Khí phách một con người
Anh là Trần Duy Nghĩa (mọi người hay gọi Hai Nghĩa), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Do Hai Nghĩa không muốn nói về thành tích của mình và địa phương đã đạt được trong thời gian qua nên tôi tìm cách khơi gợi qua những câu hỏi thăm sức khỏe, gia đình…
Ở cái tuổi 55 nhưng sao thấy anh hơi già à nghen? Tôi hỏi. Hai Nghĩa nói thẳng: “Không già mới lạ. Suốt ngày đi cơ sở, kể cả xắn quần lội ruộng với bà con giữa trưa nắng gắt thì già hơn tuổi là tất nhiên. Mà già trẻ quan trọng chi chú ơi, chỉ mong còn có sức khỏe để làm được gì cho dân thì làm. Chứ mình còn nhiều dự định chưa hoàn thành lắm”.
"Điện Ngọc mình có thuận lợi là các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến làm ăn đông nên mình tận dụng cơ hội để giúp dân, chứ không tài giỏi gì. Có nhiều anh ngỏ ý gửi phong bì cho mình nhưng mình kiên quyết từ chối và nói hãy để cho những hộ dân còn nghèo, bệnh tật. Dân còn khổ mà mình làm lãnh đạo lại rủng rỉnh tiền trong túi thì nhục lắm. Nếu như thế thì nghỉ đi thì tốt nhất " - Bí thư Hai Nghĩa |
Dự định mà Hai Nghĩa muốn nói đến là làm sao để toàn địa bàn phường không còn hộ nghèo; người dân ở những vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập lụt đều có nhà chống lũ; những hộ dân có tiền tỷ, nhà lầu, xe hơi tăng lên không ngừng…
Hỏi về thời gian công tác ở phường (Điện Ngọc được công nhận phường từ tháng 3-2015), Hai Nghĩa hớp ngụm trà rồi tặc lưỡi: “Ấy chà. Rứa đó mà đã 31 năm mình về công tác ở đây rồi hỉ. Thời gian trôi nhanh thiệt”. Ngày mới về, Hai Nghĩa giữ chức bí thư đoàn, kiêm cán bộ tư pháp xã. Rồi lần lượt kinh qua các chức vụ: chánh văn phòng UBND, phó chủ tịch rồi chủ tịch UBND. Đến tháng 7-2013 thì giữ chức Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND phường Điện Ngọc đến ngày nay.
Trong hơn 30 năm công tác, dù ở bất kỳ vị trí nào, Hai Nghĩa cũng luôn là người năng nổ, sâu sát với người dân, với cơ sở. Phương châm mà Hai Nghĩa luôn khắc cốt, ghi tâm là: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh” như lời dạy của Bác Hồ năm xưa.
Điều này chứng minh qua công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa đã và đang diễn ra trên địa bàn phường. Bởi Điện Ngọc được xem là một “đại công trường” trong quá trình đô thị hóa. Toàn phường với diện tích khoảng 21km2 thì có gần 80% thuộc diện di dời, giải tỏa. Trong tổng số hơn 50 dự án đang triển khai thì không ít trong số đó ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Để cho công tác giải tỏa được thuận lợi, ban ngày Hai Nghĩa làm việc với nhà đầu tư; ban đêm xuống từng hộ dân để tuyên truyền vận động.
Hai Nghĩa tuyên bố thẳng thừng với người dân rằng: “Nếu tui có tư túi, móc nối với nhà đầu tư để ép dân giao đất, đền bù không thỏa đáng thì tui chấp nhận để người dân đánh. Dân mình lâu nay cứ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn không khấm khá nổi, chưa nói là đói nghèo. Bởi ở đây chỉ là cát trắng bạc màu, cây xương rồng còn không lên nổi thì trồng được cây gì, nuôi con gì. Tui đấu tranh hết sức để nhà đầu tư đền bù cho bà con một cách thỏa đáng nhất, có lợi nhất. Với số vốn có được, bà con mình chuyển đổi sang dịch vụ, thương mại. Tui tin chắc là bà con sẽ giàu nhanh chóng”.
Lời của Hai Nghĩa đã trở thành sự thật không lâu sau đó. Bởi số hộ dân thuộc diện giải tỏa, sau khi nhận tiền đền bù hàng tỷ đồng đã nhanh chóng xây dựng lại nhà cửa khang trang; xây dựng phòng trọ cho công nhân ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc hay sinh viên trường Đại học Nội vụ thuê; mở các hàng quán kinh doanh…
Chị Nguyễn Thị Sáu, Phó chủ tịch UBND phường, tự hào khoe: Năm 2014, toàn phường có 138 hộ nghèo, nay chỉ còn 7 hộ (những hộ nghèo này do bệnh tật, già yếu). Hiện nay số hộ có tiền tỷ trong tay, có nhà lầu, biệt thự… đếm không xuể. Chỉ tính riêng ở khối phố Ngọc Vinh với khoảng 600 hộ thì có đến hơn 200 hộ là tỷ phú (có hộ tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng).
Phải thừa nhận rằng, người dân ở Điện Ngọc giàu lên là nhờ giải tỏa, đền bù; nhưng phải khẳng định là người dân giàu một cách bền vững. Từ số tiền đền bù ban đầu, người dân tiếp tục “bắt tiền đẻ ra tiền” thông qua các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể mà Đảng bộ, chính quyền xây dựng, triển khai.
Dẫn tôi đi một vòng quanh khu vực KCN Điện Nam - Điện Ngọc, anh Nguyễn Trung Thành, Bí thư Chi bộ khối phố Viêm Trung, vui mừng: “Ông thấy dân tui khá giả chưa. Xe ô tô đậu san sát, nhà lầu thi nhau mọc lên. Thu nhập của người dân ở đây chí ít cũng trên chục triệu/tháng. Có được như ngày hôm nay phải thừa nhận công lao của đồng chí Nghĩa rất lớn. Từ khi làm Chủ tịch UBND đến Bí thư Đảng ủy phường, đồng chí luôn sâu sát với chi bộ, các hội đoàn thể của khối phố; kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của bà con nhân dân”.
Sát với dân
Bà con nhân dân và các đảng viên ở Chi bộ khối phố Ngân Hà vẫn luôn nhắc đến câu chuyện của Hai Nghĩa trong một lần họp với chi bộ. Chuyện là hôm đó, Hai Nghĩa được mời về họp lúc 7 giờ sáng thì 5 giờ Hai Nghĩa đã thức dậy lấy xe máy một mình chạy quanh khối phố. Đến khi nghe chi bộ báo cáo đã khắc phục, sửa chữa xong đoạn đường bê tông bị hư hỏng, Hai Nghĩa đứng dậy, rồi mở hình lưu trong điện thoại ra, nói: “Các đồng chí báo cáo không trung thực là không được. Khắc phục xong mà ri đây hả. Cả đoạn đường dài hàng chục mét lún sụt, gây nguy hiểm cho bà con đi lại, nhất là các cháu nhỏ. Việc này tui chỉ đạo đã lâu mà chưa làm thì các đồng chí xem lại”. Cả phòng họp im phăng phắc.
Điện Ngọc có tất cả 13 khối phố, trong đó có các khối phố: Ngân Hà, Tứ Câu nằm sát con sông Vĩnh Điện, là vùng rốn lũ của thị xã Điện Bàn nên công tác hỗ trợ xây nhà chống lũ cho bà con nhân dân được địa phương quan tâm hàng đầu. Chính vì vậy mà hồi năm 2015 (lúc Hai Nghĩa làm Chủ tịch UBND), khi nghe có một tổ chức phi chính phủ về địa phương khảo sát thực trạng nhà dân ở những vùng trũng thấp, đích thân Hai Nghĩa dẫn đoàn đi từng gia đình một.
“Lo cho dân là từ những việc làm này chứ đâu cao xa. Họ mang tiền tới cùng với sự hỗ trợ của địa phương và một phần của bà con để làm lại nhà kiên cố chống lũ thì quá tốt còn gì”, Hai Nghĩa nói.
Để cho công việc được thuận lợi, những ngày sau đó Hai Nghĩa bỏ tiền túi để mời cơm cả đoàn. Đồng thời, để việc được triển khai nhanh chóng, đảm bảo tính minh bạch, Hai Nghĩa tổ chức họp các hội, đoàn thể, chính quyền các khối phố giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm về công trình. Ai làm nhanh, làm chất lượng thì được khen thưởng, còn ngược lại thì bị phê bình. Đến nay, đã làm xong 45 nhà chống lũ và đang hoàn thiện 15 nhà khác.
Trong năm 2018, khi đến dự lễ khởi công một nhà chống lũ ở khối phố Ngân Hà, chủ nhà than với Hai Nghĩa: “Không đủ anh Nghĩa ơi. Chạy khắp nơi vay mượn rồi nhưng còn thiếu hơn chục triệu nữa”. Ngay lập tức Hai Nghĩa bốc điện thoại ra gọi: “Ông cho tui khoảng 60m2 tôn nghen. Mai chở lên chỗ nhà chị Nho ở khối phố Ngân Hà. Tui nói chuyện với ông sau. Cám ơn trước hỉ”.
Với sự đoàn kết, thống nhất, phấn đấu không mệt mỏi từ Đảng bộ, chính quyền phường đến từng khối phố, các hội đoàn thể và nhân dân mà đến nay Điện Ngọc đã đạt được những thành tựu rất đỗi tự hào. Tổng giá trị kinh tế năm 2014 đạt 1.128 tỷ đồng thì đến năm 2018 tăng lên 2.561 tỷ đồng; 13/13 khối phố đạt “Khối phố văn hóa”; 95,18 gia đình đạt “Gia đình văn hóa”.
Đặc biệt, Điện Ngọc là địa phương duy nhất trong 244 xã, phường, thị trấn của tỉnh Quảng Nam đạt danh hiệu “Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền” và “Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền” (giai đoạn 2014-2018).
|
Chị Nho mừng rỡ, cám ơn Hai Nghĩa rối rít. Sau này mới biết là Hai Nghĩa gọi cho ông chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh tôn trên địa bàn. Với cái kiểu “không giống ai” của Hai Nghĩa mà đã có 3-4 trường hợp nhận được tôn như trường hợp chị Nho.
Để tỏ lòng biết ơn, có trường hợp khi tổ chức nghiệm thu, bàn giao nhà đã mời Hai Nghĩa lên chiêu đãi một bữa bánh xèo căng bụng. Thấy Hai Nghĩa “dễ dụ” nên tiếp tục xin: “Anh xem giúp cho thằng con chiếc xe đạp đi học, chứ ngày nào nó cũng cuốc bộ mấy cây số cực quá”. Không cần suy nghĩ, Hai Nghĩa nói luôn: “Mai xuống dắt xe về cho nó”. Thế là ngay trong đêm hôm đó, Hai Nghĩa lại đi xin các mạnh thường quân hỗ trợ.
Việc Hai Nghĩa mang dép lê, xuống bờ ruộng ngồi nhâm nhi vài ly rượu với mấy ông nông dân trong ngày cuối tuần là chuyện thường. Không phải Hai Nghĩa thèm rượu mà muốn nghe mấy ông nông dân nói về những bất cập, bức xúc tồn tại ở cơ sở. Từ đó để có những chỉ đạo, điều hành sâu sát nhất.
Câu chuyện bất ngờ dừng lại khi Hai Nghĩa chợt nhớ đến giờ chạy về lo cơm nước, thuốc than cho người vợ đã bị bệnh hơn năm nay. Vội lên chiếc xe cà tàng nổ máy, Hai Nghĩa với lại: “Rứa hỉ! Có chi gặp lại mình nói chuyện nhiều hơn”.
Nguyễn Hùng/ sggp.org.vn