Thứ Năm, 28/11/2024
Phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của toàn dân

 

Dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân vào dự thảovăn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: “Việc tham gia ý kiến của các cụ, các vị, các đồng chí chính là tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của toàn dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045”.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh, các ý kiến sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; làm cho ý Đảng hợp với lòng dân; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn trân trọng nhắc lại đề nghị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về nội dung của văn kiện, trong đó nêu rõ: văn kiện Đại hội là một văn kiện rất quan trọng, vừa mang tính lý luận cao, tính thực tiễn sâu sắc và tính chính trị chỉ đạo cho lâu dài, tồn tại mãi mãi trong lịch sử của Đảng, của đất nước.

Do vậy, phải có tầm nhìn chiến lược; phải làm cho chặt chẽ, chắc chắn, diễn đạt cho rõ ràng, không được sơ hở gây hiểu lầm. Văn kiện phải có tính quần chúng, giản dị, ai đọc cũng hiểu… viết sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra”.

“Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác phải lấy đó làm hồn cốt, làm gốc, không được trùng lắp, nhưng cũng không được trái, khác với Báo cáo chính trị. Trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, những vấn đề gì, việc nào đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh, các ý kiến thống nhất cao thì đưa vào báo cáo. Còn những vấn đề đang tranh luận, mới hoặc có nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, thận trọng, khách quan”, đồng chí Trần Thanh Mẫn dẫn lời Tổng Bí thư – Chủ tịch nước để nêu bật lên tinh thần của việc góp ý vào văn kiện.

Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, văn kiện lần này có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, kế thừa từ các nhiệm kỳ trước, cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước.

Nếu trước đây ta mới chỉ ghi "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh", thì lần này, dự thảo đề xuất "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh".

“Như vậy, dự thảo báo cáo đã bổ sung cả "hệ thống chính trị" bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội”, đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Nhắc tới việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, dự thảo đã bổ sung yếu tố dân chủ gắn với vận mệnh dân tộc, đất nước vào thời đại, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với thời đại.

Đặc biệt là xây dựng xã hội chủ nghĩa cũng bổ sung những nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí để phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc.

“Cùng với đó, Văn kiện vẫn coi việc nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh. Dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước”, đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Một vấn đề được đồng chí Trần Thanh Mẫn đề cập tới đó là từ Đại hội XI, XII, Đảng ta đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược là: thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng.

Lần này, dự thảo văn kiện tiếp tục khẳng định: thể chế là hành lang pháp lý; nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển và gắn với đó là hạ tầng, kết cấu hạ tầng.

Chính bởi vậy, trong từng giai đoạn phát triển phải xác định được nội hàm của từng khâu đột phá chiến lược đó.

Theo kế hoạch, Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức 4 hội nghị xin ý kiến:  của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam; Các Hội đồng tư vấn; Các tổ chức thành viên; Các nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. 

(daidoanket.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất