Thứ Sáu, 10/1/2025
Nữ Bí thư "miệng nói, tay làm"
 

Bà Phạm Thị Vân tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tiêu chí môi trường
trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đ.P 


Năm 1986, bà Phạm Thị Vân rời quê lúa Thái Bình lên Tây Nguyên lập nghiệp. Trải qua nhiều vị trí công tác, đến tháng 10-2009, bà vinh dự được chọn là một trong 6 cán bộ trên địa bàn tỉnh thực hiện mô hình thí điểm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã (xã Ia Rbol). Không phụ lòng tin của Đảng, của nhân dân, gần 10 năm qua, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa Ia Rbol thành xã thứ hai của thị xã Ayun Pa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. 

“Thủ lĩnh” của các phong trào thi đua

Xã Ia Rbol lúc mới chia tách (tháng 3-2007) là địa bàn khó khăn, phức tạp nhất của thị xã Ayun Pa. Đường sá xuống cấp, trình độ dân trí thấp, đời sống người dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hơn 35%, an ninh trật tự phức tạp. Đội ngũ cán bộ xã khi đó còn yếu, toàn xã chỉ có 25 đảng viên, 6 chi bộ, một số thôn còn “trắng” đảng viên và tổ chức Đảng…

Là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, bà Phạm Thị Vân luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” và lấy công tác dân vận để từng bước tháo gỡ dần những khó khăn, vướng mắc mà địa phương đang gặp phải. Trước hết, bà bắt tay cùng Ban Thường vụ Đảng ủy xã xây dựng hệ thống chính trị, củng cố các ban, ngành, đoàn thể, từng bước kiện toàn các chức danh chủ chốt của xã theo hướng đạt chuẩn. Dựa vào tập thể, bà tập trung xây dựng, củng cố mối đoàn kết trong nội bộ; quan tâm phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng, nhất là số thanh niên, trưởng thôn, lực lượng công an, quân sự xã. Từ một xã chỉ có 25 đảng viên và 6 chi bộ ghép, đến nay, Đảng bộ xã đã có 117 đảng viên sinh hoạt ở 11 chi bộ, không còn chi bộ ghép; 100% chi bộ thôn, làng đều thành lập được chi ủy làm nòng cốt lãnh đạo các phong trào thi đua yêu nước.

Bà Vân lựa chọn xây dựng đường giao thông làm khâu đột phá để từng bước thay đổi đời sống kinh tế-xã hội của xã. Trước đây, toàn xã có 12 km đường giao thông nông thôn nhưng mới chỉ có 400 m được bê tông, còn lại là đường đất chật hẹp, lầy lội. Tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước và huy động sự đóng góp của nhân dân, bà cùng hệ thống chính trị xã họp thôn và đến gõ cửa từng nhà để vận động, thuyết phục người dân hiến đất, dời hàng rào, góp đá, cát, ngày công lao động làm đường. “Có nhà khi làm đường phải dời hàng rào, chặt một cây mít to, bà chủ nhà không chịu, cứ ôm cây đòi sống đòi chết. Lúc đó, tôi phải nhiều đêm đến nhà vận động, thậm chí bắt một con heo giống của gia đình để tặng, bà ta mới chịu”-bà Vân nhớ lại. 

Nhắc đến chuyện làm đường bê tông nông thôn, nhiều cán bộ xã Ia Rbol còn nhớ năm 2010, khi phong trào này ở xã đang lên cao, xi măng trên cấp về không kịp, bà Vân đã thế chấp cả căn nhà của mình và dùng uy tín cá nhân đứng ra vay mấy chục tấn xi măng của đại lý về làm đường cho kịp tiến độ. Noi gương người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân đã chung tay hiến đất, góp vật liệu, ngày công để làm đường. Đến nay, 100% đường giao thông trong xã đã được bê tông hóa. Việc vận chuyển nông sản và đi lại của người dân nhờ đó được thuận tiện, con đường đến trường của các cháu học sinh cũng như gần hơn.

Xuất thân từ “quê hương 5 tấn” Thái Bình, bà Vân luôn trăn trở khi thấy đồng bào Jrai xã Ia Rbol còn giữ tập quán canh tác lạc hậu, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Bà đã chủ động liên hệ với các cơ quan chuyên môn của thị xã để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về với người dân; tìm hiểu, áp dụng các mô hình sản xuất, nuôi dê Bách Thảo, bò lai Zêbu, nuôi heo đen, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi;  vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, chuyển từ trồng lúa 1 vụ sang 2-3 vụ. Cùng với đó, bà và hệ thống chính trị xã vận động thanh niên nông thôn đi học nghề, mở mang cơ sở sửa chữa xe máy, đồ điện, cơ khí; lồng ghép thực hiện các nguồn vốn để xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 35% (năm 2009) đến nay giảm xuống còn 5,29%.

Đưa Ia Rbol đạt chuẩn nông thôn mới

Khi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai trên địa bàn, bà Vân rất lo lắng vì qua rà soát, xã Ia Rbol chỉ đạt 4/19 tiêu chí. Đây là nhiệm vụ chính trị phải quyết tâm hoàn thành nhưng lại vướng trở ngại là tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước của một bộ phận cán bộ và người dân. 

Ông Nguyễn Phú-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ayun Pa: “Chị Phạm Thị Vân thực sự là một tấm gương “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Phát huy vai trò của tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bà giao trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên phải đi trước, làm trước để nhân dân noi theo. Bà tuyên truyền, vận động các cán bộ tiên phong hiến đất làm đường, làm nhà sinh hoạt cộng đồng, xây dựng trường học… Các ông: Ksor Jan (nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã), Nay Bim (Chủ tịch HĐND xã), Ksor Brí (Phó Bí thư chi bộ buôn Krăi)… đã tiên phong hiến đất làm công trình công cộng, từ đó phong trào người dân hiến đất lên cao. Các công trình phục vụ dân sinh vì thế được xây dựng thuận lợi mà không tốn kém chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. 

Thực hiện tiêu chí nhà ở, xã Ia Rbol gặp rất nhiều khó khăn. Toàn xã có đến 124 ngôi nhà tranh tạm bợ, dột nát. Dù các chương trình của Chính phủ đã giải quyết được một phần số nhà này nhưng hàng ngày xuống thôn làng, nhìn những ngôi nhà tranh dột nát của người dân, bà Vân không khỏi xót xa. Không quản ngại đêm hôm, bà cùng hệ thống chính trị xã tổ chức hàng chục buổi họp dân để tuyên truyền, vận động bà con phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách; vận động dân làng, các dòng họ góp gỗ, tôn, xi măng, đất đá và trao đổi, hỗ trợ ngày công cho nhau để làm nhà. Đến nay, 94,3% nhà ở của người dân trong xã đã đạt chuẩn.

 Ia Rbol là xã có gần 100% dân số là đồng bào Jrai, nhiều tập quán sinh hoạt, chăn nuôi còn lạc hậu như trâu bò thì nhốt dưới gầm nhà sàn, thả rông bừa bãi, nhà không có công trình vệ sinh… Vì thế, việc thực hiện tiêu chí môi trường của xã thật không đơn giản. Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, bà Vân đã bàn bạc trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã, giao trách nhiệm cho từng ban, ngành, đoàn thể phụ trách từng phần việc, các Bí thư chi bộ, Trưởng thôn và từng cán bộ, đảng viên trong xã trực tiếp phụ trách thôn, tuyên truyền, vận động từng nhóm hộ gia đình thực hiện di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đối với những hộ chính sách, người già cả neo đơn, không có sức lao động thì Đảng ủy, chính quyền xã bố trí kinh phí, hỗ trợ ngày công để thực hiện. Ngay trong buổi giao ban hàng tuần, các thôn, các ban, ngành, đoàn thể xã báo cáo tiến độ thực hiện để Đảng ủy, UBND xã nắm bắt và chỉ đạo kịp thời. Đối với những gia đình không có đất để bố trí làm nhà vệ sinh, xã vận dụng sáng tạo mô hình làm nhà tắm, nhà vệ sinh ngay trên nhà sàn của người Jrai, có dội nước và dẫn ống xả thải xuống hố chứa ở dưới đất. Nhờ chỉ đạo quyết liệt, đến nay, 708/946 hộ dân của xã đã có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh. “Mô hình nhà tắm, nhà vệ sinh có dội nước ngay trên nhà sàn của xã Ia Rbol đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chọn để tuyên truyền nhân rộng trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh”-bà Vân cho biết. 

Nhằm giải quyết những vụ việc phức tạp về an ninh nông thôn như trộm cắp vặt, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình… bà Vân chỉ đạo lựa chọn những người có uy tín, nhiệt tình với công việc chung để thành lập các tổ tự quản, tổ hòa giải; đồng thời, dựa vào những người có uy tín cao trong các dòng họ, cộng đồng dân cư để tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật, hương ước, quy ước của cộng đồng và tổ chức hòa giải các mâu thuẫn trong dân. Nhờ đó, xã Ia Rbol đã không để xảy ra các vụ việc nổi cộm, phức tạp, mâu thuẫn kéo dài. Hàng năm, xã đều được công nhận là xã loại I về an ninh trật tự. 

Là người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền xã, công việc nhiều nhưng bà Vân luôn sắp xếp thời gian một cách khoa học, hợp lý để chăm lo trọn vẹn việc nhà, làm người vợ hiền, dâu thảo, nuôi dạy 3 đứa con ăn học nên người. Bà còn chăm sóc 6 sào lúa nước, 5 sào mía và chăn nuôi đàn heo mỗi năm xuất chuồng hàng tấn thịt, đảm bảo kinh tế gia đình ổn định.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, bà Vân đã cống hiến sức lực, tâm huyết và trí tuệ của mình để cùng hệ thống chính trị xã vận động người dân xây dựng Ia Rbol thành xã nông thôn mới cuối năm 2018. Đảng bộ xã Ia Rbol nhiều năm liền được công nhận danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu; chính quyền và nhân dân xã 2 lần được nhận cờ thi đua của UBND tỉnh. Cá nhân bà Vân liên tục được công nhận đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là chiến sĩ thi đua cơ sở. Đặc biệt, bà là một trong những đại biểu của tỉnh vinh dự được tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018) tại thủ đô Hà Nội.

 Đức Phương/ baogialai.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất