Thứ Bảy, 20/4/2024
Nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng
 
Quang cảnh Hội nghị 

 

Cùng chủ trì Hội nghị có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Dự Hội nghị còn có các đồng chí: Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại diện các Tiểu ban Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cùng các đại biểu là nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Trong những năm qua, MTTQ Việt Nam thường xuyên nhận được những ý kiến đóng góp quan trọng của các vị nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, chức sắc các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc tham gia ý kiến của các cụ, các vị, các đồng chí sẽ góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo văn kiện trình Đại hội, đảm bảo các yêu cầu cơ bản như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh: Văn kiện Đại hội phải có tầm nhìn chiến lược, diễn đạt phải chặt chẽ, chắc chắn, rõ ràng. Văn kiện phải có tính quần chúng, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra.

Đây là hội nghị thứ 3 trong tổng số  4 hội nghị do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức nhằm xin ý kiến vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Phát huy tinh thần làm việc của hai hội nghị góp ý trước, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn đại biểu tham dự nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn, chân thành, góp ý chung vào các dự thảo văn kiện hoặc một số vấn đề cụ thể, tâm đắc đã nghiên cứu sâu hay qua tổng kết thực tiễn. “Mong các cụ, các vị, các đồng chí góp ý sâu sắc hơn vào những đánh giá kết quả, nhận định tình hình và yêu cầu tập hợp, xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; về nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, cũng như đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân”, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Tại Hội nghị, các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài tập trung cho ý kiến góp ý vào: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

 
Đồng chí Trương Thị Mai trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị 


Nhìn chung, các ý kiến cơ bản tán thành và đánh giá cao công tác chuẩn bị các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm đổi mới, đầy đủ, toàn diện, có tính kế thừa kinh nghiệm các Đại hội trước, nhất là Đại hội XII. Phần hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được thẳng thắn nhìn nhận. Phương hướng cho nhiệm kỳ tiếp theo đã thể hiện các mục tiêu phát triển đất nước tương đối rõ ràng

Các ý kiến tập trung đóng góp vào các nhóm vấn đề như: tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước sắp tới để nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia, tiếp tục làm rõ một số quan điểm, chủ trương lớn của Đảng về kinh tế; tiếp tục quan tâm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh; quan tâm phát triển văn hóa trong đó có tôn giáo; tiếp tục ban hành các chính sách cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi (xây dựng kết cấu hạ tầng, dạy tiếng và chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số…); tiếp tục làm rõ vai trò của khoa học xã hội, vai trò của các tổ chức quần chúng; phát huy quyền làm chủ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu là nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài tại Hội nghị này. Đây đều là các ý kiến sâu sắc, tâm huyết với tinh thần xây dựng, đóng góp cho Đảng. Các ý kiến đều có những điểm chung và điểm khác nhau, làm phong phú thêm nội dung các đóng góp của nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng.

 
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo Hội nghị 


Đồng chí Trương Thị Mai cho biết: Quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng khá lâu dài, khoảng 2 năm. Từ ngày 7/1/2019, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để định ra những nội dung lớn, kết cấu quan trọng của các dự thảo báo cáo, qua đó xác định Báo cáo Chính trị là trung tâm. Cùng với việc tổ chức đánh giá thêm tình hình thực tiễn về một số chủ trương, quan điểm lớn của Đảng để đảm bảo sự chính xác về nội dung khi đưa vào trong các dự thảo văn kiện, Tiểu ban Văn kiện đã cùng các địa phương tổ chức khảo sát tại nhiều nơi nhằm đánh giá, làm rõ thêm một số vấn đề lớn về mặt chủ trương, đường lối của Đảng. Sau đó, tháng 3/2020, các dự thảo văn kiện đã được gửi xuống đại hội cấp cơ sở, cấp trên cơ sở đóng góp lấy ý kiến, hoàn thiện. Ngày 20/10/2020, các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng đã được đăng tải toàn văn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đối với việc lấy ý kiến của nhân dân đối với các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng được thực hiện qua 2 kênh: Ban Tuyên giáo Trung ương tổng hợp thư của các tổ chức, cá nhân và góp ý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ban Dân vận Trung ương cùng với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức 24 cuộc góp ý kiến nhân dân.

Làm rõ một số điểm khác biệt giữa dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII so với các văn kiện của Đại hội XII, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Các dự thảo lần này không chỉ đánh giá 5 năm vừa qua (2016 - 2020) hay 5 năm tới (2021 - 2025) mà còn nhìn lại quá trình 35 năm đổi mới đất nước, nhìn lại việc thực hiện 30 năm Cương lĩnh 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020. Chặng đường tiếp theo xác định xây dựng phương hướng cho 3 mốc mục tiêu: 2025, 2030, 2045 và Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021 - 2030, thể hiện tầm tư duy xa hơn trong quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện.”

Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định, với trách nhiệm của mình, Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân vào văn kiện Ðại hội Ðảng ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp của các đại biểu đồng thời sẽ tiếp tục lắng nghe, tổng hợp các ý kiến đóng góp, chuyển cho Tiểu ban Văn kiện để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII của Đảng …

Tin và ảnh: Hà Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất