Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” ở An Giang đã thật sự trở thành phong trào thi đua yêu nước của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và mang lại hiệu quả thiết thực.
Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Văn Lĩnh cho biết: ”Năm 2018, toàn tỉnh đã thực hiện 2.883 mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới (XD NTM)” trên 4 lĩnh vực: phát triển kinh tế 652 mô hình, văn hóa - xã hội 1.545 mô hình, đảm bảo quốc phòng - an ninh 383 mô hình, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh 303 mô hình. Thông qua phong trào, các tập thể, cá nhân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố đã đóng góp và vận động đóng góp nguồn lực trên 1.870 tỷ đồng XD cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, phục vụ dân sinh, giảm nghèo, trợ cấp các hộ khó khăn ổn định cuộc sống“.
Xác định phát triển kinh tế là nền tảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện nhiều mô hình. Nổi bật là vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp công sức, tiền, đất để thực hiện các công trình phúc lợi xã hội, như: xây dựng và sửa chữa cầu, đường, khắc phục sạt lở, nâng cấp lộ giao thông nông thôn, làm đường ra cánh đồng, xây dựng nghĩa trang nhân dân... Nhiều mô hình lan tỏa cả tỉnh như: Đảng bộ thị trấn Mỹ Luông (Chợ Mới) vận động các nhà hảo tâm, nhân dân ủng hộ tiền và hiện vật trên 47 tỷ đồng cất mới, sửa chữa nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ học sinh nghèo tiếp bước đến trường; hiến 7.200m2 đất làm đường giao thông, 6.200m2 đất thành lập nghĩa trang nhân dân; mua xe chuyển bệnh miễn phí; phường Núi Sam (TP. Châu Đốc) xây dựng 5 công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm, tổng kinh phí thực hiện 297 triệu đồng; cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái... Điều này thể hiện rõ nét vai trò chủ thể của nhân dân tham gia phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả tích cực, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ở nông thôn.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào “Dân vận khéo” đã làm thay đổi nhận thức của người dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Nổi bật như mô hình: cất nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết, nhà Đồng đội, mái ấm Công đoàn cho hội viên nghèo, khó khăn, đối tượng chính sách, hộ nghèo và hộ cận nghèo; bếp ăn tình thương; toàn dân đoàn kết XD NTM, đô thị văn minh; xây dựng cầu NT, đường giao thông NT, thắp sáng đường quê; mua bảo hiểm y tế trả góp không lãi, hùn vốn mua bình phòng cháy, chữa cháy trong hộ gia đình, tổ cất nhà từ thiện.
Sự vào cuộc, chung tay của nhân dân trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thể hiện rõ nét với nhiều cách làm sáng tạo, khéo léo trong tuyên truyền, vận động. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và các tổ chức hội đã phát huy tinh thần, trách nhiệm của nhân dân tích cực giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Nhờ Dân vận khéo, các lực lượng chức năng được cung cấp thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ vi phạm pháp luật, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội. Tiêu biểu như mô hình: họp mặt và giúp đỡ những người hoàn lương, Camera giám sát an ninh, cổng rào với an ninh trật tự, tổ tự quản nhà trọ công nhân. Nhiều địa phương nhân rộng mô hình hội nghị công an lắng nghe ý kiến nhân dân, nhân dân đóng góp mua xe chữa cháy, phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới...
Ông Lĩnh cho biết: ”Thực hiện “Năm Dân vận chính quyền” 2018, các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động dân vận. Quan tâm vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đoàn kết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa nơi công sở. Nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân; nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, duy trì công tác đối thoại trực tiếp của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị với nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đó là các mô hình: chào cờ và họp giao ban vào sáng thứ hai hàng tuần; ngày không viết, ngày không hẹn; diễn đàn Đảng, chính quyền lắng nghe ý kiến nhân dân; Dân vận khéo trong tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân...”.
Từ sức lan tỏa đó, phong trào “Dân vận khéo” ở An Giang đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể vững mạnh. Qua công tác dân vận còn xây dựng tác phong, thái độ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu công tác dân vận trong tình hình mới, từng bước xóa bỏ tình trạng quan liêu, phiền hà trong bộ máy Nhà nước, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Hạnh Châu/ baoangiang.com.vn