Thứ Sáu, 19/4/2024
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam góp ý các Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng
 

 Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu khai mạc hội nghị.


Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh đất nước nước trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020.

Những thành tựu to lớn đạt được đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đại hội XIII của Đảng sẽ quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề nghị các cấp Công đoàn tổ chức quán triệt, giới thiệu sâu rộng các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; vận động đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; tổng hợp, báo cáo đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời các nguyện vọng tâm huyết, xác đáng của người lao động.

Đồng chí Trần Thanh Hải cũng cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức 3 hội nghị góp ý cấp Tổng Liên đoàn. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là dịp phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ của cán bộ, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ tham gia với Đảng trong việc xây dựng, hoạch định đường lối, chủ trương, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời, cũng là dịp để tổ chức Công đoàn Việt Nam nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, CNVCLĐ, đặc biệt là những chế độ, chính sách liên quan đến xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam để nghiên cứu, đề xuất, bổ sung vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Đặc biệt, từ Tổng LĐLĐ Việt Nam đến các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương tiến hành thảo luận, góp ý vào những nhóm vấn đề cụ thể, quan trọng, liên quan trực tiếp đến công nhân, công đoàn để nhận thức toàn diện, kiến giải thêm dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Với chủ đề “Đổi mới chính sách đối với người lao động trong quá trình đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ, góp ý bổ sung 11 vấn đề đề cập trong dự thảo văn kiện liên quan đến chủ đề hội nghị. Đó là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, tạo cơ sở đẩy mạnh, phát triển kinh tế số; cải cách chính sách tiền lương theo hướng tiệm cận với giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc…

Tiền lương phải bảo đảm cuộc sống, công bằng xã hội

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đăng Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Quảng Trị cho rằng, Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng cần đề cập thêm tiền lương phải bảo đảm đời sống của người hưởng lương và công bằng xã hội. Nếu không có công bằng xã hội thì dễ dẫn đến phân tầng trong xã hội và mâu thuẫn giai cấp. Đồng chí Nguyễn Đăng Bảo đề nghị không vì thu hút đầu tư mà xem nhẹ việc đãi ngộ tiền lương của người lao động, quản lý và giám sát thật tốt việc trả lương đúng với giá cả sức lao động; quan tâm đến ý kiến đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam về vấn đề tiền lương tối thiểu hàng năm.

Theo đại diện LĐLĐ Thành phố Đà Nẵng, tiền lương không chỉ là thu nhập của riêng người lao động, mà chính là vấn đề uy tín của bộ máy Nhà nước trong việc hoạch định chính sách, là phục vụ yêu cầu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, tương thích với công vụ các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính những điều này góp phần làm gia tăng các giá trị xã hội.

Qua 5 lần cải cách tiền lương đã cải thiện phần nào cuộc sống của người lao động. Song chính sách tiền lương vẫn còn nhiều bất cập và hiện nay tiền lương của cán bộ, công chức có xu hướng ngày càng thấp so với thị trường, mức lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng được 90-95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Việc trả lương thấp, không tương xứng với công sức của người lao động đã dẫn đến quan hệ lao động căng thẳng và ngừng việc tập thể gia tăng, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp FDI.

Đồng chí Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh, sau khi phân tích thực tiễn tình hình chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động của lao động Việt Nam hiện nay đã cho rằng, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Thể hiện trách nhiệm, quyền làm chủ khi đóng góp ý kiến

Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đánh giá cao cách thức chỉ đạo, tổ chức của Tổng LĐLĐ Việt Nam để góp ý vào các dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí Phạm Văn Linh cho biết, Đại hội XIII của Đảng không chỉ đề ra các chủ trương, chính sách, chương trình hành động trong 5, 10 năm mà còn có tầm nhìn xa hơn hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước (1945 - 2045).

Quá trình chuẩn bị dự thảo các văn kiện của đại hội được chuẩn bị công phu, khoa học, nhưng vẫn cần có sự đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong các lĩnh vực cụ thể. Việc đóng góp này không chỉ là thực hiện sự dân chủ mà còn mong muốn phát huy được hết trí tuệ, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân để đóng góp cho các văn kiện một cách tốt nhất, hoàn thiện nhất, và phải mang hơi thở cuộc sống.

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện sự gần gũi, phản ánh tình hình thực tế, khát vọng chung của cả dân tộc, trong đó có tổ chức công đoàn CNVCLĐ và mở ra tương lai cho đất nước. Các ý kiến đã thể hiện có việc nghiên cứu dự thảo các văn kiện rất sâu sắc, đóng góp chất lượng, tâm huyết.

Đồng chí Trần Thanh Hải nhấn mạnh: “Chúng ta cần có trách nhiệm cao hơn nữa, thể hiện quyền làm chủ của mình khi đóng góp cho các dự thảo văn kiện, và thể hiện tâm thế sẵn sàng thực hiện nghị quyết của đại hội. LĐLĐ các tỉnh, thành, công đoàn ngành phải thực hiện nghiêm về việc tổng hợp ý kiến đóng góp của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng trước ngày 10.11, để Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp báo cáo các cơ quan chức năng”.

(laodong.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất