Thứ Năm, 19/12/2024
Việt Nam tăng cường công nghệ thông minh trong lĩnh vực y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (giữa) tham gia thảo luận về chủ đề 'Hệ thống y tế ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Thách thức đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe

Theo ông David Sin, đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Tập đoàn chăm sóc sức khỏe Fullerton (Singapore), trong 10 năm tới, tổng chi tiêu về y tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chiếm 45% tổng chi tiêu về y tế trên toàn cầu; tốc độ tăng trưởng chi phí y tế khoảng 8%. 

Cùng với đó, khu vực này sẽ có khoảng 460 triệu người trên 65 tuổi; 65 triệu người mắc bệnh tiểu đường; 275 triệu người trên 18 tuổi mắc chứng béo phì.

Khu vực châu Á cũng sẽ có tốc độ già hóa nhanh hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

Đối với khu vực ASEAN, ông David Sin cho rằng, đây là khối các quốc gia có nhiều nét đa dạng về mặt ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, có nhiều thuận lợi để phát triển. ASEAN có thể tạo ra những thay đổi về hệ thống chăm sóc y tế trong bối cảnh các quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa với điều kiện khu vực này duy trì xu hướng đa phương, đa chiều. 

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự chung tay tham gia của các nền kinh tế, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế có thể có đột phá.

Giúp người nghèo tiếp cận hệ thống y tế cơ sở

Bàn về những kết quả đạt được trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của ASEAN, ông Hari Menon, Giám đốc chính sách và giảm nghèo khu vực Đông Nam Á của Quỹ Bill & Mellinda đánh giá, khu vực ASEAN đã thực hiện rất tốt các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và giờ đây đang hướng đến mục tiêu lớn hơn là mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Thông qua quá trình triển khai những mục tiêu đó, các quốc gia này sẽ rút ra được nhiều bài học.

Theo ông Hari Menon, ASEAN luôn là một điển hình trong việc hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của thế giới, trong đó có những nỗ lực về chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia như: Philippines, Việt Nam, Thái Lan. 

Các nền kinh tế khác cần học hỏi các quốc gia này để trả lời những câu hỏi cơ bản trong lĩnh vực chăm sóc y tế đối với vấn đề giúp đỡ người nghèo tiếp cận với tuyến chăm sóc y tế cơ sở, chi phí chăm sóc sức khỏe đảm bảo người dân không tái nghèo. Các quốc gia phải có những phương án về tài chính để những người nghèo nhất trong xã hội cũng tiếp cận được với y tế.

Đặc biệt, những người không có khả năng chi trả bảo hiểm y tế cũng phải có khả năng tiếp cận với hệ thống y tế. Nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe là nỗ lực chung của thế giới. 

Các quốc gia cần hợp tác, đối thoại với nhau, khối công cần đối thoại với khối tư nhân để tìm ra những đối tác quan trọng hơn. Chính phủ chỉ đóng vai trò phát triển chiến lược cùng với sự tham gia của khối tư nhân.

Công nghệ mang lại nhiều cơ hội cho bệnh nhân

Nhấn mạnh những vấn đề đang đặt ra đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, ông Alexis Serlin, Giám đốc Tập đoàn dược phẩm Novartis khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, khu vực này đã chịu nhiều thách thức, như hệ thống dân số già hóa, chi phí chăm sóc y tế tăng cao trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải; tuy nhiên, nhiều đột phá, sáng tạo, bao gồm những công nghệ mới, dược phẩm cũng tạo ra những cơ hội cho hệ thống y tế.

Ông Alexis Serlin đánh giá, sự phát triển như vũ bão của khoa học dược, công nghệ tế bào gốc..., giúp thay đổi cơ bản chi phí mua thuốc, tạo thuận lợi cho bệnh nhân. 

Tin tưởng những điểm đột phá này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho bệnh nhân, ông Alexis Serlin cho rằng, việc hình thành dữ liệu điện tử đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ giúp nắm rõ hơn các biện pháp can thiệp đối với bệnh nhân, hiệu quả điều trị...

Bà Caroline Clarke, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương, Tập đoàn công nghệ chăm sóc sức khỏe cho biết, xu hướng chăm sóc sức khỏe tại nhà đã xuất hiện và phát triển tại khu vực ASEAN cũng như trên thế giới. 

Tỷ lệ dân số già hóa cùng số lượng bệnh nhân ngày càng tăng khiến hệ thống các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe không có khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Với phương châm chăm sóc y tế dành cho tất cả mọi người, hệ thống chăm sóc sức khỏe cần được ứng dụng nhiều công nghệ mới như việc phân tích dữ liệu sử dụng điện toán đám mây.

Bàn đến trí tuệ nhân tạo, bà Caroline Clarke cho rằng, trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người, tuy nhiên vẫn hỗ trợ rất nhiều cho các cán bộ chuyên môn. 

Với trí tuệ nhân tạo, bác sỹ sẽ được hỗ trợ quá trình giám sát từ xa, từ đó giúp cho công tác chăm sóc người bệnh không chỉ ở trong bệnh viện, mà còn ngay tại nhà, từ đó cải thiện hiệu quả can thiệp, nâng cao chất lượng chăm sóc.

Tăng cường công nghệ thông minh trong lĩnh vực y tế


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN khác, đang phải đối mặt với gánh nặng gia tăng các bệnh truyền nhiễm, các bệnh mới như Mers coV, các chủng loại cúm, Zika, lao kháng thuốc, HIV, sốt rét... 

Cùng với đó là một loạt bệnh không truyền nhiễm nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao, gây ra gánh nặng cho nền kinh tế như cao huyết áp, tiểu đường, ung thư... Một vấn đề nữa là dân số già hóa, nhu cầu về chăm sóc y tế gia tăng nhưng nguồn lực hạn hẹp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hệ thống sàng lọc sớm của Việt Nam chưa được đầy đủ do dựa vào hệ thống bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, hệ thống này còn nhiều khiếm khuyết, cần có những cải cách nhất định.

Đối với tuyến y tế cơ sở, Việt Nam có hơn 13 nghìn bản, làng ở vùng sâu, vùng xa. Ngành y tế Việt Nam muốn đưa chương trình cải thiện y tế cơ sở đến những nơi này để tạo hiệu quả đối với chăm sóc y tế toàn dân, với mức chi phí phù hợp. 

Về vấn đề cải cách hệ thống tài chính y tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y tế hiện đã triển khai được 5 năm. Đến nay, chất lượng dịch vụ y tế tại bệnh viện ngày càng tăng.

Đặc biệt, ngành y tế khuyến khích và kêu gọi sự tham gia đầu tư của khối tư nhân vào hệ thống chăm sóc sức khỏe Việt Nam, như mô hình hợp tác công tư. Bên cạnh đó là nhiều cách tiếp cận các nguồn lực, như từ ngân sách quốc gia, trái phiếu chính phủ, ODA...

Nhấn mạnh vấn đề cải cách về giáo dục y tế cho cộng đồng giúp tăng cường số lượng, chất lượng của nguồn lao động Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, điều này đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Chính vì vậy, những Chiến dịch truyền thông về sức khỏe cộng đồng là vô cùng quan trọng ở Việt Nam hiện nay cũng như các nước ASEAN khác.

Tại tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế Việt Nam muốn thành lập ba hệ thống y tế thông minh, gồm bệnh viện thông minh, hướng tiếp cận bệnh nhân thông minh, hệ thống quản trị y tế thông minh. 

Theo Bộ trưởng, vấn đề công nghệ thông minh trong y tế đã được đầu tư rất nhiều, nhưng đến nay chưa đáp ứng được đầy đủ, hiệu quả. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm đẩy nhanh chương trình trên./.

Thanh Hà

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất