Thứ Sáu, 10/1/2025
Tấm lòng vì dân của một già làng
Ông Đơ hạnh phúc bên người vợ và các cháu nội, ngoại. Ảnh: P.T.B

Tôi gặp lại ông trong chuyến công tác xã hội từ thiện ngược lên miền núi. Ông khoe với tôi, con đường hơn 4 cây số với mặt đường rộng hơn 4m do ông hiến 4.200 m2 đất xây dựng, từ 5 năm qua đã mang lại rất nhiều cơm no áo ấm cho người dân bản làng. Năm 2013, nhận thấy bà con khó khăn trong việc đi lại, đưa máy móc, vận chuyển vật tư nông nghiệp vào phục vụ sản xuất ở những thửa ruộng khu vực đồi núi và bãi bằng ven các khe suối bên bìa rừng cách xa khu dân cư hàng cây số, già làng Hồ Đơ quyết định xin xã tổ chức họp dân để bàn về việc tháo gỡ khó khăn nói trên. Tuy nhiên, mọi ý kiến, phương án đều không khả thi, do việc mở đường đều đi qua các nương rẫy khác của người dân đang rất phát triển.

Việc tưởng chừng bế tắc, ông bỗng đứng lên nói một cách trịnh trọng: “Tôi xin hiến 4.200 m2 đất đang trồng cây ăn quả từ đầu đường chính đến khu vực ruộng đồi tập trung của bà con. Tôi mong bà con tiếp nhận và cùng nhau đóng góp thêm với Nhà nước để xây dựng đường đi, phục vụ lợi ích chung của bà con mình”. Cả hội trường bỗng lặng phắc, rồi bà con rỉ tai nhau bàn tán, không ít người còn không dám tin điều đó. Đồng chí Hồ Ta Cô, Chủ tịch UBND xã Thuận, người vừa tham dự, vừa giám sát cuộc họp trên đứng lên hỏi già làng Hồ Đơ: “Dạ, xin bố cho biết, bố đã bàn bạc việc này với vợ con và người thân khác trong gia đình chưa ạ?!”. “Là bố chưa bàn, nhưng vợ con, người thân khác của bố đều ủng hộ cả thôi. Có những việc làm từ thiện do chính họ là những người mong muốn, tiên phong chứ không phải bố”, ông trả lời dứt khoát.

Sau 3 tháng thi công, con đường nằm trọn trên phần đất sản xuất của gia đình ông Đơ hiến tặng đã được hoàn thành đưa vào sử dụng. Các ông Pả Dưng, Pả Xế, Pả Puôn…, ở bản 4, xã Thuận phấn khởi chia sẻ: “Con đường đã giúp người dân toàn xã thuận lợi trong đi lại, phát triển kinh tế. Riêng bản 4 đã có gần 60 hộ dân hưởng lợi từ con đường này. Nhờ con đường này mà hằng năm bà con trồng trọt, thu hoạch được rất nhiều sắn củ và lúa ở các vùng ruộng đồi và ruộng nước ven các khe suối sát bìa rừng. Đơn cử, vụ sắn đầu năm 2018, bà con đã thu hoạch trên 600 tấn sắn củ tươi. Nhà máy chế biến tinh bột sắn (thuộc Tổng Công ty cổ phần Thương mại Quảng Trị) đóng trên địa bàn xã đã thu mua với giá 2.700 đồng/kg. Nhờ đó, với sản lượng sắn này, bà con đã bán được không dưới 1,6 tỉ đồng. Sau khi trừ mọi chi phí hết khoảng 1/4 tổng doanh thu, bình quân mỗi hộ dân ở đây lãi ròng khoảng 20 triệu đồng. So với trồng lúa, hiệu quả kinh tế của cây sắn gấp từ 4-5 lần”.

Ngoài ra, con đường còn góp phần phục vụ các lực lượng chức năng và bà con nhân dân trong xã tuần tra giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ cột mốc, chủ quyền biên giới của Tổ quốc. Ông Hồ Ta Cô cho hay: “Thường những lần xã tổ chức tuần tra biên giới, đẩy lùi nạn vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, nhất là các đối tượng lợi dụng địa hình sông Sê Pôn nhỏ hẹp, mực nước khá nông vào mùa hè dễ dàng qua lại 2 nước để buôn bán, vận chuyển ma túy xâm nhập vào Việt Nam, chỉ những hộ dân sống gần tuyến đường lớn (đường thảm nhựa qua 7 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa chạy dọc theo bờ sông Sê Pôn), thuận lợi trong đi lại và tham gia. Những hộ sống xa tuyến đường này và sát bìa rừng hầu như không thể bởi vì đường sá khó khăn, cách trở. Song, từ sau khi có con đường do hộ gia đình ông Hồ Đơ hiến tặng đất xây dựng, bà con trên địa bàn xã đều đã tham gia đầy đủ và thuận lợi; từ năm 2014 đến nay, các hoạt động phạm pháp nói trên của các đối tượng nhờ đó đã được kiềm chế, đẩy lùi rất đáng kể”.

Bên tách trà nóng trong gian bếp nhà sàn hồng lửa, già làng Hồ Đơ chậm rãi kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện của bản làng và của đời mình: Năm 1972, xã Thuận và các xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa bị bom đạn Mỹ đánh phá dữ dội. Bố lúc đó 18 tuổi làm thanh niên xung phong phục vụ bộ đội đánh địch từ Làng Vây, Hướng Hóa đến Thành Cổ, Quảng Trị. Sau giải phóng Quảng Trị, bố tiếp tục xung phong tham gia vào các công việc mở đường, gùi lương tải đạn cho bộ đội đánh địch, giải phóng TP. Huế”. “Sau ngày đất nước giải phóng đến lúc nghỉ hưu (năm 2014), bố có hơn 30 năm làm việc xã với các vị trí, công việc khác nhau, trong đó có 17 năm làm phó và trưởng Công an xã. Bố lúc nào cũng muốn mình phải suy nghĩ thật nhiều, làm việc hết sức để giúp đỡ bà con ngày càng bớt đi sự vất vả, khó khăn; vươn lên xây dựng cuộc sống no đủ, nhất là chăm lo cho con cháu được học hành cái chữ đàng hoàng.

Ở xã Thuận những năm qua hầu như không xảy ra các vụ án nghiêm trọng. Những con người ở vùng sâu vùng xa tuy ít có điều kiện học hành, các kiến thức, hiểu biết pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế nhưng bản tính người dân nơi đây vốn rất thật thà, sống gắn bó, yêu thương mọi người xung quanh. Vậy nên, công việc đảm bảo an ninh trật tự, xử lí đối tượng phạm tội ở đây cũng đơn giản hơn so với ở thành phố và vùng đồng bằng. “Bố thích làm công việc này không phải vì nó nhẹ nhàng, ngược lại nó còn vất vả hơn gấp nhiều lần so với những công việc khác, song đây là công việc mà người cán bộ có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nhân dân nhiều nhất, nhân dân cũng cần tới mình nhiều nhất. Những năm qua, từ những công việc nhỏ như khuyên nhủ một số vợ chồng trẻ sống hòa thuận; bố mẹ nên quan tâm, chăm sóc cho con cái hơn, nhất là trong việc học hành… đến những công việc khó khăn như tuần tra kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn; bảo vệ chủ quyền đường biên cột mốc; xử lí những đối tượng thanh thiếu niên tụ tập rượu chè, gây rối…, Công an đều có mặt”, già làng Hồ Đơ cho biết.

Tôi gặp đồng chí Hồ Văn Láo, Bí thư Đảng ủy xã Thuận tại trụ sở làm việc. Đồng chí Láo kể thêm một kỉ niệm về già làng Hồ Đơ: “Lòng tốt của già làng Hồ Đơ được người dân cả xã, từ trẻ nhỏ đến người già đều cảm nhận và biết ơn rất sâu sắc. Lòng tốt của ông thể hiện mọi lúc mọi nơi và với mọi người. Kể cả những đối tượng vi phạm pháp luật cũng được ông chia sẻ chân tình những suy nghĩ của mình và sau khi các đối tượng hoàn lương, ông đều tìm cách giúp đỡ để họ vươn lên trong cuộc sống. Mới đây, cả xã trong lúc tìm địa điểm xây dựng thêm một điểm trường mầm non, nhưng không có vì thực tế quỹ đất của xã đã hết, nơi vừa thuận lợi đi lại, vừa bằng phẳng để tiện cho việc xây dựng lại càng rất khó khăn hơn, thì ông Hồ Đơ bỗng một lần nữa tiên phong, tình nguyện hiến tặng 500 m2 đất ở của mình ở vị trí “vàng” cho xã để thực hiện mục đích nói trên. Khi được hỏi về việc hiến tặng diện tích đất này, ông trả lời, đơn giản chỉ vì muốn tương lai của lớp con cháu sau này rạng rỡ hơn; việc đầu tư cho giáo dục là vì lợi ích to lớn vô cùng.

Với những việc làm và uy tín của ông, năm nào chính quyền, đoàn thể và người dân địa phương đều bầu ông làm đại diện những già làng, trưởng bản, người đồng bào uy tín ở xã và ở huyện Hướng Hóa ra Hà Nội dự Hội nghị biểu dương người có uy tín, tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”. Cuối năm 2018, ông vinh dự là 1 trong 5 đại biểu toàn tỉnh Quảng Trị và 1 trong 163 đại biểu đến từ 35 tỉnh, thành phố, thuộc 45 dân tộc thiểu số được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tổ chức gặp mặt và chuyện trò chân tình, ấm áp tại Phủ Chủ tịch nước”.

Phan Thanh Bình/ baoquangtri.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất