Thứ Sáu, 24/1/2025
60 năm thực hiện tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh

Mở đầu bài viết, Bác Hồ khẳng định:

“Nước ta là nước dân chủ

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Theo tinh thần ấy, trong suốt các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã lãnh đạo, tập hợp, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Khi đã giành chính quyền, Đảng ta quán triệt và thực hiện quan điểm Hồ Chí Minh “Nước lấy dân làm gốc”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, năm 1991; Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 1992, đều khẳng định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Đảng ta luôn nhất quán, khẳng định dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Nhà nước đại diện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Trong những năm qua, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ngày càng trong sạch, vững mạnh là một tron những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, Đảng ta luôn luôn quán triệt, thực hiện quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên.

Bác Hồ đặt câu hỏi: Dân vận là gì? Đồng thời Người giải thích “Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”. Đây là thể hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân nhằm xây dựng khối đại đoàn kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng. Tinh thần đại đoàn kết phải được quán triệt sâu sắc trong công tác dân vận bằng việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân. Trong suốt quá trình cách mạng nước ta gần 80 năm qua, đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Trong những năm tháng kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, Đảng ta đã huy động được sức mạnh của toàn dân, đoàn kết triệu người như một, vận động tất cả mọi tầng lớp nhân dân, “bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc” thực hiện “toàn dân kháng chiến”, “toàn diện kháng chiến”, tất cả cho tiền tuyến với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã làm nên những chiến công hiển hách “đánh bại hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”. Trong giai đoạn cách mạng mới, tiếp tục thực hiện tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh, Đảng ta phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là đường lối chiến lược cơ bản, lâu dài, đã thống nhất các lực lượng của toàn dân tộc đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như của mỗi giai tầng xã hội, của mỗi người dân Việt Nam bằng việc “lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp. Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc”.

Với tinh thần “không để sót một người dân nào”, trong những năm qua, nhiều tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp mang tính tập hợp quần chúng rộng rãi, phong phú, đa dạng ngày càng được xây dựng và phát triển sâu rộng trong các đối tượng xã hội địa bàn cả nước. Tỷ lệ quần chúng tham gia các tổ chức đoàn thể nhân dân ngày càng cao; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ “những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”. Rất nhiều phong trào, các cuộc vận động cách mạng mang tính quần chúng rộng rãi, thu hút hàng triệu người tham gia, mang lại kết quả to lớn, thiết thực về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Qua các thời kỳ cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản mang tính pháp quy, các quyết định, quy định nhằm không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công tác dân tộc, công tác tôn giáo, phát huy quyền làm chủ, chủ động, sáng tạo của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội cũng như các tầng lớp nhân dân. Không chỉ bằng các nghị quyết, chỉ thị mà Bác Hồ gọi là hình thức “báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn…”, Đảng, Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể nhân dân thường rất chú trọng hướng mạnh về cơ sở cũng như đổi mới nội dung, phương thức vận động người dân, theo cách mà Bác Hồ đã căn dặn: “Tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải làm cho kỳ được”.

Một trong những tiến bộ rõ rệt, đồng thời cũng là thành tích của cả hệ thống chính trị nước ta 60 năm qua trong việc thực hiện tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh là đã làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị thường xuyên chăm lo, làm tốt công tác dân vận; tổ chức bộ máy làm công tác dân vận ngày càng được xây dựng, củng cố và phát triển. Trong tác phẩm “Dân vận” Bác Hồ đã đặt câu hỏi “Ai phụ trách Dân vận?” và Người khẳng định: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận”. Trước năm 1945, khi Đảng chưa nắm chính quyền, Đảng thông qua cán bộ, đảng viên, thông qua Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể để thiết lập mối quan hệ, vận động nhân dân. Cán bộ, đảng viên sống trong lòng dân, được dân nuôi, dân bảo vệ che chở, đồng thời lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giành chính quyền. Khi Đảng ta đã trở thành đảng cầm quyền, thấy trước được nguy cơ quan liêu, mệnh lệnh của cán bộ, đảng viên hiện hữu, Bác Hồ rất quan tâm đến công tác dân vận của chính quyền. Ngay từ những ngày đầu giành độc lập, Bác Hồ đã có một loạt bài viết, thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện, làng phê phán các căn bệnh cậy chức, cậy quyền, cậy thế để ức hiếp dân và nhắc nhở: Chính phủ, cán bộ phải là “công bộc của dân”. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết về xây dựng chính quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Ngày 21-9-2000, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 18/2000/CT-TTg về tăng cường công tác dân vận. Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và các cấp chính quyền đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác dân vận. Nhiều chương trình, chính sách kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo; chính sách cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; việc phát triển kinh tế - xã hội; triển khai cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các hoạt động nhân đạo, từ thiện được thực hiện, đem lại kết quả thiết thực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Các cấp chính quyền đã chú trọng, tăng cường công tác quần chúng, có những chính sách thỏa đáng khuyến khích, vận động người dân tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Quyền làm chủ của người dân ngày càng được phát huy, tôn trọng. Chính quyền đã phối hợp ngày càng chặt chẽ, thường xuyên với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng làm công tác dân vận.

Trong 60 năm qua, các tổ chức, cơ quan, cán bộ “phụ trách dân vận” ngày càng được xây dựng, củng cố, hoàn thiện và phát triển, đáp ứng nhu cầu của từng thời kỳ, phù hợp với từng địa bàn dân cư, đối tượng xã hội. Cùng với công tác dân vận của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Đảng ta luôn luôn quan tâm, tăng cường tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác dân vận, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo công tác dân vận. Đáng chú ý là, ngày 17-3-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV) đã Ban hành quyết định thành lập Ban Dân vận Trung ương. Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Nghị quyết 8B “Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”. Thực hiện Nghị quyết này, ngày 9-7-1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có quyết định yêu cầu kiện toàn Ban Dân vận Trung ương và Ban Dân vận các tỉnh, thành phố; ở cấp huyện, lập Khối Dân vận do đồng chí ủy viên Ban thường vụ phụ trách. Tiếp đó, Hướng dẫn số 01 liên Ban Tổ chức Trung ương – Dân vận Trung ương “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ của Ban Dân vận địa phương” là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, củng cố, tăng cường bộ máy cán bộ của Ban Dân vận cấp ủy các tỉnh, thành phố, huyện, thị xã và Khối Dân vận cơ sở, Tiếp theo quyết định của các nhiệm kỳ trước, ngày 22-10-2007, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Quyết định số 97-QĐ/TW “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Dân vận Trung ương”, trong đó nêu rõ: “Ban Dân vận Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách và giải pháp lớn về công tác dân vận”. Đồng thời các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương cũng ngày càng quan tâm lãnh đạo, tăng cường tổ chức bộ máy, cán bộ, chế độ chính sách nhằm đẩy mạnh công tác vận động quần chúng trong tình hình mới. Đến nay, hệ thống dân vận trong cả nước từ Trung ương đến cơ sở đã khá đồng bộ, ngày càng được kiện toàn, tăng cường cả về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu công tác dân vận giai đoạn cách mạng mới, góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, tăng cường công tác đối ngoại nhân dân.

60 năm trước, Bác Hồ đã chỉ rõ “Dân vận phải thế nào?”. Bác Hồ đã khái quát một cách đầy đủ, súc tích và cũng là yêu cầu rất cao đối với cán bộ làm công tác dân vận “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, ý thức trách nhiệm, phương pháp, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể, công chức, viên chức các cấp không ngừng được nâng lên. Đội ngũ những ngươi làm công tác vận động quần chúng ngày càng được bổ sung, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng nắm vững chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; có khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng, lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm nguyện vọng chính đáng của quần chúng; gần gũi gắn bó với nhân dân; nói đi đôi với làm; giản dị, khiêm tốn, học hỏi quần chúng. Trước yêu cầu công tác vận động quần chúng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta đã cụ thể hóa một bước phương pháp dân vận của Bác Hồ, yêu cầu cán bộ, công chức xây dựng và thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Cán bộ, công chức phải có thái độ chân thành, tôn trọng dân, hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân; không được thành kiến, phân biệt đối xử khi làm việc với dân.

60 năm qua, những người làm công tác vận động quần chúng luôn luôn coi tác phẩm “Dân vận” của Bác Hồ là cẩm nang trong công tác của mình. Những điều Bác Hồ viết trong bài báo cách đây 60 năm mãi mãi sẽ là tiêu chí phấn đấu, là phẩm chất hàng đầu của cán bộ ở mọi thời kỳ cách mạng. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích, tạo ra sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tuy nhiên, nhiều lúc, nhiều nơi chúng ta vẫn chưa làm được như Bác Hồ đã dạy. Quyền làm chủ của người dân ở không ít nơi vẫn bị vi phạm hoặc dân chủ một cách hình thức. Nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân nhưng dân không được hỏi ý kiến, không được tham gia bàn bạc, quyết định. Công tác dân vận của chính quyền còn không ít hạn chế, yếu kém, khuyết điểm. Vẫn còn khá phổ biến tình trạng cán bộ, công chức quan liêu, hách dịch, xa dân, không lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân. Vẫn còn tình trạng “coi khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc một vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc”.v.v.

60 năm đã qua đi nhưng tư tưởng dân vận trong tác phẩm “Dân vận” của Bác Hồ còn mang tính thời sự nóng hổi. Học tập và vận dụng tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác vận động quần chúng trong giai đoạn cách mạng hiện nay là việc làm quan trọng, vừa cần thiết, vừa cơ bản, lâu dài. Để phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém sau 60 năm thực hiện tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh, trong thời gian trước mắt, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị nước ta cũng như trong hệ thống dân vận các cấp ủy cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục học tập, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tác phẩm “Dân vận” và tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh đến mọi tầng lớp nhân dân, đến tất cả cán bộ, công chức, đảng viên, đến các cấp chính quyền, tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân. Đây là tài liệu không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng, chính quyền. Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân ở các cấp, các ngành.

Hai là, lồng ghép, kết hợp chặt chẽ các nội dung trong tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh với việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Các nội dung thực hiện cần thiết thực, cụ thể, gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và từng cá nhân cán bộ, công chức, đảng viên với quan tâm giải quyết lợi ích chính đáng, nhu cầu bức thiết của nhân dân; chú trọng khâu làm theo đạo đức, tác phong dân vận của Bác Hồ.

Ba là, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng để ban hành, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các nghị quyết liên quan đến công tác vận động quần chúng trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Thực hiện tốt “Năm dân vận chính quyền” với các nội dung trọng tâm như tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là mở rộng dân chủ trực tiếp của người dân; tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của người dân.

Thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống chính trị cả nước; xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình “dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh để phong trào này có sức lan tỏa mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trên mọi lĩnh vực, địa bàn cả nước; xây dựng, suy tôn những cán bộ thật sự “trọng dân, gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Có được phong trào và những cán bộ “dân vận khéo” chính là chúng ta thực hiện đúng điều mà Bác Hồ mong muốn: “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”.

Bốn là, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức vận động, tập hợp quần chúng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng, hướng mạnh về cơ sở. Khắc phục tình trạng hành chính hóa, phô trương, hình thức; phấn đấu theo phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Đẩy mạnh các cuộc vận động cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần tích cực thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội X của Đảng, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại năm 2010, trong đó có 80 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 – 15-10-2010).

Năm tháng đã đi qua. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, “con thuyền” cách mạng của dân tộc ta đã và đang vượt qua những thác ghềnh, tiến về phía trước, hướng tới bến bờ vinh quang: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Và tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc sáng, soi đường, chỉ lối cho mỗi chúng ta.

Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương

(Tạp chí Dân vận số 10/2009)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi