Thứ Sáu, 20/9/2024

Bình Thuận đẩy mạnh công tác vận động đồng bào tôn giáo xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”

Thời gian qua, tình hình sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân và hoạt động tôn giáo của các chức sắc, tu sỹ tương đối ổn định. Đa số chức sắc, tu sĩ, chức việc và tín đồ các tôn giáo chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Tuy nhiên, với tính chất phức tạp, nhạy cảm của tôn giáo, cùng với sự lợi dụng kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch đã làm cho tình hình tôn giáo trong tỉnh phát sinh những vấn đề, vụ việc, có lúc, có nơi diễn ra gay gắt, nếu chậm xử lý hoặc không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương, ảnh hưởng đến tình cảm, tư tưởng của quần chúng Nhân dân.

Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các quan điểm, chính sách, nhiệm vụ công tác tôn giáo trên các mặt, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc trong hệ thống chính trị, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác tôn giáo trong tình hình mới. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện đạt kết quả tốt là đẩy mạnh công tác vận động đồng bào tôn giáo đoàn kết, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Thực tiễn hoạt động này đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm chuyển biến rõ rệt tình hình tôn giáo, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội các vùng phát triển, đồng bào tôn giáo có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Có được những kết quả đó là do tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp như sau:

Trước hết, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng tạo nhân tố gắn kết trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác tôn giáo.

Quán triệt quan điểm của Đảng “Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh, Đảng đoàn UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tôn giáo, kịp thời ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo định hướng giúp các cấp ủy chủ động giải quyết những vấn đề, vụ việc tôn giáo phát sinh ngay từ  cơ sở. Điểm lại từ khi thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW đến năm 2016, Tỉnh ủy đã ban hành trên 30 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác tôn giáo. UBND tỉnh cụ thể hóa triển khai trên 200 văn bản quản lý nhà nước về tôn giáo. Đồng thời, Ban chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh họp định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm đều ra thông báo kết luận cho chủ trương chỉ đạo xử lý những vấn đề, vụ việc trong tôn giáo. Các cấp ủy đảng thường xuyên chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác tôn giáo; xây dựng quy chế làm việc, tổ chức phân công cấp ủy, thành viên phụ trách địa bàn, đối với những địa bàn có vấn đề phức tạp, khó khăn thì phân công đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp phụ trách; mỗi quý một lần, từng thành viên Ban chỉ đạo cấp trên làm việc với Ban chỉ đạo công tác tôn giáo cấp dưới và báo cáo kết quả theo quy định.

Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, các cấp ủy, Ban chỉ đạo công tác tôn giáo còn dành thời gian tổ chức các cuộc họp định kỳ, họp trực tuyến đột xuất, kiểm tra thực tế để nắm tình hình; đi thực tế khảo sát những nơi có tình hình phức tạp, thăm hỏi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, tu sĩ, chức việc và tín đồ các tôn giáo để có biện pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời, hợp tình, hợp lý. Kết quả đổi mới phương thức lãnh của các cấp ủy đảng trong thời gian qua đã làm thay đổi căn bản trách nhiệm của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị đối với công tác tôn giáo, làm cho các chức sắc, tín đồ an tâm hoạt động tôn giáo, tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hai là, xây dựng tốt mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền với tổ chức tôn giáo, khuyến khích tôn giáo phát huy vai trò đóng góp cho xã hội.

Những năm qua, mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo với các cấp ủy, chính quyền Bình Thuận ngày càng gắn bó tốt hơn, đã có nhiều tổ chức tôn giáo duy trì việc thăm các cấp ủy, chính quyền nhân dịp Tết Nguyên đán hoặc mời cấp ủy, chính quyền tham dự các sự kiện, hội nghị, đại hội, tất niên cuối năm. Điểm mới ở Bình Thuận là đã chỉ đạo Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) xây dựng cơ chế làm việc định kỳ hàng quý với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và Tòa Giám mục Phan Thiết; phân công Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Ban chỉ huy quân sự các huyện, thành phố trong tỉnh duy trì tổ chức các cuộc họp mặt định kỳ với các chức sắc trên địa bàn, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức họp mặt chức sắc tiêu biểu một năm 02 lần. Chính nhờ mối quan hệ tốt nên trong giải quyết vấn đề tôn giáo, các tôn giáo đã tự điều tiết hoạt động một cách hiệu quả theo khuôn khổ pháp luật, hạn chế vận dụng biện pháp hành chính của nhà nước.

Dưới sự định hướng, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho tổ chức, cá nhân tôn giáo; quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong xây dựng đời sống văn hóa, văn minh; tích cực hướng dẫn, khuyến khích chức sắc, tín đồ tích cực tham gia hoạt động xã hội, từ thiện phù hợp với lợi ích cộng đồng xã hội, theo phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Hơn 10 năm qua, các cơ quan chức năng đã hướng dẫn, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trên 89% cơ sở thờ tự, phối hợp giải quyết trên 400 trường hợp kiến nghị liên quan đến đất đai, xây dựng. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho 05 cơ sở tôn giáo tham gia hoạt động khám, chữa bệnh đông y; 62 cơ sở tôn giáo mở các nhóm lớp mầm non ngoài công lập nuôi dạy khoảng 6.000 cháu; 11 cơ sở tôn giáo tổ chức hoạt động bảo trợ xã hội, 28 cơ sở tôn giáo tổ chức bếp ăn từ thiện tại các tuyến bệnh viện trong tỉnh. Một số tôn giáo đã tự điều chỉnh, xóa bỏ dần những luật lệ khắt khe, hủ tục, mê tín dị đoan.

Ba là, thường xuyên phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, khơi dậy, động viên chức sắc, tín đồ tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Ủy ban MTTQ và các đoàn thể các cấp đã cùng với chính quyền, các ban, ngành phối hợp thường xuyên tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tín ngưỡng, tôn giáo trong Nhân dân. Nhiều nơi sáng tạo thiết kế tổ chức phát động các hoạt động phong trào thi đua, hội thi sôi nổi, xây dựng các mô hình thiết thực, gần với cuộc sống, làm cho chức sắc, tín đồ thấy được lợi ích và tích cực tham gia, phát huy mặt tích cực của các tôn giáo đóng góp vào phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tập trung hỗ trợ nguồn vốn, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở... giúp nhiều hội viên, đoàn viên là người có đạo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Thông qua phát động các phong trào thi đua yêu nước đã vận động xây dựng 43 cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo đạt nếp sống văn minh, xây dựng nhân rộng 63 mô hình trong vùng có đông đồng bào theo tôn giáo. Qua đó tập hợp thu hút đông đảo đồng bào có đạo tham gia, tạo được mối quan hệ đoàn kết giữa các tôn giáo trong cộng đồng, hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về tôn giáo, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Công tác vận động đồng bào tôn giáo đoàn kết, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo” đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, đưa kinh tế Bình Thuận có mức tăng trưởng khá hơn. Những kết quả đó đã góp phần minh chứng, khẳng định chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng ta tại Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) là đúng đắn và hợp lòng dân.

Trần Xuân Đông
Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Thuận

Các bài khác

TẠP CHÍ IN