Thứ Sáu, 20/9/2024

Đẩy mạnh nghiên cứu dư luận xã hội phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý ở tỉnh Sóc Trăng

Quán triệt quan điểm của Đảng tại Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Đảng khóa XI: “Phát huy sức mạnh của DLXH lành mạnh hỗ trợ cho các biện pháp quản lý của Nhà nước và các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động của Mặt trận và các đoàn thể Nhân dân” và thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về việc “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”, trong thời gian qua Tỉnh ủy Sóc Trăng đã tăng cường công tác nghiên cứu dư luận xã hội đạt nhiều thành tựu nổi bật góp phần phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý xã hội của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương.

Thực hiện công văn chỉ đạo của Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ ban hành quyết định thành lập mạng lưới cộng tác viên DLXH cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Ban Tuyên giáo các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ chỉ đạo ban hành quyết định kiện toàn mạng lưới cộng tác viên DLXH cùng cấp. Hoạt động của mạng lưới cộng tác viên DLXH thời gian qua được các cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, đã kịp thời cung cấp thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tư tưởng, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.

Tình hình DLXH ở địa phương được cơ quan chuyên môn tổng hợp báo cáo định kỳ hàng tuần, tháng tới cấp ủy đảng. Mỗi khi có các “điểm nóng” xảy ra trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy đều cử cán bộ xuống cơ sở để nắm tình hình DLXH, để có thông tin và các phương án xử lý. Công tác lập kế hoạch nghiên cứu DLXH được tiến hành hàng năm và căn cứ theo kế hoạch của đơn vị, nhu cầu thực tế của địa phương và theo kế hoạch của Ban Tuyên giáo cấp trên. Sơ kết, tổng kết điều tra DLXH được tiến hành theo định kỳ hàng năm và đột xuất. Tỉnh đã thực hiện các cuộc điều tra thăm dò DLXH đối với việc thực hiện đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhận được sự đánh giá cao của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Trong 5 năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tham mưu Thường trực Tỉnh ủy tiến hành triển khai nhiều cuộc điều tra xã hội học gắn với tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên; với việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, người có chức vụ… Nhìn chung, các báo cáo nghiên cứu DLXH bước đầu đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, phục vụ tốt trong công tác nắm bắt tâm trạng, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân và định hướng DLXH. Thông qua việc lượng hoá các thông tin bằng số liệu cụ thể, kết quả nghiên cứu có căn cứ khoa học, chỉ ra được những giải pháp hiệu quả giúp Tỉnh uỷ, UBND tỉnh có những chủ trương, chính sách, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành phù hợp thực tiễn.

Để tăng cường công tác nghiên cứu DLXH tại tỉnh Sóc Trăng trong tình hình mới, xin đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác nghiên cứu DLXH. Các cấp ủy đảng cần quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu DLXH để góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đặc biệt là sử dụng kết quả nghiên DLXH để phục vụ việc ban hành, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân và xây dựng, củng cố tổ chức đảng, đảng viên và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Các cấp uỷ đảng kịp thời chỉ đạo, nắm bắt, phản ánh những vấn đề DLXH “nóng”, “nhạy cảm” xảy ra trên địa bàn tỉnh, qua đó xác định rõ nguyên nhân và đưa ra biện pháp xử lý.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ của bộ phận nghiên cứu DLXH. Nghiên cứu thành lập phòng nghiên cứu DLXH tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và cán bộ chuyên trách làm công tác nghiên cứu DLXH tại Ban Tuyên giáo các huyện uỷ, thị uỷ và thành uỷ. Nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu DLXH có trình độ, năng lực, nhiệt tình với công việc. Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu DLXH cho cán bộ tuyên giáo và cộng tác viên làm công tác nghiên cứu DLXH. Việc đào tạo đưa vào kế hoạch hoạt động chung của Ban Tuyên giáo và tiến hành theo từng năm.

  Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức nghiên cứu DLXH. Về nội dung nghiên cứu DLXH, cần đa dạng hoá các hướng nghiên cứu, quan tâm các yếu tố tác động đến DLXH, những thành tố cấu trúc nên DLXH và mối quan hệ giữa chúng; chức năng và vai trò của DLXH trong đời sống xã hội. Nội dung điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH cần bám sát việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương, đơn vị.

Về phương thức nghiên cứu DLXH, cần đa dạng hoá hình thức, phương pháp điều tra, thăm dò DLXH. Bên cạnh những phương pháp nghiên cứu DLXH truyền thống như: phương pháp nghiên cứu định lượng và phương pháp nghiên cứu định tính, Ban Tuyên giáo các cấp nên tập trung việc nắm bắt DLXH qua điện thoại, email, internet. Điều tra DLXH phải bảo đảm tính đại diện của các tầng lớp nhân dân, tính xác thực, độ tin cậy, tính kịp thời của thông tin; khắc phục những hạn chế, sai sót trong các khâu: chọn vấn đề, phương pháp và hình thức điều tra; xây dựng phiếu câu hỏi điều tra; chọn mẫu (đối tượng) điều tra; tập huấn cán bộ đi điều tra; nhập dữ liệu, xử lý và phân tích số liệu; xây dựng báo cáo điều tra.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cộng tác viên DLXH các cấp và có chế độ đãi ngộ phù hợp. Về cơ cấu nên giữ lại số lượng cộng tác viên DLXH hiện có ở cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên, nên tập trung lựa chọn cộng tác viên theo các đặc trưng về: giai tầng trong xã hội, đặc trưng nhóm nghề nghiệp, đặc trưng địa phương, vùng miền, đặc trưng học vấn. Cộng tác viên DLXH phải là người có giao tiếp rộng rãi, am hiểu, tâm tư nguyện vọng của một tầng lớp xã hội hoặc nhóm công chúng nhất định, phù hợp.

Thứ năm, tăng cường sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo và các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong điều tra, nghiên cứu DLXH. Trong từng đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đề tài khoa học ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân hoặc đối với các vụ việc dễ gây bức xúc đều phải làm công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH. Trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ và thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ, điều kiện nguồn lực, kinh phí, Ban Tuyên giáo và cơ quan quản lý nhà nước các cấp lựa chọn những nội dung cần thiết, cấp bách để xây dựng và ký kết chương trình phối hợp, đảm bảo triển khai có hiệu quả, tránh ôm đồm, hình thức, gây lãng phí, tốn kém. Xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong công tác nghiên cứu DLXH.

Bùi Mỹ Thuận
Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng

Các bài khác

TẠP CHÍ IN