Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận, đặc biệt là công tác dân vận chính quyền trong hệ thống chính trị, trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương và Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Tây Ninh đã phối hợp triển khai đầy đủ các nội dung công tác dân vận nhất là “Năm Dân vận chính quyền” năm 2018 và đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong đó điểm nổi bật là nâng cao nhận thức, ý thức được trách nhiệm, chú trọng tự rèn luyện tác phong, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo hướng tôn trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Đồng thời, nâng cao đạo đức công vụ, góp phần làm giảm đáng kể tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp.
Thủ trưởng các sở, ngành, UBND các cấp đã có những nhận thức đúng và đầy đủ về công tác dân vận. Từng vấn đề quan trọng, nhạy cảm đều được đưa ra tập thể thảo luận và giao cho các cơ quan chức năng có giải pháp giải quyết nhanh, thỏa đáng, đúng quy định, đúng thẩm quyền. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Nhiều cơ quan nhà nước đưa nội dung công tác dân vận trở thành nhiệm vụ thường xuyên gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Nội dung thực hiện tốt công tác dân vận là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại, thi đua, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân trong năm.
Công tác cải cách hành chính được quan tâm, từng bước hoàn thiện quy trình để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh đã hoàn thành việc công bố toàn bộ danh mục thủ tục hành chính (TTHC) 03 cấp chính quyền với tổng số 1.884 TTHC, trong đó cấp tỉnh 1.446 TTHC, cấp huyện 290 TTHC, cấp xã 148 TTHC. Các TTHC đều được công khai đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia; niêm yết tại các trụ sở, trên trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị. Tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công từ ngày 15/3/2018, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng trên 200 lượt hồ sơ yêu cầu giải quyết các TTHC. Các hồ sơ, TTHC được giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý đến hoàn trả kết quả.
Công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt, đã tổ chức 35 cuộc đối thoại trực tiếp giữa các cấp ủy, chính quyền với nhân dân, trong đó có 10 vụ việc được giải quyết qua đối thoại. Riêng Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với nhân dân ngày 19/12/2018 với gần 200 người dự với 13 lượt ý kiến phát biểu liên quan đến nhiều nội dung. Việc tổ chức đối thoại trực tiếp tạo nên môi trường dân chủ, cởi mở, người dân được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, phản ảnh, kiến nghị với thái độ tích cực, góp ý với tinh thần thẳng thắn, có trách nhiệm. Ngoài ra, việc giải quyết kịp thời các ý kiến của nhân dân thông qua đối thoại trực tiếp đã tạo niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, người dân hiểu và chấp hành pháp luật tốt hơn, yên tâm lao động sản xuất, tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Qua đối thoại, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đã cơ bản giải đáp và làm rõ các nội dung được yêu cầu.
Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh đã tiếp nhận hơn 2.480 đơn thư, khiếu nại, tố cáo, sau khi sàng lọc đã hướng dẫn công dân đến cơ quan chức năng giải quyết đạt 70%. Công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được tạo điều kiện thuận lợi về nội dung, phương pháp và thành phần. Trong năm đã thực hiện 05 cuộc giám sát, đạt 100% kế hoạch đề ra. Sau giám sát có thông báo kiến nghị 35 nội dung gửi đến các cơ quan được giám sát và UBND tỉnh. Về công tác phản biện xã hội, Ban Thường trực MTTQ tỉnh đã tổng hợp ý kiến phản biện về Dự thảo Nghị quyết “Quy định về mức hỗ trợ các đối tượng tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020”; dự thảo “Quy hoạch thủy lợi Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030” gửi HĐND tỉnh, UBND tỉnh.
Nhìn chung, công tác giám sát và phản biện được thực hiện đúng quy trình; các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên được giám sát cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu được yêu cầu và tham gia trao đổi những vấn đề có liên quan, thảo luận các dự thảo kết quả giám sát. Sau giám sát, các đoàn có thông báo kết quả đến các đơn vị được giám sát; có kiến nghị và được chính quyền, các ngành chức năng liên quan tiếp thu. Cấp ủy, chính quyền đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đối tượng được giám sát hoàn chỉnh hồ sơ giám sát theo yêu cầu của cấp trên, đồng thời chấn chỉnh những mặt còn hạn chế, đề ra phương hướng, nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới và báo cáo cho cơ quan giám sát.
Các chương trình, dự án chuẩn bị triển khai luôn đưa ra lấy ý kiến, đối thoại với nhân dân trực tiếp liên quan nhằm tạo đồng thuận về chủ trương, biện pháp đền bù, giải tỏa, hỗ trợ, giúp triển khai thực hiện dự án được thuận lợi như Dự án Điện Mặt trời, đường Lý Thường Kiệt, đường 30/4… Đồng thời, tỉnh đã và đang triển khai, mời gọi đầu tư nhiều chương trình dự án lớn để phát triển kinh tế - xã hội, điển hình là Dự án Wincom Shophouse Tây Ninh, Tanifood, Tập đoàn Sun Group, FLC… trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác dân vận trong tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân đối với dự án, là nền tảng rất cần thiết để các dự án hoàn thành đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.
Thực hiện công tác dân vận chính quyền, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, dân tộc đã khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực, tập hợp, đoàn kết toàn dân góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và qua kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện công tác dân vận chính quyền vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một số cán bộ, công chức viên chức đôi lúc chưa nhiệt tình, gây khó khăn nhất là cán bộ địa chính cấp xã. Vẫn còn tình trạng một số cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến xã chưa chủ động phối hợp với cơ quan dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng kế hoạch thực hiện, kiểm tra, giám sát và báo cáo định kỳ. Một số vụ việc về khiếu nại, tranh chấp đất đai, giải quyết đơn, thư tố cáo của công dân còn tồn đọng, kéo dài. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực sự phát huy....
Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, trong năm 2019 và các năm tiếp theo các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Tây Ninh sẽ tập trung tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu về công tác dân vận chính quyền, công chức làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm nhằm xây dựng thái độ, ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân. Triển khai và đẩy mạnh giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân nhất là vụ việc khiếu kiện kéo dài, vụ việc đã kết thúc nhưng người dân vẫn khiếu nại. Tăng cường các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữ người đúng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xử lý tốt hồ sơ, thủ tục của nhân dân theo hướng giảm tối đa phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp khi liên hệ với chính quyền, từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện theo quy định nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội...