Thứ Bảy, 11/1/2025
Quảng Ngãi: Mô hình dân vận đi vào lòng dân
 

Từ nguồn hỗ trợ của mô hình "Tiếp sức hoàn lương" đã giúp cho nhiều trường hợp dần ổn định cuộc sống 

Trong các mô hình dân vận của lực lượng công an tỉnh, thì mô hình "Tiếp sức hoàn lương" của Công an huyện Nghĩa Hành được đánh giá cao bởi tính nhân văn. Không chỉ giúp các đối tượng nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, mà còn trở thành những hạt nhân trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hỗ trợ “cần câu”

Anh D.V.T ở Nghĩa Hành là một trong những người nhận sự hỗ trợ từ mô hình “Tiếp sức hoàn lương”. Những năm đầu mãn hạn tù, ngoài mặc cảm với xã hội, anh T còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Trong lúc loay hoay không biết làm gì để sinh sống và nuôi các con, anh T nhận được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và Công an huyện Nghĩa Hành.

Với quan điểm hỗ trợ “cần câu” và hướng dẫn “cách câu”, Công an huyện đã phối hợp với địa phương hỗ trợ vợ chồng anh con bò giống trị giá 10 triệu đồng và 500 nghìn đồng tiền mặt để làm chuồng. Từ đó, anh T như được tiếp thêm động lực để hoàn lương.

Một thành công nữa của mô hình “Tiếp sức hoàn lương” là không dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất cho những đối tượng sau khi chấp hành án, mà còn thức tỉnh nhân tâm, hướng những con người một thời lầm lỗi đến với điều tốt đẹp, làm những việc có ích cho xã hội.

Từ ngày trở về địa phương, anh T đã có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn an ninh trật tự. Anh đã nhiều lần cùng với lực lượng công an xã tham gia tố giác cũng như trấn áp tội phạm, đặc biệt là vây bắt lâm tặc trong vụ phá rừng phòng hộ ở thôn Trường Lệ, hay vây bắt đối tượng trộm cắp, bắt chó trộm trên địa bàn...

Ông D, cha của anh D.V.T, vui mừng khi nói về con của mình: “Từ ngày T chấp hành án xong về được chính quyền và Công an huyện quan tâm, hỗ trợ vốn làm ăn. Đó là động lực để cháu vượt qua mặc cảm, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Giờ đây, tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng cháu đã chí thú làm ăn, tham gia các hoạt động xã hội, trở thành công dân tốt là điều tôi vui nhất”.

Mô hình của sự hồi sinh

Hoàn lương là con đường khó khăn của những người sau thi hành án xong trở về hòa nhập cộng đồng. Họ vừa mặc cảm với người thân, xã hội, vừa bấp bênh về kinh tế. Có những trường hợp gia đình đổ vỡ khi họ trở về.

“Nếu chúng ta bỏ họ đơn độc thì việc tái phạm rất dễ diễn ra. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền và các hội đoàn thể phải chung tay hỗ trợ, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống ổn định; đồng thời vận động họ cùng tham gia giữ gìn sự bình yên trên địa bàn”, Phó trưởng Công an huyện Nghĩa Hành, Trung tá Nguyễn Đình Hiếu cho biết về ý nghĩa của mô hình.

Qua 4 năm triển khai mô hình, đến nay Công an huyện Nghĩa Hành đã huy động hàng chục triệu đồng và tùy vào hoàn cảnh, nhu cầu của mỗi gia đình để có sự hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Thường thì Công an huyện phối hợp với địa phương tặng xe đạp, sách vở, sổ tiết kiệm... để tạo điều kiện cho con em các đối tượng này tiếp tục đến trường; kịp thời khen thưởng những trường hợp có thành tích trong việc tố giác và trấn áp tội phạm... Đối với những trường hợp khó khăn hơn, Công an huyện phối hợp với chính quyền địa phương trao tặng bò giống để họ có điều kiện làm ăn, ổn định cuộc sống.

Nhiều mô hình giữ vững sự bình yên

Phó Trưởng Phòng PV28 (Công an tỉnh), Thượng tá Nguyễn Văn Đạo cho biết: Tất cả các mô hình dân vận của Công an tỉnh xây dựng trên cơ sở có khảo sát, kế hoạch thực hiện cụ thể. Nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực với người dân, như "Tiếp sức hoàn lương" của Công an huyện Nghĩa Hành, "Vì quê hương Đức Phổ" của Công an huyện Đức Phổ, "Cụm liên hoàn an ninh trật tự" của Công an phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi); Trại Tạm giam Công an tỉnh có "Tiếng mỏ trong đêm", "Ánh điện trong đêm"... Các mô hình bước đầu đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự và phòng ngừa tội phạm trong tình hình hiện nay. 

 Duy Hùng/ baoquangngai.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất