Thứ Hai, 13/1/2025

Mang mùa xuân về với bản làng

Chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đón Tết

Trong câu chuyện với các đồng chí chỉ huy Phòng Hậu cần, chúng tôi được biết: Được sự quan tâm đầu tư của cấp trên, những năm gần đây, đời sống cán bộ, chiến sỹ biên phòng tỉnh đã được cải thiện nhiều. Đến nay, 100% đồn biên phòng (ĐBP) có hệ thống tắm nước nóng. Tất cả các bếp ăn đều được xây dựng cơ bản; nhà ăn, nhà bếp được trang bị đầy đủ bảng biểu, dụng cụ, bảo đảm chính quy, thống nhất. Mỗi ĐBP được cấp một xe ôtô bán tải đa năng, giúp việc tiếp phẩm thuận lợi hơn trước. Hệ thống đường ống, bể chứa nước cũng được củng cố, bảo đảm đầy đủ nước sinh hoạt, ăn uống cho bộ đội. Công tác tăng gia sản xuất (TGSX) của các ĐBP cũng đi vào ổn định; đại đa số đã phát huy tốt thế mạnh tại chỗ, phát triển mô hình VAR, VACR. Một số đồn, như Nghĩa Thuận, Sum Pun còn tổ chức khu TGSX tập trung; đắp đập, ngăn suối, đào ao thả cá... Nhờ đó, các ĐBP hiện đã tự túc được từ 80-90% nhu cầu rau, củ, quả; khoảng 70% nhu cầu thịt. Đáng chú ý là, từ 3 năm nay, các đồn đều trích quỹ vốn TGSX mua sắm thêm máy sấy, bảo đảm quần áo bộ đội luôn khô, sạch sẽ, vệ sinh trong mọi điều kiện thời tiết...

Theo các đồng chí cán bộ hậu cần BĐBP tỉnh Hà Giang, năm nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến bất lợi, hầu hết khu vực các ĐBP đứng chân đều bị sạt lở do mưa lũ, cùng với sương muối kéo dài khiến hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của các ĐBP đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Nặng nề nhất là ở các ĐBP Bản Máy, Xín Mần, Phó Bảng, Sum Pun... đã có tới hàng trăm mét vuông rau xanh đang kỳ thu hoạch bị nhũn nát, thối hỏng. Trước tình hình này,  từ đầu quý 4, Phòng Hậu cần cử cán bộ đi kiểm tra, nắm tình hình và chỉ đạo các ĐBP khẩn trương bổ sung thêm đầu lợn, gà, ngan, vịt; đồng thời tiến hành gieo trồng bổ sung ngay các loại rau xanh phù hợp với khí hậu vùng cao, như cải mèo, bắp cải, cải cúc... không để gián đoạn nguồn cung thực phẩm tại chỗ phục vụ bữa ăn bộ đội trong dịp Tết. Cùng với bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, định lượng theo quy định, Tết năm nay, các ĐBP dự tính trích quỹ TGSX đưa vào ăn thêm cho bộ đội từ 70.000- 100.000 đồng/ người/ ngày; tặng quà các gia đình quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong đơn vị (tùy theo điều kiện).

Huyện Quản Bạ - nơi ĐBP Nghĩa Thuận đóng quân - nằm ở cửa ngõ của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Những ngày này, nhiệt độ trên địa bàn xuống thấp, sương mù dày đặc kèm mưa phùn rả rích khiến cái giá lạnh của miền biên ải thêm tê tái. Thế nhưng, không khí tại ĐBP Nghĩa Thuận dường như “nóng lên” với công việc chuẩn bị đón Xuân của cán bộ, chiến sĩ. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau giờ tuần tra, các anh tiến hành dọn dẹp, vệ sinh, chỉnh trang doanh trại; đồng thời, tập trung chăm sóc vườn rau, đàn gà, ngan, vịt gần 200 con của đơn vị. Đại úy Bùi Văn Đại, Chính trị viên phó Đồn “khoe” với chúng tôi: Năm qua, Đồn thu được từ TGSX gần 40 triệu đồng. Nhờ đó, vừa góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày, vừa giúp cán bộ, chiến sỹ có điều kiện đón một cái Tết đầy đủ, tươm tất hơn.

Trung tá Nguyễn Hồng Tâm - Phó Đồn trưởng cho biết thêm: Cũng như mọi năm, Tết này, phần lớn cán bộ, chiến sỹ của Đồn phải ở lại trực Tết, nhưng tất cả đều rất yên tâm, vui vẻ. Để chia tay những người về quê ăn Tết với gia đình, năm nào cấp ủy, chỉ huy Đồn cũng tổ chức đón Tết sớm, tuy mộc mạc, giản đơn nhưng vô cùng ấm cúng. Ngoài tổ chức gói bánh chưng xanh, anh em còn lên núi kiếm thêm những cành đào rừng đẹp nhất để trang trí cho mâm ngũ quả. “Mọi thứ đều được chuẩn bị chu đáo để mỗi cán bộ, chiến sỹ đều cảm thấy như ở nhà mình” - anh bộc bạch. “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” - Đó không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành mệnh lệnh trong trái tim của mỗi cán bộ, chiến sỹ biên phòng nơi đây.

Mang mùa xuân về với bản làng

Trên đường dẫn chúng tôi thăm một số ĐBP của tỉnh, Thiếu tá Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Quân nhu BĐBP tỉnh tranh thủ giới thiệu về địa phương mình. Anh kể, Hà Giang là vùng đất sở hữu nhiều “cái nhất” của cả nước: nhiều đá nhất, thiếu nước nhất, có đông đồng bào Mông sinh sống nhất, thoát khỏi chiến tranh muộn nhất… Với xuất phát điểm như vậy nên dù đã được cải thiện nhiều nhưng đời sống bộ đội và nhân dân 17 dân tộc anh em trong tỉnh hiện còn không ít khó khăn, đặc biệt là bà con các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Nhận thức rõ điều này, cùng với làm tốt nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ vững chắc từng đường biên, mốc giới, cán bộ, chiến sỹ Biên phòng tỉnh luôn coi việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc nơi đây là bổn phận, trách nhiệm của mình. Từ 5 năm qua, đã thành thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, khi Tết đến, Xuân về, Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động lại được triển khai tại hầu hết các địa bàn vùng biên giới. Tết năm nay, các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình diễn ra trải dài trên khắp tuyến biên giới của tỉnh, bao gồm khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; tư vấn sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; biểu diễn văn nghệ; thăm, tặng quà, chúc Tết các gia đình chính sách, gia đình có công, gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dịp Tết Mậu Tuất 2018, đã có 6 ngôi nhà “Mái ấm biên cương”, 30 con bò, 50 suất học bổng “Nâng bước em tới trường”, 500 phần quà… được trao tặng các cháu học sinh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng và gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh. Năm nay, dự tính nhiều phần quà, bao gồm tiền, quần áo, chăn, màn, bánh chưng, mứt Tết... sẽ được trao đến tận tay đồng bàonghèo vùng biên giới. Tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng chứa đựng trong đó tấm lòng sẻ chia của những người lính Biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc. Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bộ đội và bà con dân bản, tất cả các ĐBP dự định dịp này sẽ thi nấu bánh chưng, tổ chức trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, đi cà kheo; giao lưu văn nghệ với bà con bằng các tiết mục hát múa truyền thống...

Cùng với hoạt động tặng quà, cán bộ, chiến sỹ BĐBP còn phối hợp với đoàn cán bộ y tế địa phương và các đoàn thiện nguyện hành quân về các xã vùng sâu, vùng xa như Đồng Văn, Xín Mần, Hoàng Su Phì để khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con. Năm 2018, hơn 700 lượt đối tượng chính sách, người già neo đơn, hộ nghèo đã được khám bệnh, cấp thuốc; 2.200 lượt trẻ em được tiêm phòng vắc-xin, uống vitamin; hơn 1.000 lượt người được tư vấn sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết...

Để những hoạt động của Chương trình thực sự đem lại ý nghĩa thiết thực, cán bộ, chiến sỹ các ĐBP đã cố gắng rất nhiều, từ khâu chuẩn bị đến lựa chọn các phần quà tặng phù hợp với hoàn cảnh từng hộ gia đình. Các cán bộ biên phòng tỉnh kể chúng tôi nghe về trường hợp ông Thào Mí Chính, 67 tuổi, dân tộc Mông ở xã Ma Lé (huyện Đồng Văn). Vốn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sống độc thân nên dù tường nhà bị mưa lốc làm đổ từ năm trước nhưng ông vẫn không có khả năng làm lại. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, tháng 3/2018, ĐBP Lũng Cú đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã xây tặng ông ngôi nhà 3 gian lợp tôn lạnh, trị giá 140 triệu đồng. Ngày khánh thành, Bộ Tư lệnh BĐBP tặng thêm 01 tivi 42in; Ban Chỉ huy ĐBP Lũng Cú tặng tủ, giường, chăn, màn, đệm, bộ ấm chén, tổng giá trị 7 triệu đồng. Ngồi trong nhà mới, ông Thào Mí Chính vẫn như cảm thấy đang mơ, bởi “chưa bao giờ dám nghĩ được ở trong ngôi nhà khang trang đến thế”.

Trung tá Nguyễn Hồng Tâm, Phó Đồn trưởng ĐBP Nghĩa Thuận còn cho chúng tôi biết thêm: Ngoài việc chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho bộ đội đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm, sẵn sàng chiến đấu cao, đơn vị dự kiến chuẩn bị 10 suất quà, trị giá 200.000 đồng/suất từ nguồn TGSX, tiết kiệm để thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn Đồn quản lý. Đơn vị còn cử các tổ công tác đi thăm hỏi, nắm tình hình; phối hợp với chính quyền địa phương tu sửa, vệ sinh bia tưởng niệm, giao lưu văn nghệ nhằm thắt chặt tình đoàn kết quân dân.

Tết Kỷ Hợi 2019 đang về rất gần. Trên những nẻo đường từ Cao nguyên đá Đồng Văn đến các cung đường phía Tây của tỉnh, những cánh đào, mận, lê đã chớm nở, khoe sắc rộn ràng. Chia tay những người lính Biên phòng Hà Giang, bên tai chúng tôi như văng vẳng âm điệu mượt mà, sâu lắng lời bài hát: “Ai về thăm quê hương tôi/ Nơi biên cương là đây/ Có rừng cây thiên nhiên xanh biếc một màu/ Đây Hà Giang, đây Hà Giang, quê chúng tôi/ Gỗ vùng cao về xuôi thay đời mới/ Thắm tình giữa miền xuôi với miền ngược/ Ôi đẹp sao, đây vùng cao quê tôi đang đổi mới...”. Vẫn còn đó những khó khăn, vất vả nhưng trên từng gương mặt những người lính nơi đây vẫn bừng lên niềm lạc quan, tin tưởng, sẵn sàng vượt qua khó khăn, luôn vững tay súng canh giữ vùng biên cương địa đầu Tổ quốc. Với đồng bào các dân tộc nơi đây, họ chính là những người mang mùa Xuân về với bản làng.

Nhật Minh

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN