt” năm 2017, giấy khen về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông Mói bộc bạch: "Với gia đình tôi, không gì quý bằng truyền thống, đạo đức, nền nếp gia phong. Các thế hệ đi trước luôn gương mẫu để con cháu noi theo. Mỗi cá nhân tốt sẽ lan tỏa một gia đình tốt. Mỗi gia đình tốt sẽ lan tỏa ra toàn xã hội cái tốt và lòng nhân ái...".

Nguyễn Công- Trung Hưng/ qdnd.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất