Thứ Sáu, 20/9/2024

Mô hình tự quản về an ninh trật tự tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng

Hàng năm, Khu di tích lịch sử (KDT) Đền Hùng tham gia tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng theo kế hoạch của tỉnh Phú Thọ với nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Đảm bảo an ninh trật tự trong KDT; đón tiếp, bảo vệ, hướng dẫn các đoàn đại biểu, du khách, đồng bào về thăm viếng; tổ chức các hoạt động thương mại, du lịch… Từ yêu cầu thực tiễn đảm bảo an ninh trật tự trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, tháng 6/2010, Đảng ủy, Ban Giám đốc KDT đã vận động, thành lập 5 mô hình tự quản là: Mô hình tự quản về hoạt động dịch vụ và kinh doanh thương mại, mô hình tự quản về hoạt động chụp ảnh, mô hình tự quản về hoạt động gánh lễ, mô hình tự quản về hoạt động dịch vụ xe ô tô điện và mô hình tự quản tại các đền, chùa.

Để quản lý, duy trì hoạt động của các mô hình tự quản một cách hiệu quả, KDT đã ban hành các quy định, quy chế phù hợp với tính chất hoạt động của từng mô hình. Mỗi mô hình đều thành lập các tổ tự quản, mỗi tổ tự quản đều phân công 01 tổ trưởng, 01 tổ phó để quản lý hoạt động của tổ. Các thành viên trong các tổ tự quản đều được KDT cấp thẻ (hoặc giấy chứng nhận) hành nghề. Các phòng chức năng của KDT thường xuyên làm tốt công tác theo dõi, quản lý hoạt động của các mô hình; quan tâm tới công tác tập huấn, hướng dẫn các thành viên tổ tự quản về kiến thức, kỹ năng cơ bản liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Hiện KDT có 06 tổ tự quản với 120 thành viên theo mô hình tự quản hoạt động dịch vụ, kinh doanh thương mại; 04 tổ tự quản với 80 thành viên theo mô hình tự quản chụp ảnh; 02 tổ tự quản với 27 thành viên theo mô hình tự quản hoạt động gánh lễ; 02 tổ tự quản với 33 nhân viên lái xe theo mô hình tự quản hoạt động dịch vụ xe ô tô điện; 05 tổ tự quản với 20 ông từ, phụ từ, nhà sư, người giúp việc theo mô hình tự quản tại các đền, chùa.

Các thành viên tổ tự quản được phổ biến, ký cam kết chấp hành nghiêm các nội quy, quy định của KDT, được phổ biến kiến thức lịch sử về Đền Hùng và kỹ năng tự quản, tự phòng về bảo an ninh trật tự. Thông qua hành nghề, các thành viên tổ tự quản thường xuyên nhắc nhở, giám sát nhau chấp hành nội quy, quy định của KDT như bán hàng đúng vị trí quy định, bán đúng mặt hàng đã đăng ký, bán hàng đúng giá niêm yết treo tại quầy, không tranh giành khách, không dùng loa phóng thanh để tiếp thị bán hàng; trả ảnh đúng thời gian và địa điểm đã ghi trong phiếu hẹn, lấy giá tiền chụp ảnh đúng quy định; không tranh giành khách, thỏa thuận giá trước khi gánh lễ; tuyệt đối không lấy trộm đồ, không ép giá, bắt chẹt khách. Quá trình hoạt động dịch vụ xe ô tô  điện phải chạy đúng lịch trình, đúng tuyến, dừng, đỗ xe đúng nơi quy định, không phóng nhanh, vượt ẩu, không chạy quá tốc đoä cho phép; không chở quá số người quy định, không chèo kéo khách, không thu tiền cước quá giá niêm yết. Các thành viên trong các tổ tự quản tại các đền, chùa có trách nhiệm phối hợp với cán bộ, nhân viên KDT quản lý, trông coi, bảo vệ đồ thờ tự, các tài sản, tiền hành lễ, tiền công đức, thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy tại các đền, chùa; hướng dẫn đồng bào thực hiện nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng thuần phong mỹ tục; tuyên truyền, giới thiệu cho du khách hiểu thêm về Đền Hùng và thời đại Hùng Vương, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các giá trị văn hóa dân gian vùng Đất Tổ…

Sau hơn 6 năm tổ chức, triển khai hoạt động, các mô hình tự quản về an ninh trật tự tại KDT Đền Hùng đã “khéo” vận động, “khéo” tổ chức và quản lý chặt chẽ, phối hợp với cán bộ, nhân viên KDT bảo vệ cảnh quan môi trường, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện nghi lễ thờ cúng, dâng hương tại Đền Hùng theo đúng thuần phong mỹ tục và quy định của KDT.  Đặc biệt, các mô hình tự quản đã phối hợp với lực lượng chức năng góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối về an ninh trật tự. Các tổ tự quản hoạt động dịch vụ, kinh doanh thương mại đã phát hiện, cung cấp 570 tin có giá trị để lực lượng công an, bảo vệ KDT xử lý kịp thời về kinh doanh hàng quá thời hạn sử dụng, đồ chơi nguy hiểm và tiêu thụ tiền giả. Các tổ tự quản hoạt động chụp ảnh đã phát hiện, cung cấp trên 200 tin có giá trị giúp KDT quản lý tốt hoạt động chụp ảnh, giúp lực lượng công an, bảo vệ thu giữ nhiều băng-rôn quảng cáo sai quy định, thu giữ nhiều ấn phẩm sách báo, kinh... không rõ nguồn gốc.

Các tổ tự quản hoạt động gánh lễ đã phát hiện, cung cấp nhiều thông tin có giá trị về các hoạt động có biểu hiện vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, ngăn chặn được tình trạng ăn xin, ăn mày tại Đền Hùng. Các tổ tự quản hoạt động dịch vụ xe ô tô điện đã tham gia phục vụ hàng ngàn lượt du khách an toàn, cung cấp trên 100 thông tin có giá trị giúp các đội công tác liên ngành xử lý các trường hợp lều, quán trái phép, vận chuyển khách không đúng quy định trong khuôn viên KDT. Các tổ tự quản của mô hình tự quản tại các đình chùa đã phát hiện, cung cấp trên 400 thông tin có giá trị giúp lực lượng chức năng có biện pháp theo dõi, xử lý theo quy định đối với các đoàn có biểu hiện hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng lạ, thu giữ nhiều ấn phẩm sách, báo, tài liệu tuyên truyền không rõ nguồn gốc...

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được về xây dựng, tổ chức hoạt động của các mô hình tự quản về an ninh trật tự, Công an tỉnh Phú Thọ và KDT Đền Hùng đã ký Chương trình phối hợp xây dựng mô hình “Cơ quan an toàn về an ninh trật tự tại KDT Đền Hùng”, góp phần tổ chức thành công Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng; tạo môi trường an toàn, yên tâm để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước đến với khu du lịch văn hóa tâm linh, cội nguồn của dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2017 đã đón gần 8 triệu lượt du khách từ khắp nơi về trẩy hội. Tỉnh Phú Thọ đã thực hiện tốt mục tiêu “5 không”: Không có người ăn xin, ăn mày; Không có ùn tắc giao thông; Không chèo kéo khách và xảy ra tình trạng giá cả dịch vụ mang tính “chặt chém”; Không có những hành vi phản cảm trong lễ hội; Không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội.

Đỗ Thị Thu Hồng
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Thọ

Các bài khác

TẠP CHÍ IN