Thứ Bảy, 11/1/2025
Dân vận khéo: Rơ Chăm Klunh "Nói đi đôi với làm"
 
Nhờ nuôi thêm bò, thu nhập của gia đình ông Klunh được cải thiện đáng kể.Ảnh: H.T 


Vượt khó làm kinh tế giỏi

Trước khi về làng Mrông Yố 2 tìm gặp ông, chúng tôi được cán bộ xã Ia Ka cho biết: Trước đây, gia đình ông Klunh là hộ cận nghèo. Những năm qua, nhờ linh động trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mà thu nhập của gia đình tăng lên gần nửa tỷ đồng/năm từ trồng cà phê, hồ tiêu, mắc ca và chăn nuôi bò. Thế nhưng, trò chuyện với chúng tôi, ông Klunh luôn tỏ ra khiêm tốn: “So với nhiều gia đình người Jrai ở đây, kinh tế gia đình mình còn thua xa nhiều lắm”.

Trước đây, gia đình ông Klunh chỉ có vỏn vẹn 5 sào lúa rẫy nên cái đói giáp hạt vẫn thường xuyên xảy ra. Do đó, vợ chồng ông quyết tâm làm thuê để mua thêm đất sản xuất. Năm 2000, sau khi mua được 2 ha đất, ông quyết định trồng mì nhưng hiệu quả không cao vì thường xuyên mất giá. Cuối năm 2008, gia đình ông giữ lại 5 sào đất trồng lúa để đảm bảo lương thực và chuyển đổi diện tích còn lại sang trồng xen cà phê, hồ tiêu và mắc ca. Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi thêm bò để tăng thu nhập và lấy phân bón cho vườn cây.

Những năm gần đây, mỗi năm, gia đình ông Klunh thu về gần 500 triệu đồng từ bán bò, cà phê, hồ tiêu và mắc ca. Nhờ đó, gia đình đã xây được nhà và có điều kiện để nuôi các con ăn học. “Hiện nay, con trai cả Ksor Điệp mới tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân V (tỉnh Quảng Nam); đứa con gái thứ 2 là Ksor Đan đang theo học năm thứ 2 Trung cấp Luật tại Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) và đứa con gái út đang theo học lớp 3 tại địa phương”-ông Klunh phấn khởi cho biết.
 
“Nói đi đôi với làm”
 

 
Bà Rơ Châm H'Ngoan-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka: “Từ nhiều năm nay, cứ mỗi lần xã triển khai phong trào, hoạt động gì là ông Rơ Châm Klunh đều nhanh chóng thông báo đến người dân trong làng và vận động thực hiện rất hiệu quả, từ đó góp phần cùng xã thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới”.
 

Ngoài tích cực phát triển kinh tế, nuôi dạy các con ăn học, ông Klunh còn thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Từ năm 2008 đến nay, trên cương vị Trưởng thôn, ông Klunh luôn dành thời gian gặp gỡ các gia đình trong làng, tìm hiểu hoàn cảnh nhằm kịp thời hỗ trợ các hộ tiếp cận vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, hỗ trợ gạo mỗi mùa giáp hạt, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất... Nhờ đó, đời sống người dân trong làng đã được cải thiện đáng kể. Đến nay, cả làng đã phát triển diện tích cà phê lên 132 ha, mì 45 ha, lúa 53 ha... Thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 38 hộ (chiếm 16,7%).

 
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Klunh đã vận động bà con tham gia giữ vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch sẽ và đóng góp tiền để xây dựng hạ tầng. Dẫn chúng tôi đi trên con đường nội thôn đã được bê tông hóa, ông Klunh cho biết đây là con đường mà ông và một số cán bộ trong làng đã vận động người dân đóng góp 45,5 triệu đồng theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm. “Ban đầu, việc vận động gặp nhiều trở ngại do đời sống người dân còn khó khăn. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiên trì vận động, người dân đã đồng ý đóng góp kinh phí và di dời hàng rào để bê tông hóa con đường”-ông Klunh vui vẻ cho hay.
 
Ngoài ra, ông Klunh còn vận động người dân đóng đầy đủ các loại quỹ, tham gia đảm bảo an ninh trật tự và tích cực xây dựng đời sống văn hóa. Nhờ đó, nhiều năm, làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa”; trong làng hiện có 21 hộ tham gia Câu lạc bộ Phụ nữ dệt thổ cẩm kết hợp du lịch cộng đồng xã Ia Ka. Làng còn duy trì được đội cồng chiêng gồm 40 thành viên, trong đó ông Klunh là một thành viên. Ông chia sẻ: “Người Jrai nơi đây thường chỉ tin và làm theo khi đã nhìn thấy được kết quả. Do đó, làm cán bộ là phải nói đi đôi với làm, luôn đi đầu trong mọi phong trào từ làm kinh tế đến giáo dục con cái không vi phạm pháp luật, tham gia các hoạt động xã hội”. 
 
Hồng Thương/ baogialai.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất