Học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Vũ Kỳ đã rèn cho mình tác phong giản dị, gần gũi quần chúng. Một số đồng chí cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh kể lại rằng, họ lại được làm “tiểu đồng” của “tiểu đồng” Bác Hồ. Trong các chuyến đi công tác, đồng chí thường nghỉ chung phòng với anh em, chứ không nghỉ riêng theo tiêu chuẩn lãnh đạo, để có dịp gần gũi tâm sự cùng mọi người. Cơ quan Bảo tàng Hồ Chí Minh có hàng trăm cán bộ, đồng chí nhớ tên từng người và cả hoàn cảnh gia đình. Từ cán bộ khoa học, đến người bảo vệ, lái xe, làm vườn, đồng chí đều dành cho họ sự quan tâm chu đáo.
|
Đồng chí Vũ Kỳ và Bác Hồ tháng 9/1960. Ảnh tư liệu |
Đồng chí Vũ Kỳ (1921 – 2005), 84 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, gần 60 năm gắn bó với Bác Hồ, trong đó có 24 năm làm thư ký, 35 năm tham gia công việc giữ gìn và phát huy di sản Hồ Chí Minh. Đồng chí là thư ký giúp việc tận tuỵ của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến khi Người qua đời năm 1969. Sau ngày Bác đi xa, đồng chí báo cáo với Trung ương xin được tình nguyện ở lại đóng góp công sức chăm lo cho sự nghiệp giữ gìn và phát huy tác dụng lâu dài di sản của Bác Hồ để lại. Được Trung ương Đảng cử tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng Lăng Bác và Bảo tàng mang tên Người, đồng chí Vũ Kỳ trở thành Giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Hồ Chí Minh, trọn đời ông phục vụ Bác Hồ. Trong buổi nhận Huân chương Hồ Chí Minh do Đảng, Nhà nước trao tặng năm 1993, đồng chí tâm sự:“Bác Hồ vào nội thành và cuộc đời tôi ở 48 Hàng Ngang”, tức ngày đồng chí được chọn làm thư ký cho Bác, khi Người vừa ở chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Đồng chí nói, làm thư ký cho Bác Hồ là thời kỳ hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình, được gần gũi Bác, được học tập ở Người rất nhiều điều.
Thư ký của Bác Hồ đã chia sẻ niềm vinh dự và hạnh phúc lớn lao đó cùng mọi người qua nhiều cuốn sách, bài viết về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức cao đẹp của Bác Hồ. Đó là các cuốn sách rất gần gũi, quen thuộc với chúng ta: Những bức thư kể chuyện Bác Hồ; Khi người Việt Nam đầu tiên vào Kremli; Bác Hồ viết Di chúc; Người suy nghĩ về tuổi trẻ chúng ta; Càng nhớ Bác Hồ; Truyện kể về Bác Hồ, những chặng đường trường kỳ kháng chiến; Thư ký Bác Hồ kể chuyện… Đồng chí bảo, đây là cách thiết thực nhất để đóng góp công sức vào việc tuyên truyền giáo dục để nhân dân ta sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Còn chúng tôi, không chỉ được đọc sách, mà còn có may mắn được làm việc dưới sự chỉ dẫn của đồng chí – vị thủ trưởng có lòng nhân ái, một cán bộ mẫu mực. Đồng chí đã truyền cho chúng tôi không chỉ những kiến thức về lịch sử, về cuộc đời Bác Hồ mà còn là tinh thần say mê nghiên cứu, mọt thái độ làm việc khoa học, nghiêm túc, thẳng thắn, trung thực, đoàn kết trong cơ quan, đồng nghiệp, đồng chí.
Là một cán bộ mẫu mực, từ cuốn sổ ghi nhật ký công tác khi đi theo Bác, đến các bài học về công tác bảo tàng, các bản dự thảo về nhiệm vụ thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh, đề cương trình bày, các bản báo cáo công tác hằng năm, các bản thu hoạch sau khi học tập các nghị quyết của Đảng, những ghi chép trong các chuyến đi tham quan, học tập ở trong nước, ngoài nước… đều được người thư ký tận tuỵ ghi chép đầy đủ, mỗi bản dài hàng chục trang viết tay. Đồng chí nói, trí nhớ tuyệt vời nhất cũng không thể nhớ hết, mà phải ghi chép cẩn thận. Hơn 20 năm (1970 – 1990) tham gia chỉ đạo các công việc chuẩn bị về nội dung, thiết kế, xây dựng, thi công Bảo tàng Hồ Chí Minh, đồng chí vẫn sớm khuya ngồi làm việc tại một căn phòng nhỏ tại Phủ Chủ tịch. Ngày Bảo tàng Hồ Chí Minh khánh thành (19/5/1990), cũng là ngày đồng chí xin về hưu. Thư gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng gửi Ban Tổ chức Trung ương xin được nghỉ hưu khi công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh hoàn thành, có đoạn viết: “Năm nay tôi đã bước sang tuổi 70, sức khoẻ và khả năng kém sút, tôi tha thiết được nhận quyết định nghỉ hưu đúng ngày 19/5/1990, giữ mãi mãi kỷ niệm thiêng liêng về Bác Hồ kính yêu. Danh sách đề cử Ban Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh xin gửi kèm theo. Riêng tôi, nếu cần sẵn sàng làm cộng tác viên cố vấn cho đến lúc không cần thiết nữa. Đó là cả tấm lòng tha thiết của một đảng viên được vinh dự trực tiếp phục vụ Bác Hồ và được Bác đặt tên trong đội ngũ Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Rất mong được chấp nhận”.
Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, biết không còn thời gian, đồng chí đề nghị cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh vào nghe một số chuyện kể để có thể lưu giữ những chuyện về Bác Hồ mà người thư ký tận tuỵ này chưa kịp viết lại. Suốt những năm tháng phục vụ Bác, cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch chỉ có hơn 10 người, đồng chí không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Mỗi khi Bác đi công tác, đồng chí lo thu xếp bố trí cho anh em ở xa về thăm nhà, dù bản thân mình vẫn thường xuyên đi theo Bác, không giúp được gia đình nhiều. Mọi việc trong nhà đều trông cậy vào người bạn đời lo toan. Bà cũng đã hy sinh sự phấn đấu của mình để lo cho gia đình, tạo điều kiện cho ông yên tâm giúp việc Bác Hồ. Thời bao cấp khó khăn, gia đình đồng chí cũng sống như bao gia đình cán bộ khác. Đồng chí thường làm việc ở cơ quan suốt ngày, tối khuya mới về nhà ăn cơm với món ăn quen thuộc là dưa chua với lạc rang, nhiều hôm lại tất tả vào cơ quan ngủ để chăm lo việc bảo vệ an toàn cho Bác.
Học tập Bác, ngay cả cách đồng chí ứng xử với các con cũng mang phong cách một thư ký của Bác Hồ. Trong khối tài liệu liên quan đến đồng chí Vũ Kỳ còn lưu giữ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm được một vài ghi chép, thư của ông gửi cho con. Tuy rất ít, nhưng cũng đủ nói lên tình yêu thương sâu sắc của một người cha đối với con cái. Ông rất dân chủ, tin tưởng vào sự tự giác của con, chỉ nhắc nhở, kiểm tra, không gò ép. Bận nhiều công việc, mãi khuya ông mới dành thời gian cho các con. Song, rất cẩn thận, trước khi viết lời nhận xét của gia đình vào sổ liên lạc của con, ông viết ra một tờ giấy để con đọc trước, rồi căn dặn: “Con thân yêu! Đây là nhận xét của bố, con có ý kiến thế nào, có thêm bớt gì không? Con hỏi thêm ý kiến mẹ. Trưa bố về bố sẽ ghi vào sổ cho. Nếu bố bận không về được thì bố sẽ bảo con mang vào cơ quan cho bố viết, hoặc nhờ mẹ viét và ký tên cho”.
Trước khi mất khoảng gần một năm, ông tự tay viết những lời tâm sự dặn dò gửi vợ con, anh em, họ hàng. Ông nói mình tự viết để sau này con cháu nhìn rõ chữ ông viết. Vẻn vẹn có ba trang, thì một trang ông viết về Di chúc của Bác Hồ, một trang viết về niềm vinh dự của dòng họ Vũ – Lê có một người con hoạt động cách mạng được chọn vào phục vụ Bác Hồ, được Bác Hồ đặt tên trong đội ngũ Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi, về điều tiếc nuối là sức khoẻ yếu, không viết tiếp được hồi ký về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, về những điều trong tiểu sử hoạt động cách mạng của Bác mà ông chưa kịp bổ sung… Chỉ có một trang ông viết cho vợ con, họ hàng… Nhưng chữ ít, tình nhiều, mỗi chữ, mỗi câu đều ẩn chứa tình yêu thương thiết tha của một người chồng, người cha, người ông dành cho vợ con, cháu chắt, anh em, họ hàng, mong cho họ luôn có cuộc sống yên bình, vui khoẻ và hạnh phúc, căn dặn họ đoàn kết, thương yêu nhau mãi mãi để cho ông yên tâm tiếp tục đi phục vụ Bác Hồ kính yêu.
Sinh thời, đồng chí Vũ Kỳ thường tâm sự: “Khi viết, khi nói và khi làm việc gì, Bác Hồ có bao giờ nói đó là một bài học đâu. Cho nên, nhớ và hiểu được câu văn, lời nói và việc làm rất thiết thực của Bác để học tập và noi gương Bác được mức độ nào là do mỗi người chúng ta phải cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ của mình”. Và bởi vậy, đồng chí đã sống, học tập và làm việc theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại theo cách của mình, rất thiết thực và hiệu quả. Đó chính là tấm gương gần gũi nhất để chúng tôi học tập và làm theo ngay từ những năm đầu tiên của cuộc đời làm cán bộ.
(Nhân dân cuối tuần)