"Vừa làm ăn giỏi, vừa nhiệt tình và năng động trong công tác phụ nữ ở địa phương", đó là nhận xét của Chủ tịch UBND xã biên giới Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) Hồ Phin về chị Hồ Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.
|
Chị Hồ Thị Thanh bên vườn cây ăn trái của gia đình. |
Cũng như nhiều phụ nữ người Khùa (thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều), chị Hồ Thị Thanh lập gia đình khá sớm. Cuộc sống bám vào rừng, rẫy cho nên rất khó khăn, vất vả. Chị Thanh nhận ra rằng, gia đình mình và dân bản có đất đai nhưng vẫn đói nghèo là do không biết cách làm ăn. Mặt khác, đói nghèo đeo đẳng cũng có một phần do đông con dẫn đến thiếu ăn và thất học. Muốn vượt qua đói nghèo, trước hết phải thay đổi nhận thức, học cách làm rồi áp dụng vào thực tế. Nghĩ vậy, chị Hồ Thị Thanh chủ động tổ chức đăng ký tham gia lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi ngắn hạn do Hội Phụ nữ huyện tổ chức. Chị dành thời gian đến các trang trại chăn nuôi dưới xuôi để học hỏi. Từ kiến thức tích lũy được, chị Thanh mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa năm triệu đồng để mua lợn giống về nuôi. Chị cùng với chồng tìm vật liệu làm chuồng nuôi lợn, chứ không thả rông như nhiều hộ trong bản. Từ năm con lợn giống ban đầu, nhờ biết chăm sóc cho nên đàn lợn của gia đình chị Thanh dần sinh sôi. Trong thời gian ngắn, nhờ công việc ngày càng thuận lợi, không chỉ trả hết nợ ngân hàng, chị Thanh còn quyết định mua thêm bò giống để nuôi. Hiện nay, đàn bò gia đình có 15 con và đàn lợn 30 con. Nhận thấy trên địa bàn còn nhiều đất trống, đồi trọc, chị Thanh xin khai hoang để trồng rừng. Từ năm 2010 đến nay, gia đình chị Thanh trồng được hơn 30 nghìn cây keo. Hiện lứa cây keo đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch, cùng với chăn nuôi mang lại nguồn thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Gia đình chị Thanh đã vươn lên thoát nghèo và nuôi con ăn học đàng hoàng.
Với kinh nghiệm thực tế làm kinh tế giỏi, lại tháo vát và nhanh nhẹn, chị Hồ Thị Thanh được người dân tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trọng Hóa. Trên cương vị mới, chị tích cực tham gia các hoạt động của địa phương và dành thời gian đến từng gia đình hội viên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó tìm cách giúp họ vượt qua những rào cản về trình độ, tập tục lạc hậu để mạnh dạn phát triển sản xuất. Chị Thanh thường xuyên khuyên các hội viên sinh ít con để nuôi dạy cho tốt và có thời gian làm kinh tế hộ, cũng như chăm lo gia đình. Ngoài ra, chị Thanh còn hỗ trợ lợn giống cho một số phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để chăn nuôi. Chị Hồ Thị Búa, ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa chia sẻ, gia đình trước đây đói nghèo quanh năm, nhờ chị Thanh cho hai con lợn giống và hướng dẫn cách nuôi cho nên giờ đây cuộc sống gia đình chị ổn định, con cái đều được đi học.
Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Phin nhận xét: "Chị Hồ Thị Thanh nhiệt tình và năng động trong công tác phụ nữ ở địa phương. Chị rất tích cực phổ biến, truyền lại kinh nghiệm làm ăn của mình cho dân bản, vận động, khuyến khích mọi người cùng vươn lên làm kinh tế hộ gia đình để thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước". Còn với người dân xã vùng biên này, mỗi khi nhắc chị Hồ Thị Thanh, ai cũng cảm phục và yêu mến chị.
Hoàng Phúc/ nhandan.com.vn