Thứ Năm, 19/12/2024
Bác sĩ của bản làng biên giới
Thiếu tá Trần Văn Chiến luôn tận tình hướng dẫn bà con dân bản cách chăm sóc, giữ gìn sức khỏe

Nhận nhiệm vụ tại Phòng khám quân dân y kết hợp, anh thấu hiểu những thiếu thốn, khó khăn của đồng bào dân tộc nơi đây. Trước đây, mỗi khi ốm đau, dân bản thường lặn lộn ra trung tâm y tế của huyện để điều trị. Nhưng do đường sá đi lại khó khăn, nên khi đưa được người bệnh đến nơi thì sức khỏe đã xấu đi nhiều. Đặc biệt, các tập quán lạc hậu vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của người dân, cứ mỗi lần có người bị ốm đau là dân bản lại tổ chức cúng ma đuổi bệnh.

Vì vậy, việc đầu tiên là anh đến từng bản, từng nhà kiên trì vận động bà con xóa bỏ tập tục lạc hậu, không nên tin lời thầy mo cúng bái; khi ốm đau phải nhanh chóng đưa đến Phòng khám quân dân y để được khám và chữa bệnh kịp thời. Để nâng cao nhận thức cho người dân, anh tranh thủ uy tín già làng, trưởng bản để tuyên truyền, vận động nhân dân cách đề phòng bệnh tật, suy dinh dưỡng, cách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh thôn bản, ăn uống hợp vệ sinh... Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân luôn phải kiên trì theo phương châm "mưa dầm thấm lâu"; đồng thời kết hợp tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để bà con dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Do bà con dân tộc thiểu số sống rải rác trên các bản làng xa xôi, hiểm trở nên việc khám bệnh thường gặp rất nhiều khó khăn. Gần 15 năm công tác quân y nơi vùng biên giới, trong đó có gần 8 năm công tác tại Đồn BPCK quốc tế La Lay, dấu chân của Thiếu tá Trần Văn Chiến in đậm hầu hết các nẻo đường vùng cao biên giới để khám, chữa bệnh cho bà con sinh sống hai bên biên giới. Có những nơi xa xôi, khi đi khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, anh phải đi bộ băng qua rừng sâu, núi thẳm, vượt qua biết bao con suối mới đến bản.                                        

Công tác tại Phòng khám quân dân y kết hợp luôn tất bật và thời gian làm việc không kể ngày, đêm. Có lúc giữa đêm khuya đang ngon giấc ngủ có tiếng đồng bào gọi cửa, anh cũng vui vẻ, niềm nở đón tiếp và tận tình thăm bệnh cho bà con. Trong năm 2015, Phòng khám quân dân y kết hợp do anh phụ trách đã khám và điều trị cho gần 900 lượt người, trong đó, cấp cứu 43 ca bệnh nặng thành công.

Ngoài ra, anh đã tham gia khám, chữa bệnh cho hàng trăm lượt người ở các xã A Bung, A Ngo, huyện Đakrông và La Lay A Sói, huyện Sa Muồi (Lào). Bất kể lúc nào, hễ có yêu cầu của người dân là anh chuẩn bị dụng cụ y tế, thuốc men, vội vã tìm đến khám bệnh, cứu chữa. Nhiều ca bệnh nặng có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng nhờ anh tận tình cứu chữa kịp thời nên qua khỏi. Tiếng lành đồn xa, bà con các thôn, bản thuộc xã Hồng Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng lặn lội tìm đến phòng khám của anh để nhờ khám và điều trị.

Với những đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân biên giới, Thiếu tá Trần Văn Chiến nhiều lần được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Đakrông khen thưởng với nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho Thiếu tá Trần Văn Chiến vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào quân-dân y kết hợp, giai đoạn 2005-2015.

Đối với anh, niềm hạnh phúc và phần thưởng lớn nhất chính là sự tin yêu, quý mến của đồng bào hai bên biên giới dành cho mình. Do Phòng khám quân dân y kết hợp đóng cách xa đồn Biên phòng, vì vậy, phần lớn thời gian anh công tác độc lập. Tuy nhiên, anh chưa hề cảm thấy đơn độc, mà luôn nhận được những tình cảm nồng ấm, đùm bọc của chính quyền và nhân dân địa phương.

Trong gian bếp của anh luôn có những "đặc sản" của núi rừng như rau má, cà pháo... mà đồng bào dân tộc tranh thủ thu hái khi lên nương rẫy để mang về tặng anh. Chính những tình cảm mộc mạc ấy mà anh thấy ấm lòng, như đang sống trong vòng tay yêu thương của gia đình và đồng đội. Từ lâu, trong tâm thức của đồng bào các dân tộc hai bên biên giới đã coi anh là người con của bản làng.

Mới đây, một số bà con bản A Đăng, huyện Đakrông lên rừng kiếm được ít măng đem cho anh và nhắn nhủ: Cán bộ Chiến nhớ giữ gìn sức khỏe để còn lo sức khỏe cho đồng bào. Khi nào cán bộ Chiến về hưu thì dân bản mình cho một mảnh đất làm nhà để sinh sống và có điều kiện chăm sóc sức khỏe lâu dài cho dân bản.

Anh tâm sự: Thời gian công tác trên biên giới và sống với đồng bào dân tộc có tấm lòng mộc mạc, thủy chung chính là những tháng ngày trải nghiệm đầy quý báu. Khi mình thương yêu, chân tình với dân bản, thì họ cũng sẽ quý mến và xem mình như con em của bản làng. Vì vậy, chừng nào dân bản còn tin yêu thì mình vẫn không chùn chân mỏi gối, chẳng quản khó khăn để đến với bà con bằng tất cả trách nhiệm và tình cảm của người lính.

Minh Đức

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất