Về tình hình tư tưởng thanh niên
Mục đích mà thanh niên hiện nay lựa chọn phấn đấu đều gắn với những giá trị chung, hướng đến sự hoàn thiện, phát triển cá nhân và cả những lý tưởng xã hội cao đẹp trong đó các mục đích lớn nhất là: có một gia đình hạnh phúc; có cuộc sống sung túc, dư giả về tiền bạc; sống có ích, sống đẹp, sống tốt và được làm những gì mình thích (2). Có những bước phát triển mới trong ý thức của thanh niên về việc xem xét mối quan hệ giữa ý nghĩa của giáo dục, học vấn và năng lực đối với sự thành công của cá nhân, cũng như khả năng cống hiến và trách nhiệm của thanh niên đối với sự phát triển của đất nước. Hình mẫu con người lý tưởng mà thanh niên ngày nay đang hướng đến là con người có sức khoẻ, trí tuệ, giỏi chuyên môn, thông thạo công việc và năng động, sáng tạo, có ý chí tự lập, tự cường.
Về cơ bản, đã có sự thống nhất trong quan điểm, cách nhìn về mục tiêu, ý nghĩa cuộc sống và nội dung định hướng lý tưởng phấn đấu của thanh niên. Xét về phương diện nhận thức, lý tưởng phấn đấu của thanh niên hiện nay mong muốn hướng đến những giá trị cao đẹp. các biểu hiện có xu hướng rõ nét, mạnh mẽ nhất trong thanh niên hiện nay là: có khát vọng Việt Nam sớm trở thành nước phát triển; biết tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước cộng đồng; luôn ý thức về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng; có tinh thần đoàn kết, thương yêu những người xung quanh và có ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái bền vững. Mặc dù mức độ có thể chưa rõ nét hay còn băn khoăn trên một số nội dung, nhưng đa số thanh niên được điều tra đã xác định được lý tưởng phấn đấu của mình gắn với mục tiêu xã hội trong giai đoạn hiện nay và được thể hiện ở ý chí vươn lên, sự nỗ lực học tập, lao động để góp phần xây dựng đất nước.
Lý tưởng phấn đấu để trở thành một người đảng viên là một nguyện vọng lớn của nhiều thanh niên hiện nay. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận thanh niên cảm thấy khó khăn trong việc phấn đấu hoặc hoặc khẳng định không có nguyện vọng phấn đấu trở thành đảng viên vì một số lý do sau: sợ bị gò bó thực hiện theo các quy định của Đảng; chưa thực sự hiểu rõ mục tiêu, lý tưởng của Đảng; một số đảng viên hiện nay chưa gương mẫu trong lối sống, sinh hoạt; do lý lịch gia đình không phù hợp chứng kiến nhiều người phấn đấu nhưng mãi vẫn chưa được kết nạp Đảng hay vào Đảng khiến con người và suy nghĩ “già” trước tuổi (3). Đây là những lý do đáng phải lưu tâm trong công tác định hướng, giáo dục cũng như công tác phát triển đảng viên hiện nay.
Thanh niên về cơ bản ý thức được vai trò quan trọng của các môn khoa học về Chủ nghĩa Mác - Lênin đến nhân sinh quan, đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực cho thanh niên, giúp thanh niên nâng cao tư duy nhận thức chính trị, tư duy khoa học, hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với đất nước. Tuy nhiên, việc dạy và học các môn lý luận chính trị đang gặp không ít khó khăn cả về khách quan và chủ quan, khiến các môn học về chủ nghĩa Mác - Lênin chưa thực sự trở thành một bộ môn khoa học thu hút được sự hứng thú của đông đảo thanh niên (4). Về nguyên nhân khách quan, thanh niên cho rằng vấn đề đến từ người dạy và nội dung chương trình học, cụ thể là: cách thức giảng dạy còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn; nội dung giảng dạy chưa có nhiều đổi mới và đội ngũ giáo viên giảng dạy còn hạn chế về kiến thức và năng lực thực tiễn. Về nguyên nhân chủ quan, thanh niên cho rằng vấn đề đến từ cả chính bản thân thanh niên, cụ thể là: thanh niên còn thủ động, không biết liên hệ thực tiễn; thanh niên thiếu phương pháp áp dụng những điều được học vào thực tiễn và động cơ, thái độ của thanh niên chưa tích cực.
Thanh niên hiện nay đã bước đầu hình thành trong mình khát khao, hoài bão rèn luyện, phát triển bản thân, cống hiến cho đất nước, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở những địa bàn khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, việc lựa chọn cống hiến cho Tổ quốc hay làm việc ở những quốc gia có mức ưu đãi, đãi ngộ cao hơn cũng đang là vấn đề băn khoăn, trăn trở của không ít thanh niên, nhất là những người đã từng được học tập ở môi trường giáo dục quốc tế. Để giữ gìn và bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội, phần đông thanh niên sẵn sàng lên tiếng trước cái sai, cái xấu, cái tiêu cực, đặc biệt là có tinh thần đấu tranh với những luận điệu kích động, xuyên tạc, thù địch ảnh hưởng đến đất nước.
2. Về ý thức chính trị - xã hội của thanh niên
Bên cạnh các chương trình văn hóa, giải trí, thể thao, thanh niên hiện nay đang có sự quan tâm nhất định đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế, đặc biệt là các tin tức về tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, tình hình an ninh, chủ quyền của đất nước cũng như việc giải quyết các vấn đề tồn tại, bức xúc trong xã hội(5). Tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước là vấn đề được nhiều thanh niên bàn luận, trao đổi, bày tỏ ý kiến để thực hiện quyền công dân tham gia xây dựng và quản lý nhà nước dù còn có sự e dè nhất định trong việc thể hiện suy nghĩ của mình trước những chủ đề mang tính chính trị hoặc những tồn tại, hạn chế, bất cập trong xã hội. Thanh niên cũng dành sự quan tâm nhất định đến chính sách, pháp luật nhưng chưa thực sự chủ động trong việc tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước mặc dù đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người thanh niên. Họ có niềm tin mạnh mẽ đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và đối với chính sách, pháp luật, đặc biệt trong việc khắc phục khó khăn, chiến thắng dịch bệnh, hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế và sẽ đạt được nhiều mục tiêu, thành tựu chiến lược đã đặt ra trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Thanh niên hiện nay có thái độ tích cực đối với giá trị văn hoá dân tộc, giá trị truyền thống của người Việt Nam và có tình yêu đối với đất nước, Tổ quốc, tinh thần tự cường dân tộc, ý thức về chủ quyền đất nước và thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xã hội chủ nghĩa (6). Họ thực hiện nhiều hoạt động khác nhau để thể hiện lòng yêu nước của mình, đó có thể là sẵn sàng đứng lên tham gia đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tham gia tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hay đơn giản thông qua các hành động kêu gọi, cổ vũ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc trên internet, mạng xã hội. Việc thể hiện lòng yêu nước và trách nhiệm của người công dân đã được phát động rộng rãi trong thanh niên, được lồng ghép vào các phong trào, hành động của tuổi trẻ cả nước như hoạt động tình nguyện xã hội; phát triển kinh tế tại các địa bàn khó khăn; tham gia học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tham gia bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp,… thu hút được số lượng lớn thanh niên tham gia. Tuy nhiên, để yên tâm tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, tình nguyện thì việc đảm bảo quyền lợi, chế độ, chính sách cho thanh niên cũng là điều được nhiều bạn trẻ kì vọng, mong mỏi.
Một số kiến nghị giải pháp chủ yếu để tăng cường giáo dục tư tưởng, ý thức chính trị - xã hội cho thanh niên trong thời gian tới
Đối với Đảng, Nhà nước: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thực hiện việc đa dạng hóa các chương trình giáo dục tư tưởng, ý thức chính trị - xã hội, thi đua, học tập, rèn luyện để thanh niên có điều kiện tham gia. Sáng tạo trong việc truyền tải nội dung giáo dục tư tưởng, lí luận chính trị, giúp thanh niên hiểu đúng và đủ về bản chất của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước xã hội chủ nghĩa và cách vận dụng kiến thức lý luận vào học tập, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ đất nước.Mở rộng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Công bố các chính sách, chỉ thị được chính phủ ban hành trong thời gian sắp tới, đưa thanh niên trở thành một trọng tâm trong xây dựng chính sách, đảm bảo điều kiện, môi trường cho thanh niên phát triển. Có chính sách đãi ngộ rõ ràng, xây dựng môi trường làm việc cạnh tranh, bình đẳng, thân thiện để thu hút thanh niên có tài năng. Đảm bảo chế độ, chính sách, ưu đãi, đãi ngộ cho thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Xây dựng nhiều biện pháp thu hút sự quan tâm của thanh niên đến những vấn đề có liên quan đến tình hình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương và toàn bộ đất nước; tổ chức các phong trào học tập và tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tình hình tâm trạng, tư tưởng thanh niên, chủ động đối thoại, lắng nghe ý kiến của thanh niên, tạo không gian bình đẳng, thân thiện, cởi mở để thanh niên được chủ động phát huy sức trẻ, sự sáng tạo để đóng góp, hiến kế xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh.
Đối với Đoàn Thanh niên: Cần xây dựng, định hướng, lồng ghép và lan toả trong các phong trào thanh niên về hình mẫu thanh niên thế hệ mới với lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khát khao, hoài bão và những giá trị đạo đức tốt đẹp. Chú trọng “giáo dục tố chất” cho thanh niên, đó là định hướng, tạo điều kiện tiền để thanh niên phát triển cả về thể chất và tâm hồn, khiến cho tất cả thanh niên đều được phát triển hết tiềm năng của mình từ đó thúc đẩy quá trình chuyển hóa ý thức xã hội bên trong phẩm chất tâm lý của cá thể từng người. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục về nội dung giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống; nêu gương người tốt, việc tốt, đặc biệt là những hình mẫu, tấm gương thanh niên có thành tích xuất sắc, vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, trong bảo vệ môi trường. Chủ động cung cấp thông tin, định hướng thông tin chính thống cho thanh niên trên internet, mạng xã hội, đặc biệt là trên 4 mạng xã hội phổ biến nhất trong thanh niên hiện nay là Facebook, Zalo, Tiktok và Instagram; định hướng cho thanh niên biết cách ứng xử, phòng tránh trước các thông tin có nội dung xấu, tiêu cực ảnh hưởng đến thanh niên. Phát triển nhiều hình thức bồi dưỡng mới về các môn khoa học về Chủ nghĩa Mác - Lênin cho thanh niên, đặc biệt thông qua hình thức online, nhằm phát huy sự tiến bộ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư. Xây dựng các diễn đàn đối thoại, trao đổi của thanh niên, trong đó chú trọng mở rộng các cuộc đối thoại giữa các thế hệ, giữa những người có uy tín trong xã hội về lý tưởng, lẽ sống, quan điểm về cuộc sống, về nghề nghiệp, về tình bạn, tình yêu, đời sống văn hoá... trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đoàn thanh niên cần có cơ chế hỗ trợ giúp đỡ đoàn viên, thanh niên rèn luyện, phấn đấu được kết nạp vào Đảng để cống hiến và trưởng thành, thực hiện lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đối với bản thân thanh niên: Cần phát huy vai trò tinh thần tự học, tự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của bản thân; chuẩn bị hành trang cho mình bước vào cuộc sống, cụ thể là: sức khoẻ, động cơ phấn đấu, phẩm chất ý chí, trình độ học vấn, năng lực thực tiễn, khả năng sáng tạo, kỹ năng sống... Thanh niên cần xây dựng cho mình có những cảm xúc đúng đắn và tránh những cảm xúc sai lệch, đặc biệt là trước các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, của dân tộc. Thanh niên sống phải có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, có kỹ cương, kỹ luật; tích cực đấu tranh với các biểu hiện thói hư, tật xấu, tiêu cực, vô cảm; kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhưỡng với các quan điểm sai trái, xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Như vậy, trước bối cảnh của tình hình đất nước và quốc tế hiện nay, thanh niên Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò và sứ mệnh của mình, nâng cao ý thức trách nhiệm, không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ tri thức, đạo đức cách mạng, trau dồi bản lĩnh chính trị, đi đầu trong cuộc đấu tranh chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây chính là điều thể hiện sự phát triển trong tư tưởng và nhận thức chính trị xã hội của thanh niên trong thời đại mới./.
ThS. Nguyễn Văn Quý, Viện Nghiên cứu Thanh niên
----------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021),Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.168.
(2), (3), (4), (5), (6) Nguyễn Văn Quý (2021), Kết quả nghiên cứu đề tài “Điều tra đánh giá tình hình thanh niên Việt Nam 2021”, Viện Nghiên cứu Thanh niên.