Thứ Năm, 26/12/2024

Học Bác từ những điều giản dị

Trò chuyện với nhiều bạn bè, đồng nghiệp, cán bộ cấp dưới thuộc quyền quản lý, lãnh đạo của ông… họ đều có chung nhận xét: Ông là một cán bộ lãnh đạo luôn gần gũi, tình cảm chan hòa với mọi người. Trong sinh hoạt thì giản dị, khiêm tốn. Nhưng với công việc thì tận tụy, sáng tạo có khi quyết liệt nhắm tới cái đích đạt hiệu quả cao nhất, giảm phiền hà cho nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Ông là Huỳnh Văn Tịnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Là một cán bộ lãnh đạo trưởng thành từ cơ sở, có năng lực nên khi còn trẻ, ông Huỳnh Văn Tịnh đã được giao đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Công chứng Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai. Tận tụy phục vụ nhân dân, lại có bản lĩnh vững vàng nên ông Tịnh luôn tỉnh táo trước mọi cám dỗ về vật chất. Một lần có đối tượng định mua chuộc để làm công chứng Nhà nước, hợp thức hóa tấm Bằng giả để tiến thân. Không những ông thẳng thừng từ chối mà tìm cách cùng với cơ quan chức năng vô hiệu hóa cái trò gian lận về kiến thức cùng sự gian dối để phòng trừ hệ lụy cho xã hội. Theo thời gian, đức tính trung thực, liêm chính của người cán bộ, đảng viên ở ông ngày càng được phát triển nhân lên. Năm mới ngoài 30 tuổi, ông đã được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Thấm nhuần lời Bác dạy: Học tập để có thêm kiến thức nhằm phục vụ tốt hơn cho Đảng, cho dân; dù bận rộn công việc chuyên môn, thời gian rất hạn chế, song ông Huỳnh Văn Tịnh đã khéo sắp xếp, tận dụng mọi cơ hội có được để trau dồi kiến thức. Ông dành cả thời gian chế độ nghỉ phép, nghỉ lễ cho việc học hành. Ngoài kiến thức cơ bản được trang bị qua trường lớp, ông Tịnh còn đề cao vai trò tự học, tự rèn để nâng cao kiến thức. Từ thực tiễn sinh động của một tỉnh có ngành công nghiệp phát triển lớn như ở Đồng Nai, với gần 100 ngàn lao động, ông Huỳnh Văn Tịnh đã đúc rút và bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ quản lý hành chính công khá sớm, từ năm 2004.

Nhịp cầu yêu thương

Từ khi được Đại hội Công đoàn tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, ông Huỳnh Văn Tịnh luôn tìm cách gặp gỡ, thăm hỏi động viên và đối thoại với người lao động để hiểu rõ hơn tâm tư, tình cảm và nhất là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Một cử chỉ của ông tưởng chừng đơn giản, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Đó là điện thoại luôn luôn mở để tiếp nhận ý kiến của người lao động từ các nơi gọi về. Những khi bận họp hoặc đi công tác chưa đáp ứng được thì sau đó ông rà lại, trả lời thỏa đáng những thắc mắc của người dân. Thậm chí khi ông về làm Bí thư Huyện ủy Thống Nhất đã từ lâu, nhiều công nhân vẫn gọi tới, đề nghị giải thích điều này, điều nọ, ông vẫn vui vẻ giúp đỡ họ, không hề viện lý do để từ chối. Vì vậy, đội ngũ đông đảo công nhân lao động trong tỉnh thường dành cho ông những tình cảm yêu mến, quý trọng. Họ luôn kháo với nhau, đó là “nhịp cầu yêu thương”. Có những người lãnh đạo cấp trên biết chia sẻ với mình như vậy, thật ấm lòng - dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, vất vả.

Gần gũi và chia sẻ với nhân dân

Hai năm (từ 11/2011 -11/2013) làm Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thống Nhất - huyện nông nghiệp, đa dạng ngành nghề, 95% đồng bào có đạo, nhiều nhất là đạo Thiên Chúa, ông Huỳnh Văn Tịnh vận dụng thật linh hoạt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách hài hòa.

Mặc dầu thời gian hạn hẹp, nhưng ông đã khéo thu xếp xuống cơ sở để hiểu rõ hơn tâm tư tình cảm và cuộc sống của người dân. Không những thế, thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo; hằng năm ông đều tham dự các buổi họp mặt với các chức sắc, lắng nghe ý kiến đóng góp của họ cả mặt được và chưa được đối với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội để chấn chỉnh uốn nắn cho tốt hơn. Trước thực tế huyện Thống Nhất là “thủ phủ” về chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh, cần tổ chức sao cho phù hợp để phát triển sản xuất đem lại lợi nhuận cao cho người dân, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…; từ đó đem lại một sinh khí mới ở nông thôn, an sinh xã hội được giữ vững và phát triển đúng với ý nghĩa: “Tốt đời, đẹp đạo”. Nhiều vị linh mục ở các nhà thờ trong huyện thường coi ông không chỉ là người lãnh đạo có tác phong sâu sát, gần gũi mà còn như là người bạn quý.

Trong 2 năm (2014 - 2015) làm Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, cùng với tập thể, ông đã tham mưu cho Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vai trò, trách nhiệm phải thực hiện tốt công tác dân vận, tôn giáo, dân tộc của cả hệ thống chính trị huyện. Đây là những vấn đề không mới, nhưng cần vận dụng thật phù hợp với từng đối tượng để tạo nên sự cộng hưởng trong hoạt động. Nhất là mặt dân chủ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Làm sao đó để chủ doanh nghiệp phải có cử chỉ thân thiện với người lao động trong nước. Đừng để họ bị ông chủ chèn ép như đây đó đã từng diễn ra. Công tác dân vận phải được thấu đáo là hết sức quan trọng nhằm mang lại sinh khí mới. Bởi an dân là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta mà sinh thời Bác Hồ thường đặc biệt quan tâm, nhắc nhở đội ngũ cán bộ.

Về Ban dân vận Tỉnh ủy mới chừng ấy thời gian đang ấp ủ bao dự định chưa thực hiện, lại được điều động sang làm Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho tới nay.

Ông Huỳnh Văn Tịnh tâm sự: Đối tượng phục vụ của Sở là người có công với cách mạng và người nghèo, mà đã là nghèo, thường yếu thế trong xã hội. Ngoài chủ trương của Đảng và Nhà nước, mình phải thực hiện cho đúng, cho đủ, điều cực kỳ hệ trọng là phải thấu hiểu tâm tư, tình cảm của đối tượng. Đây là đền đáp công ơn cho đối tượng được thụ hưởng chế độ chính sách của Nhà nước, chứ không phải ban ơn, phải giáo dục cho đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ trong hệ thống của ngành luôn luôn tâm niệm điều đó, làm ấm lòng người đã đổ máu, hy sinh cho dân, cho nước để chúng ta được hưởng hòa bình, hạnh phúc trong độc lập, tự do như hôm nay. Trước hết, bổn phận của chúng ta là phải đền đáp sao đó cho xứng đáng như sinh thời Bác Hồ từng căn dặn.

Một đôi lần được gặp gỡ, trao đổi với anh chị em từng trực tiếp công tác với ông Huỳnh Văn Tịnh, thủ trưởng của mình, họ đều có chung nhận xét: Ông là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị mà tính cách thật giản dị, gần gủi chan hòa với mọi người. Luôn thấu hiểu tâm tư tình cảm của cấp dưới để chia sẻ với họ. Đúng là người “làm quan mà không cách” chút nào. Đội ngũ lãnh đạo mà được nhiều người như thế thì tốt cho dân biết mấy.

Hình ảnh quen thuộc của ông Huỳnh Văn Tịnh là thường đi xe gắn máy tới cơ quan trước khoảng 6giờ 30 đã có mặt tại trụ sở - ít khi đi ô tô, trừ trường hợp xuống các huyện công tác. Họ còn đề cập chi tiết về người lãnh đạo của mình thế này: Trong cuộc họp cơ quan trước lúc nghỉ Tết Đinh Mão 2017, Sau khi chúc mọi người và gia đình chuẩn bị vui Tết, đón Xuân, an toàn, tiết kiệm. Ông không quên căn dặn: Cả năm công việc bận rộn, chỉ có mấy ngày Tết nên dành hết cho gia đình, người thân. Ta gặp nhau đây là được rồi, tôi yêu cầu anh chị em không đến nhà thủ trưởng, như thế hợp lý hơn. Nghe ông căn dặn bằng cả tấm chân thành, không ai dám trái lời. Một lần khác trên đường đi công tác về gặp mưa to, mặt đường đọng nước. Theo quán tính, anh tài xế vẫn không giảm tốc độ xe nên nước bắn lên người đi đường. Sau đó ông điềm tĩnh nhắc nhở một cách nhẹ nhàng: Họ đã phải dầm mình trong mưa vì công việc, ta được ngồi trong xe khô ráo thế này lại còn “bồi” thêm cho họ lượng bùn đất vào người, ai mà chịu được? Lần sau anh lưu ý dùm tôi điều này nhé! Anh tài xế biết mình có lỗi, không thanh minh, thanh nga gì. Nhưng hẳn đó là bài học sâu sắc đối với mình qua lời thủ trưởng trực tiếp nhắc nhở.

Lại nói về tiết kiệm. Ngay cả sử dụng xăng xe, tiếp khách, chi tiêu, ông thống nhất trong cơ quan là hạn chế tối đa. Sau một thời gian thành nền nếp, ai cũng thấy vui vẻ mà lại có lợi cho sức khỏe, giảm được khoản chi tiêu không cần thiết dành cho gia đình. Thời kỳ còn làm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, có lần ông được khen thưởng, ngoài Bằng khen còn có tiền. Khoản tiền ấy, ông xin gửi lại cơ quan với lý do đơn giản: Góp chút gọi là để tăng quỹ phúc lợi, cuối năm chia cho anh chị em. Cử chỉ ấy làm ai cũng thấy thấm thía.

Ông Huỳnh Văn Tịnh trải lòng: Tôi luôn lấy nội dung bài viết “Dân vận” của Bác để làm phương châm hành động.  Càng đọc càng thấm để soi rọi vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo hàng ngày của mình về vai trò gương mẫu của người đứng đầu như Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ: Học tập Bác từ những điều giản dị để có được hình ảnh người đại biểu nhân dân trong mắt cử tri với cả niềm tin tưởng, yêu mến - Đối với ông Huỳnh Văn Tịnh là như vậy.

Nguyễn Quốc Hoàn

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN