|
Nông dân tỉnh Nam Định tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng Nông thôn mới
(Ảnh: baonamdinh.vn)
|
Nhằm góp phần thực hiện Chương trình xây dựng NTM, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ, hội viên nông dân. Trong đó, nội dung tuyên truyền tập trung vào việc nâng cao vai trò chủ thể của nông dân trong tham gia xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng NTM, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng và giữ gìn đời sống văn hóa xã hội, môi trường ở nông thôn.
Bên cạnh đó, để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”, hội viên nông dân được tạo điều kiện thảo luận dân chủ, bàn bạc, quyết định việc cần làm trước, việc làm sau, phù hợp với nguồn lực của địa phương. Đồng thời, Hội Nông dân đã vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, hiến đất, đóng góp công sức làm đường thôn xóm, liên thôn, liên xã (các hộ nông dân đã hiến được 2.150ha đất), hướng dẫn nông dân tự chỉnh trang khuôn viên gia đình xanh, sạch đẹp, xây dựng mỗi cơ sở Hội một mô hình thu gom rác thải,…
Đặc biệt, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được xác định là phong trào trọng tâm, xuyên suốt trong xây dựng NTM. Hàng năm, các cấp Hội phối hợp và trực tiếp tổ chức các buổi tập huấn về khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho hội viên nông dân. Vận động hội viên, nông dân tham gia 286 mô hình cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung, khuyến khích nông dân tham gia thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất; chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 48 tổ hợp tác, hợp tác xã, vận động nông dân tham gia các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo điều kiện để nông dân tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, phát triển kinh tế trang trại ở nông thôn. Từ đó, thu nhập và đời sống của nông dân từng bước được cải thiện, số hộ khá và giàu tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Số hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng, đến nay đã có 78.790 số hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 40,6% so với hộ nông nghiệp.
Đáng chú ý, để tăng cường hỗ trợ nông dân về vốn sản xuất, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển quỹ hỗ trợ nông dân. Đến nay, toàn tỉnh có 181 Ban vận động quỹ cơ sở, 9 quỹ cấp huyện và 1 quỹ cấp tỉnh với tổng nguồn vốn 22,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn quỹ này đã giúp 1.215 hộ vay để phát triển sản xuất và xây dựng 126 mô hình. Cùng với đó, Hội tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với tổng dư nợ đạt 7.550 tỷ đồng cho 55.228 hộ vay, nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ là 986 tỷ đồng cho 41.382 hộ vay.
Với những kết quả đạt được, giai cấp nông dân trong tỉnh đã có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng NTM. Đến hết năm 2017 toàn tỉnh đã có 200/209 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 95,7%; 5 huyện đạt chuẩn NTM (bằng 10% số huyện đạt chuẩn NTM của cả nước). Huyện Hải Hậu được Trung ương lựa chọn là một trong những huyện điểm của cả nước xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu.
Theo Hội Nông dân tỉnh Nam Định, trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM, Hội sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM nâng cao và bền vững. Tuyên truyền, vận động nông dân tích cực học tập, nâng cao kiến thức về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đặc biệt là ứng dụng những thành quả của nền nông nghệp 4.0. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy, tác phong làm việc, cách thức quản lý, khả năng thích ứng của nông dân.
Song song với đó, nâng cao năng lực của nông dân trong phát triển sản xuất, các cấp Hội Nông dân tăng cường phối hợp với các ban, ngành cùng cấp triển khai thực hiện các đề án, dự án theo chương trình phối hợp hành động đã ký kết. Đồng thời đẩy mạnh tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng các dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất kinh doanh và xây dựng các mô hình trang trại, gia trại, phát triển nông nghiệp bền vững.
Đáng chú ý, hướng dẫn và tổ chức cho nông dân tích cực tham gia vào đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, gắn với sản xuất, tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản.
Tập trung đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân thành các nhóm hộ, giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản lượng đủ lớn, đảm bảo chất lượng và ổn định. Bên cạnh đó, Hội giúp nông dân xây dựng các phương án sản xuất, tìm kiếm thị trường, kết nối với các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn để tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.
Ngoài ra, thường xuyên tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nông dân, thực sự chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Tạo điều kiện cho nông dân được học tập, lao động, nâng cao trình độ về mọi mặt; vận động nông dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước diễn ra ở cơ sở với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực./.
BT/ dangcongsan.vn