Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp, ngành, đoàn thể huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc quan tâm, triển khai sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống, thu hút ngày càng đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia, từng bước tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ và chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
|
Nhờ trồng cây dược liệu trà hoa vàng, gia đình anh Hoàng Văn Long, thôn Đồng Hội, xã Đại Đình
thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh Trường Khanh |
Để mô hình “dân vận khéo” trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng và phát huy hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong huyện luôn quan tâm, từng bước đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng; chỉ đạo đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận bám sát cơ sở, địa bàn, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đa dạng các hình thức tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận, nhất là trong phát triển kinh tế, từ đó, vận động người dân nâng cao nhận thức, ý thức tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thi đua lao động, đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất…Nhờ chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, đến nay, toàn huyện có nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế cho hiệu quả, thu nhập cao. Điển hình là mô hình “Dân vận khéo” phát triển cây na dai xã Bồ Lý.
Đồng chí Trần Đình Phong, Bí thư Đảng ủy xã Bồ Lý cho biết: Thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế, đến nay, xã Bồ Lý có trên 500 hộ dân tham gia mô hình trồng cây na dai với diện tích hơn 80 ha. Ngoài tập trung vận động người dân mở rộng mô hình trồng cây na dai, Đảng ủy, UBND xã khuyến khích bà con nông dân chuyển giao KHKT, hướng phát triển mô hình sản xuất cây na dai Bồ Lý theo quy trình sản xuất VietGAP; đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, mã số truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm, hướng tới đưa sản phẩm na dai Bồ Lý ra các thị trường trong nước và xuất khẩu.
Là người đi đầu trong chuyển đổi mô hình trồng cây na dai, anh Phùng Xuân Trường, hội viên Chi hội nông dân thôn Trại Mái, xã Bồ Lý cho biết: “Hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, gia đình tôi đã đưa vào trồng gần 0,4ha cây na dai. Từ mô hình phát triển trồng cây na dai, mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ kết quả đó, chúng tôi thường xuyên vận động nhiều gia đình khác tham gia mô hình và tích cực mở rộng sản xuất”.
Thông qua mô hình "Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế, huyện Tam Đảo tích cực chỉ đạo, vận động người dân khai thác thế mạnh, tiềm năng về khí hậu, đất đai ở địa phương để xây dựng, bảo tồn, phát triển các cây dược liệu, nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu quý phục vụ ngành công nghiệp dược liệu, nâng cao thu nhập cho người dân và phục vụ phát triển ngành du lịch, dịch vụ. Qua tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, hiện nay, nhiều hộ dân ở các xã, thị trấn trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng cây bạch đàn, cây ăn quả sang trồng cây trà hoa vàng. Nhiều hộ dân đầu tư cơ sở vật chất, đưa máy móc, thiết bị vào sơ chế các sản phẩm từ cây trà hoa vàng để bán cho các du khách, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước với giá bán trà hoa vàng tươi 1,5 triệu đồng/kg, hoa trà sấy khô với giá trên 12 triệu đồng/kg, lá trà khô từ 200 -500 nghìn đồng/kg.
Từ trồng cây dược liệu trà hoa vàng, đời sống, thu nhập của nhiều gia đình nâng lên, tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Văn Sâm, xã Tam Quan, với gần 2ha diện tích trồng cây trà hoa vàng với 5.000 cây giống, mỗi năm gia đình anh Sâm thu nhập hàng trăm triệu đồng; anh Nguyễn Văn Tiến, xã Đại Đình, nhờ trồng cây trà hoa vàng mỗi năm thu nhập khoảng 600 -700 triệu đồng.
Nhằm đưa mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế đi vào chiều sâu, huyện Tam Đảo chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung nâng cao chất lượng công tác dân vận, vận dụng sáng tạo các hình thức tuyên truyền, vận động, động viên, khuyến khích nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất có thu nhập cao. Đồng thời, hướng dẫn các thôn, tổ dân phố tìm hiểu, đề xuất các biện pháp hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, kết hợp chuyển giao KHKT, nhất là đối với những hội viên, đoàn viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội vậnđộng người dân tích cực phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập quán canh tác, từng bước đưa sản xuất theo hướng chuyên canh, hàng hóa. Tiêu biểu như mô hình “Dân vận khéo” của Hội LHPN gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Đoàn Thanh niên gắn với mô hình “Đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế giỏi”; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”…
Để phát huy vai trò của mô hình “Dân vận khéo”, Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Tam Đảo tiếp tục tăng cường quán triệt, thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, nâng cao chất lượng các hình thức dân vận; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Phong trào thi đua “Dân vận khéo” từ huyện đến cơ sở và trong các tầng lớp nhân dân.
Thanh Tuyền