Thứ Năm, 25/4/2024
Giữ nhịp cầu nối giữa dân với Đảng - những bài học quý ở huyện Kim Bôi
 

Cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Tú Sơn (Kim Bôi) giám sát việc thi công
 hệ thống thoát nước khu tái định cư xóm Đúp.
 


Xây dựng mạng lưới cán bộ làm dân vận

Kim Bôi là huyện có địa bàn rộng, dân cư đông tốp đầu tỉnh. Bởi vậy, việc phân công các đồng chí trong BCH Đảng bộ huyện, các đồng chí ủy viên UBND huyện phụ trách cơ sở luôn được duy trì nề nếp. Để cán bộ, đảng viên gắn bó với dân, BTV Huyện ủy đã chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn kiện toàn khối dân vận cơ sở và thành lập tổ dân vận thôn, xóm. Đến nay 28/28 xã, thị trấn của huyện Kim Bôi đã thành lập khối dân vận do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy làm Trưởng khối. Định kỳ 6 tháng, Ban Dân vận cấp ủy, MTTQ và các đoàn thể báo cáo, phản ánh tình hình, kiến nghị đề xuất, từ đó có ý kiến chỉ đạo cụ thể, kịp thời. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện đều phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác dân vận. Theo đó xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác dân vận và triển khai chương trình kế hoạch hoạt động cụ thể.

Tháng 5/2011, BTV Huyện ủy Kim Bôi ban hành Quyết định số 72 về "Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị” để triển khai trong hệ thống chính trị huyện. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, MTTQ, các đoàn thể nhân dân của huyện tiếp tục quán triệt, kiện toàn bộ máy, cụ thể hóa thành các quy chế, nghị quyết chuyên đề vào chương trình công tác của ngành mình, cấp mình. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện công tác dân vận. Đến nay, 100% khối dân vận các xã, thị trấn và 196/196 tổ dân vận ở khu dân cư xây dựng quy chế làm việc, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Lo nỗi lo của dân

Để làm tốt công tác dân vận thì người cán bộ nhất thiết phải có tác phong quần chúng, gần dân, sát dân, hiểu dân và lo chính nỗi lo của dân. Chúng tôi đã cảm nhận rõ điều này khi có dịp trò chuyện với đồng chí Bạch Công Luyện, Bí thư Đảng ủy xã Tú Sơn để tìm hiểu việc di dân, tái định cư cho 30 hộ gia đình nằm trong vùng sạt lở do mưa lũ xảy ra vào tháng 10/2017. "Từ mưa lũ lịch sử làm ảnh hưởng tới hơn 30 hộ dân, mỗi khi trời mưa lớn, đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã lại mất ăn, mất ngủ bởi lo lắng. Điều này dân thấy, dân hiểu và chia sẻ cùng chúng tôi nên công tác di dân, tái định cư đã được thực hiện khá nhanh chóng, suôn sẻ...” - đồng chí Bạch Công Luyện mở đầu câu chuyện như vậy.

Để chứng minh sự suôn sẻ ấy, Bí thư Bạch Công Luyện mời chúng tôi ghé thăm khu tái định cư của 30 hộ trong xã mới được xây dựng, đang trong quá trình hoàn thiện nền đường và hệ thống thoát nước. Tiếp chúng tôi, ông Bùi Như Nghĩa, xóm Đúp, xã Tú Sơn, một trong các hộ phải di dời nhà ở đến khu tái định cư xởi lởi: "Thiên tai là chuyện khó lường. Chúng tôi đã sinh sống ở chân đồi Kùn Chầm hơn nửa thế kỷ, cứ nghĩ là an toàn tuyệt đối. Ai ngờ sau trận mưa lớn, đất đồi rung chuyển, trượt, sạt nguy cơ đổ ụp nuốt chửng nhà dân. Cả xóm hoang mang, lo sợ nhưng không biết phải làm gì. Cũng may các đồng chí lãnh đạo huyện, xã luôn có mặt giúp chúng tôi ổn định cuộc sống, sinh hoạt, bố trí nơi ăn, chốn ở. Chúng tôi luôn cảm ơn cán bộ đã hết lòng vì dân”.

Đây chỉ là phần việc cụ thể, được thực hiện trong không gian cụ thể ở xã Tú Sơn, thế nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ tới huyện, tới tỉnh, bởi đã ghi dấu hai từ "đồng thuận”. Người cán bộ, lãnh đạo của xã đã thực hiện đúng lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Tận tâm, tận lực giải quyết những nổi cộm trong dân

Kim Bôi là 1 trong 4 vùng Mường cổ của tỉnh. Hiện, dân số toàn huyện có trên 120 nghìn người, gồm 4 dân tộc (Mường, Kinh, Dao, Thái), trong đó dân tộc Mường chiếm trên 80%. Về cơ bản, nhân dân trong huyện có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã xảy ra một số vụ việc có tính chất phức tạp, nổi cộm bùng phát trong cộng đồng dân cư. Ví như chuyện một số người dân tổ chức truyền đạo Tin lành trái phép gây mất ANTT ở xã Tú Sơn; chuyện một nhóm người tụ tập học Pháp luân công tại xã Kim Tiến; chuyện tranh chấp đất giữa 2 Thung (Thung Mường, Thung Dao) xã Tú Sơn; chuyện người dân lấy danh nghĩa gia đình có công với cách mạng không chấp hành việc di dời lều quán để giải tỏa hành lang giao thông ở xã Hạ Bì; chuyện người dân không nhận tiền đền bù, không tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu khảo sát lập dự án nông nghiệp công nghệ cao kết hợp trải nghiệm có mục tiêu tại xã Đông Bắc và xã Vĩnh Tiến... Sự việc phát sinh, mâu mắc ở đâu, cán bộ dân vận của huyện kịp thời có mặt ở đó tìm hiểu, lắng nghe dân và đề xuất hoặc đưa ra hướng giải quyết theo thẩm quyền. Mỗi khi có sự việc, vấn đề phát sinh, cán bộ làm công tác dân vận của huyện Kim Bôi lại làm việc quên ngày, quên đêm, nỗ lực, cố gắng để đạt được hiệu quả. "Chúng tôi có nhiều buổi làm việc tới nửa đêm ở cơ sở để lắng nghe, chia sẻ và vận động bà con tin tưởng, chấp hành vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không để bị xúi giục, kích động làm những việc sai trái. Sự tận tâm, tận lực ấy của chúng tôi đã được nhân dân ghi nhận và đó là điều chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất”, đồng chí Bùi Văn Hậu, Phó Trưởng Ban dân vận Huyện ủy Kim Bôi đã chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Cố gắng hết mình để làm việc vì dân, những cán bộ làm công tác dân vận ở huyện Kim Bôi luôn kiểm soát được tình thế để không làm "dân giận”, dẫn đến bùng phát đơn, thư khiếu kiện vượt cấp, làm ảnh hưởng đến ANTT của địa phương. Kết quả đó đã được cấp ủy và nhân dân ghi nhận. Từ năm 2013 - 2017, Ban Dân vận Huyện ủy Kim Bôi luôn xếp ở ví trí tốp đầu trong công tác dân vận của tỉnh.

Thúy Hằng/ baohoabinh.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất