Thứ Sáu, 20/9/2024

Công tác dân vận trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên hiện nay

Qua 30 năm đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội của Tây Nguyên đã có những thay đổi. Kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, nhưng phần lớn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) lại nằm trong diện hộ nghèo, đói. Đất sản xuất của đồng bào DTTS ngày càng ít, từ xã hội chủ yếu là người DTTS tại chỗ đến nay đã có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số. Tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng. Thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đang dần bị mai một; giáo dục, y tế chậm phát triển; đoàn kết giữa các dân tộc có nguy cơ doãng ra. Tôn giáo phát triển nhanh, đạo lạ hình thành ở nhiều nơi; luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội... Những vấn đề đó đòi hỏi xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS phải có những đặc thù riêng để có đủ năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS ở khu vực Tây Nguyên được quan tâm xây dựng, kiện toàn, hoạt động ngày càng có hiệu quả, theo hướng gần dân, sát dân, động viên, huy động được sức mạnh của Nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng buôn làng văn hóa. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được chuẩn hóa. Cơ cấu cán bộ người DTTS bước đầu được bố trí theo hướng hài hòa hơn. Số lượng đảng viên người DTTS tăng lên, cơ bản xóa được thôn, buôn không có đảng viên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; vai trò lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền nhiều nơi yếu kém, chưa phát huy được vai trò của Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hành dân chủ, xây dựng mối đoàn kết giữa các dân tộc, phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh. Ở nhiều nơi, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở chưa thực sự hướng vào phục vụ dân, sát với dân, được dân tin cậy. Công tác phát triển đảng viên là người DTTS tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào DTTS có tôn giáo, hiện còn trên 60% chi bộ chưa đủ số lượng đảng viên để thành lập chi ủy. Đảng viên được điều động, tăng cường về sinh hoạt ở cơ sở chưa thực sự gắn bó với quần chúng Nhân dân.

Bên cạnh đó, cơ cấu cán bộ, công chức là người DTTS tại địa phương trong hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS ở nhiều địa phương thiếu cân đối, chưa hài hòa. Ở nhiều địa phương tỷ lệ cán bộ DTTS còn rất thấp; công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS còn nhiều bất cập. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa biết ngôn ngữ, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán DTTS địa phương công tác; chưa đủ năng lực tổ chức và vận động Nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tâm với dân, biết phát huy sức dân. Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội chậm được đổi mới để phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào DTTS, còn nặng về hành chính; chưa tập hợp được đông đảo đồng bào DTTS tham gia các hoạt động của đoàn, hội, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS có tôn giáo và ở những vùng xuất hiện các hiện tượng “tôn giáo mới”. Công tác nắm tình hình, nghiên cứu tình hình Nhân dân vùng đồng bào DTTS nhiều nơi còn chậm, phân tích, dự báo thiếu chính xác.

Trước thực tế đó, nhiều vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên đã chú trọng làm tốt công tác dân vận và xác định làm tốt công tác dân vận để xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã xác định làm tốt công tác dân vận, công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược, hết sức quan trọng để củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng Tây Nguyên thành khu vực phát triển bền vững nói riêng. Do đó, các tỉnh trong khu vực đã quan tâm quán triệt, triệt khai và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng  phát triển, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít địa phương chưa vận dụng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên. Một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS. Công tác quán triệt, triển khai thực hiện còn hình thức; nhiều cán bộ, công chức, viên chức chưa hiểu thấu nội dung, phương thức công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS. Ở nhiều địa phương, việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân vùng đồng bào DTTS của người đứng đầu cấp ủy, HĐND, UBND chưa thường xuyên, trở thành nền nếp. Hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều vùng đồng bào DTTS chưa cao, khoảng cách giàu - nghèo chưa được thu hẹp, văn hóa truyền thống DTTS vẫn đang đứng trước những thử thách gay gắt trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đoàn kết giữa các dân tộc nhiều nơi chưa tốt; ở nhiều vùng đồng bào DTTS luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định về an ninh, trật tự.

Để công tác dân vận góp phần xây dựng hệ thống chính ở cơ sở vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên vững mạnh, theo chúng tôi trước mắt cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về công tác dân vận trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên. Nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò của công tác dân vận trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở khu vực Tây Nguyên. Xây dựng ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS. Tuyên truyền sâu rộng để Nhân dân các DTTS nắm được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận ở vùng đồng DTTS và vai trò của Nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Hai là, đổi mới và tăng cường lãnh đạo công tác dân vận trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS của cấp ủy, tổ chức đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến xã tiếp tục lãnh đạo cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, đưa công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS thực sự góp phần xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Lãnh đạo đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, triển khai thực hiện tốt Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Chú trọng lãnh đạo phát triển đảng viên là người DTTS tại chỗ, đồng bào DTTS có đạo; xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS tại chỗ đủ về số lượng, có chất lượng, có tính kế thừa phát triển; bố trí cán bộ hài hòa trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở, trong đó có cán bộ nữ DTTS tại chỗ.  Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở có trình độ chuyên môn, am hiểu đặc điểm tự nhiên - xã hội vùng đồng bào DTTS, có trách nhiệm, gắn bó với Nhân dân và được Nhân dân tín nhiệm. Xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả công tác dân vận của cấp ủy, tổ chức đảng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác dân vận của chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội; sơ kết các chủ trương của Đảng về công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của Nhân dân và MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Tăng cường công tác dân vận của cấp ủy và chính quyền; phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, của Nhân dân, báo chí và công luận trong phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Xây dựng quy chế, quy định cụ thể để Mặt trận, và các đoàn thể giám sát tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Xây dựng các quy chế, quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đảng viên. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Phát huy trách nhiệm của Nhân dân các dân tộc trong giám sát, đánh giá hoạt động của HĐND, UBND và quy chế, quy định để Nhân dân tham gia góp ý, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở và quy chế để Nhân dân giám sát, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở. Xây dựng và thực hiện quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của Nhân dân vùng đồng bào DTTS đối với người đứng đầu chính quyền, cán bộ, công chức và có hình thức xử lý đối với cá nhân có chỉ số hài lòng thấp.

Ths. Nguyễn Văn Kế
Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN