Thứ Sáu, 20/9/2024

Góp bàn để Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào cuộc sống

Cần nhận thức rõ Đảng ta vừa là đảng lãnh đạo, vừa là đảng cầm quyền

Trước hết phải khẳng định rõ Đảng ta là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ khi nước ta còn là nước thuộc địa nửa phong kiến, rồi đến khi bị chia cắt hai miền Bắc Nam, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc, dân chủ, thống nhất đất nước. Trong cuộc cách mạng đầy gian nan máu lửa ấy, Dân với Đảng là một, Dân tin yêu Đảng, Đảng quý trọng Dân, đồng cam cộng khổ, kiên cường, dũng cảm hy sinh xương máu, của cải vì mục tiêu chung. Dân với Đảng trên dưới đồng lòng, Đảng lãnh đạo Nhân dân làm nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng.

Khi đất nước hòa bình thống nhất, nhiệm vụ chiến lược thay đổi, từ chiến tranh sang hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn này, chúng ta còn những chủ quan, nóng vội, mô hình kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp không còn phù hợp với thực tiễn đã kìm hãm sự phát triển của đất nước. Chúng ta tự hào về dân tộc anh hùng trong chiến đấu, nhưng trong phát triển kinh tế, khoa học, nhất là khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật, thậm chí có lúc, có vấn đề còn nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Rồi từ Đại hội VI của Đảng mở ra một con đường mới, khẳng định tầm vóc, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên không ngừng.

Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường, trước sức hút của chủ nghĩa vật chất, “mặt trái” của đồng tiền đã làm xói mòn lý tưởng, đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, chúng ta cũng phạm một số sai lầm trong công tác cán bộ; quá coi trọng “Chuyên”, mà xem nhẹ “Hồng”, để phải nhiều khoá đại hội, nhiều nghị quyết, thậm chí Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) là nghị quyết thứ ba chuyên về xây dựng chỉnh đốn Đảng để nhận diện, đấu tranh, khắc phục. Kinh tế thị trường ngày càng phát triển và những kẽ hở trong công tác cán bộ để rồi “Có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cả cán bộ cấp cao suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; Tình trạng tham nhũng, lãng phí diễn ra nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều nơi...” làm suy giảm lòng tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ.

Trên lĩnh vực văn hoá - giáo dục

Hàng chục năm qua, ta đã có nhiều đề án về đổi mới giáo dục đào tạo, nhưng kết quả không cao, văn hóa - giáo dục nước ta còn nhiều hạn chế so với sự phát triển của xã hội, của đất nước. Phải chăng trong lãnh đạo, ta chưa chủ động, kiên quyết? Sau Cách mạng Tháng Tám, bằng tổ chức bình dân học vụ, chúng ta xóa nạn mù chữ cho hơn 90% dân số là một bước nhảy vọt của nền giáo dục Việt Nam. Sau xóa nạn mù chữ, hướng đi của văn hóa - giáo dục của Việt Nam chậm lại do các cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp. Sau thống nhất đất nước, nhất là từ khi mở cửa làm ăn với nước ngoài, ảnh hưởng văn hóa phương Tây, sự xâm thực của văn hoá ngoại lai, cùng các sản phẩm “văn hóa thị trường” lệch chuẩn, chạy theo nhu cầu thị hiếu tầm thường hàng ngày làm mai một bản sắc văn hoá dân tộc. Chúng ta có phần bị động, lúng túng nhất là sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ. Những ảnh hưởng bên ngoài đã không được kịp thời ngăn chặn và chúng ta chưa đủ chủ thuyết cho văn hóa - giáo dục, kéo dài đến ngày nay.

Ví dụ điển hình nhất là mê tín dị đoan phát triển mạnh. Nếu như trước Cách mạng Tháng Tám, ngày 15/7 Âm lịch, miền Bắc gọi là “Tết vong nhân”, miền Nam gọi là “Tết báo ân, báo hiếu cha mẹ”. Những ngày Tết này hàng năm, gia đình chỉ cúng xôi chè, không đốt vàng mã, trừ trường hợp có người thân mới qua đời thì đốt vàng mã hai năm kế đó rồi thôi. Ngày nay, nhiều gia đình năm nào cũng đốt vàng mã, ngựa, xe, nhà lầu và cả người hầu, máy bay..., gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng trên cả nước, lại làm tấm gương xấu cho xã hội, mà có nhiều bài báo, tờ báo đã đề cập và đăng tải. Rồi những lễ hội tràn lan, nạn “buôn thần bán thánh” phổ biến ở các đền thờ, những thuần phong mỹ tục bị bóp méo. Nhiều lễ hội hàng vạn người xe khắp nơi đổ về xin ấn cầu may hay tranh cướp lộc thánh, dẫm đạp lên nhau gây thương tích, phản cảm. Về ma chay, cưới xin cũng có tình trạng lãng phí, xa hoa trong lúc dân ta còn nghèo, có bộ phận rất nghèo... Chúng ta phải tôn trọng, không được nhạo báng văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, tâm linh; nhưng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước phải gương mẫu hướng mọi người dân hiểu đúng vấn đề trong đời sống, sinh hoạt văn hóa tâm linh, xây dựng con người văn minh, hiểu biết khoa học.

Chúng ta nên suy nghĩ sâu sắc để kiểm điểm vì sao lại như vậy trong khi Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền, Nhà nước ta là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân? Giáo dục và văn hóa là điểm then chốt trong con người, nhưng có lẽ chúng ta chưa giáo dục đầy đủ để xây dựng con người XHCN ngay từ ấu thơ, người dân mà hiểu biết thấp thì nước không thể gọi là văn minh. Chữ “văn minh” trong mục tiêu định hướng XHCN cần được bàn bạc và cụ thể hóa bằng luật, văn bản dưới luật, hướng dẫn hợp tình hợp lý.

Về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Qua hai đợt phát động, đến nay việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã từng bước đi vào chiều sâu, đạt được những kết quả tích cực, được gắn với học tập và thực hiện các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, nhất là trong xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng...

Tâm hồn và hành động của Bác thể hiện rất phong phú, lĩnh vực nào Người cũng kiệt xuất, nhất là quan hệ giữa người với người, bất cứ tầng lớp nào, từ trí thức đến dân thường, từ bậc hiền tài đến “kẻ tiểu nhân”, từ văn nghệ sĩ đến nhà khoa học, từ các vị giáo chủ đến con chiên, từ nguyên thủ quốc gia đến người dân bình thường… Bất cứ tiếp xúc với ai, Bác đều cảm hóa mọi người, thu phục nhân tâm, nhất là những người nghèo khổ trong nước và ngoài nước, thuyết phục đối tác một cách dễ dàng… Những hành động của Bác rất cần được nêu lên để mọi người học tập, noi theo. Để có được những hành động không khiên cưỡng, rất tự nhiên là bởi Bác có trong trái tim và khối óc một lý luận kiệt xuất - đó là cốt cách, một tấm lòng bao dung, trong sáng, là bản chất con người Bác. Tiếc rằng có lúc, có nơi khi học tập Bác, chúng ta không học cái cốt lõi đó, nên việc học tập và làm theo trở thành hình thức và không thấm sâu. Nội dung và hình thức là một cặp phạm trù của triết học, ta chỉ chú trọng hình thức mà không chú ý đến nội dung thì việc học tập chưa đạt yêu cầu. Đó là chưa kể không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý nói nhưng không làm, nói nhiều làm ít, thậm chí nói một đàng, làm một nẻo… Chúng ta tuyên truyền phải tiết kiệm, nhưng bản thân cán bộ lại xa hoa lãng phí thì làm sao làm gương cho dân được? Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường và chỉnh đốn Đảng đang thổi luồng gió mới tốt lành vào đời sống; cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã tin, đang tin và sẽ tin hơn nếu Đảng quyết tâm, cả hệ thống chính trị và Nhân dân vào cuộc, chắc chắn rằng Nghị quyết sẽ thắng lợi. Đảng sẽ mạnh, niềm tin của Nhân dân sẽ ngày càng được tăng cường và củng cố. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân nhận thức rõ nguy cơ của “Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…” có tác hại lớn, làm mất niềm tin của Nhân dân với Đảng trong tình hình hiện nay, để mỗi người thấy trách nhiệm của mình về sự sống còn của Đảng, của chế độ và sự ổn định, phát triển của đất nước. Từ đó mọi người vì sự nghiệp chung mà tự nguyện kiểm điểm một cách chân thành, không gò ép, không chụp mũ, không đao to búa lớn, tự giác nêu ra khuyết điểm và đưa ra cách khắc phục thỏa đáng cho chính mình và cho tập thể.

Thứ hai, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có trí tuệ và bản lĩnh, dám đưa ra quyết định những việc cho là đúng, không thiên vị, không bao che trong mọi công việc của cách mạng. Cán bộ, đảng viên phải đủ trí tuệ sáng suốt để vừa bảo vệ được mình vừa để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức giao, không bị sa ngã hoặc bị “vô hiệu hóa” trong khi đang điều hành công vụ. Vấn đề này đòi hỏi công tác cán bộ cần phải hết sức khoa học và công tâm, tìm đúng người đặt đúng việc, nhất là vị trí người đứng đầu. Trên cơ sở đó lấy tấm gương của những đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình một cách trung thực… để phổ biến, nhân rộng, học tập.

Thứ ba, để phòng, chống suy thoái, tham nhũng có hiệu quả, cần phát huy dân chủ trong mọi hoạt động và phải dựa vào Nhân dân, nhờ quần chúng Nhân dân chỉ ra những người có vấn đề, biểu hiện suy thoái, tham nhũng, lãng phí.

Khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là vi phạm pháp luật thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, quyết liệt. Cần xử ngay, xử nghiêm, xử công khai những vụ vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nổi cộm, đã được làm rõ, kết luận, tạo lòng tin cho quần chúng Nhân dân và toàn xã hội.

Phùng Văn Mùi

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN