Chiều ngày 6-6, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh có buổi làm việc cùng các đơn vị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn về tình hình đầu tư, khai thác nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Theo thông tin từ Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Nguyễn Thành Dũng, đến cuối năm 2015, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 96%; trong đó có 45% dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế và tính theo bình quân hàng năm thì số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh tăng gần 5%. Theo thống kê, tính đến cuối tháng 6-2018, số hộ dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt gần 98% và 52% hộ dân được cấp nước sạch đạt quy chuẩn Bộ Y tế…
Về thực hiện mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 50/80 xã đạt tiêu chí về nước sạch, trong đó có 15/28 xã điểm xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí nước sạch. Khó khăn hiện nay của ngành nước nông thôn là nhiều trạm cấp nước chưa được trang bị máy phát điện nên phụ thuộc hoàn toàn vào lưới điện quốc gia, khi cúp điện sẽ mất nước; các công trình cấp nước của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn chủ yếu là “lấy thu bù chi”, tự trang trải kinh phí…
Với thực trạng trên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Vân kiến nghị các cấp lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, HĐND, UBND tỉnh và các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn lực thông qua các chương trình, dự án đầu tư các công trình cấp nước, cũng như ban hành các chính sách đặc thù để khuyến khích các thành phần kinh tế nhà nước đầu tư cho lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn, thực hiện xã hội hóa, từng bước cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung nông thôn…
Lãnh đạo Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh ghi nhận các ý kiến kiến nghị của các đơn vị, sẽ tổng hợp báo cáo trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét.
Thúy Liễu