Thứ Sáu, 20/9/2024

“Dân vận khéo” trên quê hương cách mạng Cao Bằng

“Khéo” trong quản lý, phát triển đô thị

Nét nổi bật của tỉnh Cao Bằng là đã triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” (DVK) gắn với Tổ dân vận khá hiệu quả. Hiện nay, 100% xóm, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh thành lập Tổ dân vận trong đó có 96% Tổ dân vận đăng ký thực hiện DVK trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các Tổ dân vận thôn, xóm, tổ dân phố “khéo” đã và đang mang lại kết quả tích cực, nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở cơ sở, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Đến thành phố Cao Bằng vào những ngày đầu tháng 3, chúng tôi cảm nhận sức sống của một thành phố miền núi đang có bước chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển đô thị. Đồng chí Hoàng Văn Lưu, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Cao Bằng cho biết: Thành phố Cao Bằng có 11 đơn vị hành chính (8 phường, 3 xã), đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2010 và trở thành thành phố từ năm 2012. Những năm qua, công tác dân vận của thành phố đã tập trung phổ biến, tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực ủng hộ, tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Ban Dân vận Thành ủy đã tham mưu Thành ủy ban hành nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào DVK, tập trung vào công tác quản lý và phát triển đô thị, tài nguyên - môi trường, giải phóng mặt bằng.

Trên con đường mới, rộng thênh thang dẫn vào trung tâm thành phố, đến phường Đề Thám hôm nay ta sẽ thấy những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát và một khu đô thị - trung tâm hành chính hiện đại của tỉnh đang được đầu tư xây dựng. Để có diện mạo mới như vậy, trong những năm qua, phường đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Ban Chỉ đạo phong trào DVK của phường đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân với phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, “mưa dầm thấm lâu” để nắm được tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của Nhân dân. Đồng thời, phối hợp với lãnh đạo và các cơ quan chức năng Thành phố tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân. Do vậy, đa số hộ dân có đất bị thu hồi tự nguyện tháo dỡ, di chuyển nhà ở, nhận tiền đền bù, không có hộ nào phải sử dụng biện pháp cưỡng chế.

Không chỉ có phường Đề Thám, nhiều phường khác trên địa bàn thành phố đã thực hiện tốt mô hình DVK trong công tác giải phóng mặt bằng, nhờ đó nhiều dự án của thành phố như Trung tâm hành chính tỉnh, Đường phía Nam Khu đô thị mới Đề Thám, Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Cao Bằng giai đoạn I (2015 - 2016)… đã được bàn giao cơ bản mặt bằng.

“Hằng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua DVK của thành phố đã tham mưu, đề xuất cấp ủy xây dựng kế hoạch, hướng dẫn hoạt động, hướng dẫn đánh giá, xếp loại các Tổ dân vận đạt danh hiệu Tổ DVK; tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện phong trào thi đua DVK, kiểm tra nắm tình hình và kết quả thực hiện phong trào lồng ghép với việc kiểm tra các nội dung công tác dân vận cơ sở. Cuối năm 2016, toàn thành phố có 135/216 tổ, xóm được công nhận danh hiệu Tổ DVK” - đồng chí Hoàng Văn Lưu, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Cao Bằng cho biết thêm.

“Khéo” trong xây dựng nông thôn mới

Đối với khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn của tỉnh, phong trào thi đua DVK đã và đang phát huy hiệu quả, đặc biệt từ khi tỉnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Với điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng, dân trí còn thấp; địa hình đồi núi rộng, dân cư phân tán; một bộ phận người dân còn tâm lý trông chờ, thụ động…, Cao Bằng thực hiện Chương trình xây dựng NTM với khó khăn chồng chất khó khăn. Đến đầu năm 2015, sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Cao Bằng vẫn “trắng” xã NTM. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã có 5 xã đạt chuẩn NTM.

Trong sắc xuân ngập tràn từng bản làng, ngõ xóm, chúng tôi về thăm xã Phong Châu (huyện Trùng Khánh) - 1 trong 3 xã của tỉnh vừa cán đích NTM trong năm 2016. Với niềm vui, tinh thần phấn khởi và tự hào với những thành quả của xã đã đạt được trong xây dựng NTM, Bí thư Đảng ủy xã Đào Văn Thương đưa chúng tôi đến thăm Tổ Dân vận xóm Bó Thua Ma - một mô hình DVK trong xây dựng NTM. Tại nhà sinh hoạt cộng đồng xóm, bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng tổ dân vận xóm Hoàng Văn Rạch hồ hởi chia sẻ với chúng tôi: Xóm Bó Thua Ma có 50 hộ sinh sống với 187 người, đều là người dân tộc Tày, sống rải rác theo trục đường Quốc lộ 206. Tổ dân vận xóm được thành lập từ năm 2012 và lựa chọn đăng ký xây dựng mô hình DVK trong xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2016. Để thực hiện mô hình, Tổ dân vận xóm đã tổ chức 23 cuộc tuyên truyền đến bà con, vận động Nhân dân hiến 900 m2 đất làm đường nội đồng; hiến 500m2 đất làm mương phục phục tưới tiêu nông nghiệp; hiến 80m2 đất, huy động 250 ngày công làm nhà sinh hoạt cộng đồng xóm; đóng góp 15 triệu đồng và 200 ngày công làm sân thể thao xóm… Hiện xóm không còn hộ nghèo, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, phát quang sạch sẽ, toàn bộ gia súc được di chuyển khỏi gầm sàn nhà.

Giai đoạn 2011 - 2016, nhờ làm tốt phong trào thi đua DVK trong xây dựng NTM, xã Phong Châu đã vận động Nhân dân đóng góp trên 5.400 ngày công lao động trị giá trên 900 triệu đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, các mô hình sản xuất. Tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM là trên 104 tỷ đồng, trong đó cộng đồng dân cư đóng góp hơn 46 tỷ đồng.

Bài học thành công xây dựng NTM ở xã Phong Châu chính là việc phát huy hiệu quả các phong trào thi đua trong xây dựng NTM trong đó có phong trào thi đua DVK, được thể hiện thông qua việc “khéo” ra chủ trương, “khéo” vận động, tuyên truyền; công khai, dân chủ lấy ý kiến Nhân dân, làm cho Nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, tạo điều kiện cho Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

“Khéo” giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới

Là tỉnh có đường biên giới dài nhất cả nước với 333 km giáp Trung Quốc, thời gian qua, Cao Bằng đã đẩy mạnh công tác dân vận, huy động sức mạnh tổng hợp của quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Phong trào thi đua DVK trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh của tỉnh đã có nhiều mô hình, điển hình hay, mang lại hiệu quả rõ nét.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 18,5 km đường biên giới, 60 mốc giới (26 mốc chính, 34 mốc phụ) trên địa bàn 2 xã biên giới Đàm Thủy và Chí Viễn, những năm qua, Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Đồng chí Bế Hồng Cương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đàm Thủy cho biết: Đảng ủy, chỉ huy Đồn thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của 2 xã Đàm Thủy và Chí Viễn tổ chức tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; triển khai tốt phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự xóm (bản) khu vực biên giới”. Năm 2016, Đồn vận động Nhân dân tham gia tuần tra, phát quang đường tuần tra biên giới 24 lần với hơn 1.000 lượt người dân tham gia; tổ chức tuần tra, kiểm soát hệ thống đường biên, mốc quốc giới được 178 lần với 539 lượt người tham gia.

Bên cạnh đó, Đồn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã giải quyết dứt điểm các vụ việc xảy ra trên địa bàn, không để xảy ra điểm nóng, điểm phức tạp kéo dài, xóa xóm “trắng” về chi bộ đảng. Duy trì thường xuyên hoạt động khám chữa bệnh cho bà con của Trạm y tế quân dân y kết hợp; đẩy mạnh các hình thức vận động quần chúng thông qua hoạt động giao lưu, kết nghĩa, đỡ đầu; bám nắm địa bàn…

Có thể nói, dù trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị hay trong xây dựng NTM, phong trào DVK tỉnh Cao Bằng đã tạo không khí thi đua sôi nổi rộng khắp với những cách thực hiện năng động, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Rõ ràng, những hiệu quả mà phong trào mang lại chính là góp thêm những “viên gạch hồng” vào sự phát triển của địa phương, phấn đấu đưa tỉnh Cao Bằng trở thành một trong những tỉnh phát triển xanh nhất, sạch nhất và toàn diện nhất về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở vùng địa đầu phía Bắc của Tổ quốc.

Năm 2007, toàn tỉnh Cao Bằng có 28 đơn vị đăng ký xây dựng điểm với 28 mô hình DVK trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2016, có 5.290 mô hình DVK trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hà Thanh

Các bài khác

TẠP CHÍ IN