Thứ Năm, 21/11/2024
Nữ trí thức góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
 
Quang cảnh Hội thảo


Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Bùi Thị Hòa, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

Dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; GS. TS. Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; đại diện lãnh đạo các vụ của Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban soạn thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cùng các đại biểu là lãnh đạo, hội viên Hội Nữ tri thức Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam tham dự và đóng góp ý kiến.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định: Việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng là phát huy trí tuệ, tâm huyết, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng để phát triển đất nước. Đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thể hiện sức mạnh ý Đảng, lòng dân.

Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga mong muốn lắng nghe ý kiến tham luận, trao đổi, đóng góp ý kiến của đội ngũ nữ trí thức từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, cũng như các chuyên gia về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực này, để phụ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng có thể tận dụng được các cơ hội từ hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc Hội thảo


Báo cáo đề dẫn Hội thảo của GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: "Các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, bài bản với nhiều lần bổ sung, chỉnh sửa trên cơ sở các ý kiến góp ý từ các cuộc hội thảo, toạ đàm khoa học, các cuộc khảo sát, nghiên cứu thực tế tại các địa phương, ban ngành. Hệ thống các văn kiện Đại hội XIII của Đảng gắn kết chặt chẽ với nhau theo nguyên tắc Báo cáo chính trị là trung tâm, các báo cáo khác là báo cáo thành phần. Các luận điểm, nội dung căn bản về đường lối được xác định trong Báo cáo chính trị đều được thể hiện nhất quán và cụ thể hóa trong các báo cáo còn lại".

Liên quan trực tiếp đến các nội dung về giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao trong các dự thảo trong các dự thảo văn kiện, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn gợi mở những vấn đề mới, cần lưu ý cho ý kiến, đó là: về chủ đề Đại hội; về tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước; về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ; những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp vào hai nhóm chủ đề chính: Giáo dục và đào tạo - Khoa học và công nghệ và Nguồn nhân lực chất lượng cao. Góp ý về định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị bổ sung "Vị thế của khoa học Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới đã tiến bộ rõ rệt" trong phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới; bổ sung giáo dục STEM - một xu hướng giáo dục quốc tế của xã hội số, là nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ - ở bậc phổ thông trong mục V và mục VI của dự thảo Báo cáo chính trị...

 
Đại biểu phát biểu tại Hội thảo 


GS. TS. Lê Minh Thắng, Giảng viên cao cấp Viện Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách Khoa Hà Nội góp ý: "Một số định hướng chủ đạo cần được nhấn mạnh, cụ thể hơn như việc đẩy mạnh tự chủ đại học, thay đổi cơ chế quản trị trong trường đại học, tập trung vào nâng cao vai trò của hội đồng trường và đổi mới cơ chế, phương thức quản trị tài chính. Chính sách đột phá, phát triển nâng cao chất lượng giáo dục đại học cần được làm rõ hơn..."

Góp ý về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đào tạo, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: "Cần tách ra một nội dung riêng về phát triển con người Việt Nam. Cần phân biệt nhân lực và nguồn nhân lực để có kế hoạch, chiến lược, phát triển phù hợp. Nguồn nhân lực hàm ý đến nhân lực chưa sử dụng, là kết quả của sự đầu tư hôm nay và để khai thác trong trong tương lai còn nhân lực là lực lượng lao động đang được sử dụng. Nếu tính chiến lực 10 - 15 năm thì tính chiến lực phát triển nguồn nhân lực, còn 5 năm thì chú ý đến vấn đề phát triển nhân lực..."

Còn TS. Phạm Thị My, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam kiến nghị, để phát huy thực sự vai trò nữ trí thức trong thời gian tới, đề nghị thực hiện bình đẳng thực sự trong việc tuổi tham gia quy hoạch đề bạt, bổ nhiệm của nữ trí thức nói chung và phụ nữ nói chung; cần tăng cường, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, các cấp lãnh đạo, quản lý, nam trí thức về vai trò, vị thế của nữ trí thức trong phát triển bền vững hiện nay; bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về vai trò, vị thế của nữ trí thức trong đó tập trung khắc phục rào cản liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu, chính sách về tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ nữ trí thức...

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh: Quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng khá lâu dài. Các dự thảo lần này không chỉ đánh giá 5 năm vừa qua (2016 - 2020) hay 5 năm tới (2021 - 2025) mà còn nhìn lại quá trình 35 năm đổi mới đất nước, nhìn lại việc thực hiện 30 năm Cương lĩnh 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Chặng đường tiếp theo xác định xây dựng phương hướng cho 3 mốc mục tiêu: 2025, 2030, 2045 và Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021 - 2030. Đây là những mục tiêu không chỉ của Đảng mà của toàn dân tộc, đòi hỏi những bước đột phá, tập trung toàn lực, khơi dậy mạnh mẽ hơn khát vọng phát triển đất nước.

 
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại Hội thảo


Khái quát 10 ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao và trân trọng cảm ơn các ý kiến chân thành, sâu sắc, dựa trên tinh thần xây dựng, đóng góp tâm huyết cho Đảng của các đại biểu. Các ý kiến đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung vào hai nhóm vấn đề: các góp ý mới, bổ sung và các góp ý cụ thể. Các ý kiến có chất lượng cao, đóng góp rõ ràng, cụ thể, tâm huyết, trách nhiệm của nữ trí thức dành cho Đảng, cho đất nước. Trên cơ sở đó, đồng chí Trương Thị Mai mong muốn các nữ trí thức tiếp tục đóng góp vai trò xứng đáng cho sự phát triển của đất nước những năm tiếp theo

Đây là Hội thảo tập trung lấy ý kiến của lực lượng nữ trí thức với sự tham dự của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nữ doanh nhân, cán bộ hội viên và đại diện phụ nữ tiêu biểu của cả nước và cũng là 1 trong 4 hội thảo mà Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức trong 2 tuần qua để đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII./.

Tin và ảnh: Hà Thanh 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác