Thứ Sáu, 15/11/2024
Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị làm việc với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
 
Quang cảnh buổi làm việc


Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Về phía Đảng đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch; đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký; các Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch: Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài và đại diện lãnh đạo các ban.

Báo cáo tại buổi làm việc, Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Qua 10 năm tổ chức thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, MTTQ các cấp đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trên tất cả các lĩnh vực công tác Mặt trận, thông qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của MTTQ trong hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của Mặt trận; công tác phối hợp giữa chính quyền, các ban, ngành với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả hơn.

Hoạt động của Mặt trận được tập trung về cơ sở và địa bàn khu dân cư với phương châm rõ nội dung, mục tiêu, phương thức thực hiện linh hoạt, thông qua đó, nhiều địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả thiết thực. Các cuộc vận động, phong trào được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng tích cực tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội.

Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức thực hiện tốt hơn nguyên tắc hiệp thương dân chủ, chủ trì phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên; đổi mới nội dung phương thức, phát huy vai trò tích cực của các hội đồng tư vấn, cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, trong các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. Các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng đảng, chính quyền từng bước đi vào nề nếp, qua đó MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện rõ nét hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân. Ủy ban MTTQ các cấp được mở rộng nâng cao chất lượng hoạt động; cán bộ Mặt trận được nâng cao về năng lực và kỹ năng công tác; kinh phí hoạt động, chế độ chính sách đối với cán bộ Mặt trận ở cơ sở được quan tâm và đảm bảo kịp thời.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW đều đánh giá: trong 10 năm qua, Đảng đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thực hiện Kết luận số 62-KL/TW một cách bài bản, hiệu quả; Đảng đoàn đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động; vị thế của MTTQ ngày càng cao. Tuy nhiên, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng mong muốn Đảng đoàn làm rõ một số vấn đề như: Những khó khăn khi sắp xếp tổ chức bộ máy; thách thức đối với MTTQ trong giai đoạn mới; vai trò liên minh chính trị của MTTQ…

 
Đồng chí Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc. 


Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định Kết luận 62-KL/TW của Bộ Chính trị đã làm rõ hơn phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong giai đoạn hiện nay. Mặt trận đã thể hiện rõ vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, từ đó, sự phối hợp giữa các bên ngày càng nhịp nhàng, có trọng tâm, trọng điểm, theo kịp với tình hình thực tế và từng bước khắc phục bệnh dàn trải, bệnh hành chính, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; sát cánh cùng Quốc hội, Chính phủ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng vững mạnh. Bên cạnh đó, Mặt trận đã thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua, hướng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chăm lo đời sống nhân dân. Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã động viên, phát huy tính sáng tạo của các đoàn viên, hội viên trong xây dựng các mô hình nhân dân tự quản, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, khuyến học, chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn,...

Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, nhiệm vụ bao trùm, quan trọng hàng đầu của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay là tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động, thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, nút thắt quan trọng nhất là về công tác cán bộ, vì vậy, cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là những cán bộ chuyên trách ở các cấp, phải lựa chọn những người đảm bảo năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm, dám nói dám làm.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện 6 nội dung của Kết luận số 62-KL/TW, đã tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận. Từ đó góp phần củng cố vai trò, vị trí của Mặt trận trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và tạo sự đồng thuận, sự tham gia của nhân dân trong quá trình phát triển đất nước.

 
 Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận tại buổi làm việc.


Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thể chế các quan điểm, chủ trương của Đảng đối với vấn đề đại đoàn kết dân tộc đi vào thực tiễn hoạt động của Mặt trận. Công tác phối hợp giữa Mặt trận với Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp, các cơ quan tư pháp... ngày càng hiệu quả, các chương trình hợp tác, cơ chế hoạt động được cụ thể hóa.

Đồng chí Trương Thị Mai cũng chỉ ra một số hạn chế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong thực hiện Kết luận số 62-KL/TW. Đó là: nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền ở một số nơi về công tác Mặt trận còn chưa cao; có lúc có nơi hoạt động công tác Mặt trận chưa theo kịp tình hình mới; công tác giám sát, phản biện xã hội ở một số địa phương, cơ sở còn hình thức, chất lượng chưa cao; mở rộng dân chủ trong nhân dân cần đi đôi với kỷ cương và đạo đức xã hội; năng lực cán bộ cần tiếp tục nỗ lực…

Để Kết luận 62-KL/TW ngày càng phát huy hiệu quả và gắn với thực tiễn ở cơ sở, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Mặt trận cần nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, để Mặt trận xứng tầm với liên minh chính trị thật sự. Mặt trận cần quan tâm tới việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành viên, phải có cơ chế để các tổ chức thành viên và các tổ chức nói chung trên cả nước tham gia đóng góp cho hoạt động của Mặt trận. Đặc biệt là phải huy động sự tham gia của các cá nhân tiêu biểu, các hội quần chúng.

Đồng chí Trương Thị Mai cũng đề nghị Mặt trận cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, coi trọng vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mọi người dân thông qua việc quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh phức tạp, từ đó kiến nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp phù hợp để giải quyết hài hòa vấn đề lợi ích, tạo đồng thuận xã hội. Đồng thời, Mặt trận tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới./.

Tin và ảnh: Hà Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất