Thứ Năm, 28/11/2024
Người Mặt trận trên mặt trận chống Covid: Đoàn kết lòng người, vững tâm vượt khó
Nhiều em học sinh chắt chiu từng đồng tiền nhỏ bé ủng hộ cuộc chiến chống Covid-19.

1. Tinh thần đoàn kết cộng đồng vốn là ADN của người Việt. Càng khó khăn, tinh thần đoàn kết càng toả sáng. Thường ngày, cuộc sống bộn bề khiến những nét tính cách ấy ẩn đi. Nhưng đối mặt với “thử thách” mang tên Covid-19, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tiếp đó là sự vào cuộc của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, tinh thần đoàn kết trỗi dậy mạnh mẽ.

Mặt trận đã vào cuộc ngay từ những ngày Việt Nam có ca lây nhiễm đầu tiên. Từ ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận đã “kích hoạt” việc tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong toàn hệ thống.

Nếu như những ngày đầu, Mặt trận và các tổ chức thành viên tập trung làm công tác tuyên truyền thì những ngày tiếp theo bắt đầu thực hiện các giải pháp vừa là tuyên truyền nhưng cũng vừa là người thực hiện. 

Ngày 17/3, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và thống nhất của Thủ tướng Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động toàn dân phòng chống dịch Covid-19, cũng tại đây, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.

Ngay sau Lễ phát động, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã triển khai hết sức khẩn trương, phân công từng đồng chí trong Ban Thường trực, lãnh đạo, cán bộ các ban đơn vị của Mặt trận ở cơ quan Trung ương thiết lập ngay văn phòng tiếp nhận để thu nhận các nguồn đóng góp ủng hộ.

Tương tự như vậy, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, các địa phương trên cả nước cũng giao cho MTTQ chủ trì mở tài khoản đồng thời thành lập bộ phận thường trực để tiếp nhận ủng hộ phòng chống Covid-19.

Ngoài việc tiếp nhận, người Mặt trận còn phải tính đến việc phân bổ sao cho đảm bảo đúng đối tượng, đảm bảo về mặt thời gian và đặc biệt không để xảy ra sai sót.

Tinh thần đó đã được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Trần Thanh Mẫn quán triệt ngay từ đầu. Tinh thần của Mặt trận là vừa tiếp nhận, phân bổ vừa giám sát. Tất cả những hoạt động này phải đảm bảo tính công khai.

Hoạt động này bắt đầu diễn ra trong thời điểm Việt Nam bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 cùng với những diễn biến mới đầy cam go thử thách, đã cho thấy tinh thần Mặt trận, tấm lòng Mặt trận trong những thời điểm khó khăn của đất nước.

Là một trong những thành viên của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đón tiếp các đoàn ủng hộ, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, ông đã được đón tiếp rất nhiều đoàn đại diện cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại ngôi nhà Mặt trận ở 46 Tràng Thi, Hà Nội. Cảm xúc đầu tiên là vui mừng.

“Không vui mừng sao được khi điều mình làm là đúng, đi vào lòng người và được mọi người ủng hộ. Hơn nữa, trong tất cả các tổ chức, cá nhân, mọi người đến đóng góp không phải đơn vị nào, cá nhân nào cũng có điều kiện cả. Cơn bão đại dịch gây ra những đứt gãy cho nền kinh tế. Không chỉ doanh nghiệp gặp khó mà người dân cũng khó khăn nhưng họ vẫn tích cóp những đồng tiền tiết kiệm, thu nhập hàng ngày của mình sẵn sàng sẻ chia mang đến Mặt trận với một mong muốn là cùng chung tay với Đảng, Nhà nước, Chính phủ để nhanh chóng dập dịch” - Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hầu A Lềnh chia sẻ.

2. Cho tới bây giờ, sau 6 tháng phát đi Lời kêu gọi, cánh cổng trụ sở Mặt trận từ trung ương đến các địa phương vẫn tấp nập những dòng người tìm về, mỗi người một tấm lòng gửi đến Mặt trận.

Cũng chính từ phong trào ủng hộ phòng chống Covid-19, khắp phố thị cho đến làng quê, hay những vùng sâu, vùng xa còn nhiều gian khó, người với người gần gũi nhau hơn để vượt qua khó khăn chung.

Có những cô thợ may bình dị, cũng tự tay may hàng nghìn chiếc khẩu trang để tặng mọi người; có bà cụ già gần đất xa trời, dành dụm tiền bán rau hàng ngày, tự tay đem số tiền nhỏ nhoi, cùng chục trứng, cân gạo dặn dò cán bộ Mặt trận gửi đến chiến sĩ canh biên giới, tới bác sĩ đang túc trực chữa trị cho bệnh nhân...

Khi hỏi cán bộ MTTQ TP Hà Nội về những tấm lòng hảo tâm chống dịch, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Ra ngõ gặp điển hình”. Đấy không phải là một vài tấm gương, mà là vô vàn những điều cảm động. Đây cũng không chỉ là chuyện của riêng Hà Nội mà khắp nơi trên cả nước, đâu đâu cũng có những hình ảnh xúc động về tinh thần ủng hộ phòng chống dịch bệnh.

Nhờ sự đồng lòng ấy, cho đến nay, đã có hơn 2.200 tỷ đồng ủng hộ và đăng ký ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 thông qua MTTQ Việt Nam các cấp. Nói như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thì “đây là con số ủng hộ lớn nhất từ trước đến nay”.

Điều này thể hiện cho niềm tin của người dân vào sự công khai minh bạch của Mặt trận trong công tác tiếp nhận hỗ trợ, phân bổ và giám sát hỗ trợ. Nhưng lớn hơn cả một con số là những ân tình mà người Việt Nam đã dành dụm cho nhau. Đó cũng là tài sản vô giá, là truyền thống “tương thân tương ái” bao đời của người Việt Nam. Có thể nói, chưa bao giờ sự tin tưởng,  đồng lòng, quyết tâm của toàn dân tộc lại dâng cao như lúc này.

Vì vậy, hơn 2.200 tỷ đồng chưa phải là con số cuối cùng vì người dân vẫn tìm đến Mặt trận để trao gửi tấm lòng, thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước và Chính phủ quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đồng chí Trần Thanh Mẫn, với tư cách là người đứng đầu MTTQ Việt Nam, khi trình bày bản Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đã trân trọng nhắc đến những nghĩa cử này.

Từ diễn đàn Quốc hội, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn gửi lời cảm ơn đến đồng bào, cán bộ, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết một lòng tích cực ủng hộ cũng như thực hiện phòng chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua. Đây chính là sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

3. Có thể thấy rằng, trong từng thời điểm cụ thể, công tác phòng chống dịch của nước ta nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường trực Chính phủ; sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị; sự hưởng ứng của toàn dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân”.

Cũng đồng nghĩa với việc này, trong từng thời điểm cụ thể, Mặt trận lại có thêm quyết sách mới, nhiệm vụ mới để đảm bảo sự thích ứng kịp thời với những biến động của từng giai đoạn, kề vai sát cánh cùng đất nước để vượt qua thử thách. Sự thích ứng được thể hiện một cách sâu sắc và toàn diện hơn bằng nhiều phương pháp thực hiện.

Tại các địa phương, Mặt trận đã có nhiều hình thức năng động, sáng tạo khác nhau để tham gia phòng chống dịch hiệu quả. Trong đó, Mặt trận vừa là người tuyên truyền kêu gọi người dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, vừa là người thực hiện tham gia chốt chặn nguồn lây từ địa bàn dân cư thông qua những tổ giám sát cộng đồng do Mặt trận phối hợp cùng các bên liên quan thành lập.

Ở các tổ dân phố, thôn, làng, mỗi khi xuất hiện ca bệnh, cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Với tinh thần “tấn công” không ngừng nghỉ, chỉ ít giờ sau khi phát hiện ca bệnh, gần như tất cả các đối tượng F1, F2 được khoanh vùng.

Điển hình như ca bệnh 416 tại TP. Đà Nẵng chỉ trong 36 giờ, toàn bộ 1.079 đối tượng tiếp xúc F1, F2 và kể cả F3 đã được xác định, khoanh vùng. 36 giờ ấy là khoảng thời gian làm việc không ngừng nghỉ để làm sao xác định các ca tiếp xúc nhanh nhất. Đội ngũ cán bộ Mặt trận vào cuộc không chỉ với tinh thần “giờ vàng nữa”, mà mỗi phút quý như vàng.

Có thể nói đây là một trong những kinh nghiệm quý giá của công tác phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam. Việc khoanh vùng, truy vết các đối tượng một cách nhanh chóng, khẩn trương đã góp phần rất lớn vào việc chặn đứng các nguồn lây của dịch bệnh từ cộng đồng mỗi khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Không chỉ vận động, tiếp nhận ủng hộ, tham gia phòng chống ở các Tổ giám sát cộng đồng, người Mặt trận còn thực thi trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội, cũng như trách nhiệm giám sát.

Đó là lúc gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ ra đời được xem như là phao cứu sinh đối với khoảng 20 triệu người gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Do vậy để chính sách kịp thời đến đúng đối tượng, không để xảy trường hợp nào có tiêu cực trong thực hiện ở các cấp, các ngành, các địa phương, đồng chí Trần Thanh Mẫn đã nêu cao trách nhiệm giám sát của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, phối hợp cùng ngành Lao động -Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, chính quyền địa phương phải: “Phối hợp chặt chẽ -Tuyên truyền rộng rãi - Phân công cụ thể - Hướng dẫn rõ ràng -Triển khai bài bản - Kết quả công khai”.

Trên tinh thần đó, MTTQ các tỉnh, thành phố, phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động -Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu. Có thể thấy, nếu không có sự vào cuộc của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thì việc triển khai gói hỗ trợ an sinh này chắc chắn sẽ lâu hơn, sự thiếu sót, sai sót về đối tượng khả năng sẽ nhiều hơn. Và việc triển khai chính sách không thể nhanh như bây giờ.

Vì một chính sách đến được với dân phải mất 1 năm, từ khâu ban hành rồi phân bổ và tổ chức thực hiện. Cho nên với một số lượng tiền lớn là 62 ngàn tỷ đồng nhưng chỉ triển khai trong vòng có 3 tháng – chưa có chính sách nào lại có kết quả triển khai nhanh như vậy.

Giá trị của bất cứ chính sách hỗ trợ nào cũng đều nằm ở mục đích và thời điểm mà nó ra đời. Nếu một chính sách hỗ trợ không kịp thời đến với người được thụ hưởng sẽ giảm ý nghĩa thực tế mà gói hỗ trợ muốn hướng đến, đó là đúng và trúng thời điểm. Kết quả triển khai nhanh của gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng có được là một phần rất lớn ở sự quyết liệt, quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống Mặt trận.

4. Để thực hiện thành công hai nhiệm vụ vừa phòng chống dịch vừa phát triển phục hồi kinh tế có thể nói, ở vai trò là trung tâm kết nối của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận tiếp tục đặt ra trách nhiệm phải làm sao cho nhân dân hiểu rõ, quyết tâm và chủ động trong thực hiện hai mục tiêu này.

Sau Kết luận 77-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục về tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Nghị quyết 84-NQ/CP của Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân cho vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Mặt trận lại là cơ quan đầu tiên ban hành Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về vận động toàn dân tham gia phục hồi phát triển kinh tế, tiếp tục tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 để triển khai trong toàn hệ thống.

Trọng tâm của Nghị quyết này là phát huy vai trò của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cùng với đó, Mặt trận tham gia vận động cộng đồng doanh nghiệp, người dân thực hành tiết kiệm để dành nguồn lực khôi phục kinh tế, cơ cấu lại sản xuất để tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân.

Nhiều năm qua, với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn rất trăn trở với câu chuyện làm thế nào để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Ông đã dành thời gian làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương để nêu cao tinh thần chủ đạo của Cuộc vận động này.

Trong đó người đứng đầu MTTQ Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò của các Ban chỉ đạo, các đơn vị liên quan cần tiếp tục cố gắng, sáng tạo, tìm ra cách làm phù hợp với thực tiễn trong triển khai thực hiện Cuộc vận động nhằm phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của người Việt, nâng cao chất lượng, uy tín của hàng hóa Việt Nam.

Với tinh thần này, ở vào thời điểm cả đất nước bắt đầu tiến hành phục hồi và phát triển nền kinh tế , việc MTTQ Việt Nam làm mới cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng cách tổ chức phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” là tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết của người dân, ý chí tự lực tự cường của người dân.

Bởi vì chúng ta không còn con đường nào khác, không thể trông chờ vào ai trong lúc này ngoài việc chúng ta phải tự mình vươn lên.

5. Đất nước đã bước sang năm độc lập thứ 75, nhìn lại hành trình của dân tộc, không ít lần phải đứng trước những thử thách sinh tồn và để vượt qua những thách thức ấy, luôn có sứ mệnh của người Mặt trận.

Trong đại dịch toàn cầu Covid-19 cũng vậy, thông qua những cách làm, việc làm cụ thể, đích đến cuối cùng của Mặt trận là kêu gọi từng người dân trong nước và ở nước ngoài chung tay, một lòng góp sức chiến đấu với dịch bệnh. Đó chính là hình ảnh tiêu biểu nhất để Việt Nam trở thành biểu trưng sức mạnh của tình đoàn kết trước thử thách mang tính toàn cầu.

Đoàn kết là sức mạnh vượt qua mọi lực cản. Và để kết nối, nhân lên tinh thần đoàn kết ấy, hơn lúc nào hết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trải qua 90 năm thực hiện sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục thể hiện trách nhiệm của mình trong giai đoạn gian khó này.

Như đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã khẳng định: “MTTQ Việt Nam tiếp tục xác định vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc phát huy sức mạnh, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của gần 100 triệu người dân Việt Nam trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức”.

Hành trình của người Mặt trận trên mặt trận chống Covid-19 là hành trình của nhiệt huyết và yêu thương. Đặc biệt, những bài học từ phòng chống dịch bệnh, mà điểm nhấn nằm ở Lời kêu gọi của Mặt trận để đoàn kết lòng người, vững tâm vượt khó sẽ còn giá trị cho đến mai sau trong nhiều lĩnh vực. Bởi vượt lên tất cả, là chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.

Đó là cơ sở để chúng ta tin vào sức mạnh Việt Nam, để Việt Nam sớm có chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

* MTTQ Việt Nam tiếp tục xác định vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc phát huy sức mạnh, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của gần 100 triệu người dân Việt Nam trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.

* Thống kê của UBTƯ MTTQ Việt Nam, đến nay, toàn quốc đã tiếp nhận ủng hộ bằng tiền và hiện vật trị giá trên 2.200 tỷ đồng, trong đó UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp nhận hơn 1.100 tỷ đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tiếp nhận hơn 1.140 tỷ đồng. Hiện toàn bộ số tiền và hiện vật tiếp nhận ủng hộ từ các nhà tài trợ đã được UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế chuyển đến các đơn vị mua các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ các cơ sở y tế, những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra kịp thời đảm bảo theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính.

* Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có liên quan cần có đánh giá tổng quan về tình hình việc làm và thất nghiệp tác động ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đi sâu đi sát từng lĩnh vực, từng địa bàn khu dân cư từ đó có giải pháp chỉ đạo. Đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị vào mùa mưa, bão lũ, thiên tai, tình hình người dân lao động, nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung gói hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, các lĩnh vực gặp khó khăn từ đại dịch Covid-19 và có biện pháp, có cách thức để doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ.

(daidoanket.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất