Nhằm đồng hành, chia sẻ cùng doanh nhân, lấy doanh nhân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân đầu tư, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang và của đất nước; UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính và Chương trình số 259-Ctr/TU ngày 05/6/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ.
Theo Kế hoạch, đến năm 2030 Hậu Giang phấn đấu có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, các doanh nghiệp đóng góp khoảng 60 - 70% GRDP trên địa bàn tỉnh, thu hút khoảng 6.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có khoảng 25 - 30% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân của tỉnh có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín quốc gia và khu vực; một bộ phận doanh nghiệp dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
|
KCN Sông Hậu nằm sát TP. Cần Thơ nên có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư |
Để đạt được mục tiêu trên, Hậu Giang đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là:
(1) Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện các mục tiêu phát triển tỉnh và cả nước. Thường xuyên tổ chức gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu để kịp thời động viên, khuyến khích, vinh danh và tháo gỡ các rào cản, khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân đang đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
(2) Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung xây dựng nền kinh tế số của tỉnh.
(3) Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh để tham gia sâu vào các chuỗi giá trị sản xuất mang tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu; đồng thời, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển kinh tế của địa phương.
(4) Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.
(5) Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phối hợp hoạt động trong đội ngũ doanh nhân; giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức thông qua các hình thức đa dạng, phù hợp, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, trách nhiệm xã hội.
(6) Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh. Tập hợp, liên kết, hợp tác, hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển bền vững; xây dựng, vận động, thúc đẩy, khuyến khích doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh; tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu.
(7) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân. Chú trọng phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong các loại hình doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.
HG