Thứ Ba, 21/1/2025
Cánh tay nối dài của ngành y tế

Nòng cốt trong công tác y tế cơ sở

Nhân viên y tế thôn, bản có 9 nhiệm vụ trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân ở dưới cơ sở, trong đó trọng tâm như: Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng; sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường; hướng dẫn chăm sóc người mắc bệnh xã hội, bệnh không lây nhiễm tại nhà; chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình… Mặc dù đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân nhưng hàng tháng, mỗi nhân viên y tế thôn bản chỉ được hỗ trợ từ gần 300 đến 650 nghìn đồng tùy theo vùng. Số tiền ấy gần như chỉ đủ để đổ xăng xe đi lại trong các đợt truyền thông.


 Chị Giàng Thị Quang (đứng giữa) nhân viên y tế thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình)
tuyên truyền cho chị em trong thôn về cách chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em
 và kế hoạch hóa gia đình.

 

Vào tháng 10-2016, tại một số xã trên địa bàn huyện Lâm Bình, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Bình An bùng phát dịch viêm gan A. Người dân tại các xã rất hoang mang vì thấy bệnh lây truyền nhanh. Trung tâm Y tế huyện đã huy động cán bộ phun thuốc, vận động, tuyên truyền bà con giữ gìn vệ sinh, không ăn, uống chung bát, đũa. Để thực hiện nhiệm vụ này, cán bộ y tế thôn, bản ở đây phải băng rừng, lội suối đến từng nhà tuyên truyền cho người dân về cách phòng, chống dịch bệnh.

Chị Ma Thị Dâm, nhân viên y tế thôn Chẩu Quân, xã Bình An kể, chị cùng với 8 nhân viên y tế của các thôn trên địa bàn xã đi tuyên truyền cho bà con nhân dân về dịch bệnh và cách phòng, chống bệnh viêm gan A. Mỗi thôn, mỗi nóc nhà lại cách xa nhau nên có khi phải đi nửa ngày đường mới đến nơi. Đặc biệt, là phải chờ người dân đi làm rẫy về mới tuyên truyền được. 

Bên cạnh đó, tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, nhân viên y tế còn phải nói được tiếng địa phương cũng như hiểu được phong tục, tập quán của từng dân tộc để công tác tuyên truyền, vận động được hiệu quả. Anh Hoàng Văn Minh, dân tộc Mông, thôn Khau Phiêng, xã Khâu Tinh (Na Hang) đã làm y tế thôn, bản được gần 20 năm nay cho biết: Điều kiện sống của đồng bào còn nhiều khó khăn nên anh thường phải đến từng gia đình tuyên truyền về cách ăn uống hợp vệ sinh, cách phòng, chống dịch bệnh, vận động người dân xây các công trình phụ một cách hợp lý, khuyến khích các cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình... 

Thực tế cho thấy, những hoạt động mà nhân viên y tế thôn, bản dành cho công việc chiếm phần lớn thời gian của họ, thế nhưng thu nhập được trả chưa tương xứng. Đây là một trong những lý do chính khiến những năm gần đây, nhiều nhân viên y tế thôn, bản không còn mặn mà với công việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân ở cơ sở. 

Yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ 

Trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh cũng luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ y tế thôn, bản. Các nhân viên y tế thôn bản được đào tạo với nhiều hình thức, ba tháng, sáu tháng đến một năm. Ngoài ra, còn những người đã qua đào tạo trình độ trung cấp (y sỹ, dược sỹ, hộ sinh, điều dưỡng, y tá...). Hiện toàn tỉnh có 1.985 nhân viên y tế thôn bản đã qua các lớp đào tạo về y tế, chiếm gần 95%, còn lại chưa qua đào tạo; có 118 người có trình độ chuyên môn bậc trung cấp, chiếm 5,6%.

Trên thực tế, đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản không ổn định, hầu hết làm kiêm nhiệm, nhiều người đã phải nghỉ việc do phụ cấp thấp, chuyển chỗ ở hoặc do sức khỏe, lớn tuổi… mà chưa thể tìm người khác có chuyên môn thay thế kịp thời. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở cơ sở trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. 

Theo bác sỹ Ngô Cao Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương, hiện nay, toàn huyện có 424 nhân viên y tế thôn, bản, trong đó có 28 nhân viên y tế thôn bản chưa qua đào tạo (những nhân viên này thay thế cho nhân viên y tế thôn, bản thôi việc giữa chừng). Đây là đội ngũ có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Họ chính là những người gần dân nhất, nắm bắt kết quả nhanh nhất tình hình của khu vực mình sống để báo cáo lên đơn vị cấp trên. Nhưng với mức chi trả phụ cấp còn thấp nên chưa khích lệ họ trong công việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động. Tính từ năm 2016 đến nay trên địa bàn huyện đã có 36 nhân viên y tế thôn, bản thôi việc giữa chừng.

Theo ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, toàn huyện hiện có 463/474 thôn, bản có nhân viên y tế. Về cơ bản đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản trên địa bàn đã được đào tạo qua các lớp 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và có những trường hợp đào tạo qua lớp trung cấp. Là huyện còn nhiều khó khăn nên phụ cấp cho đội ngũ y tế thôn, bản hoàn toàn dựa vào nguồn lực của nhà nước. Huyện cũng chưa có nguồn xã hội hóa nào để nâng mức phụ cấp cho đội ngũ này. Do đó, huyện cũng rất mong muốn các cấp, các ngành xem xét hỗ trợ thêm phụ cấp cho nhân viên y tế thôn, bản, đặc biệt là những thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa. 

Chính vì vậy, nhu cầu đào tạo mới nhân viên y tế thôn bản trên địa bàn tỉnh để đáp ứng đủ nguồn nhân lực dự kiến gần 200 người để bổ sung, thay thế đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản sẽ nghỉ việc. Ông Đào Duy Quyết, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện Sở Y tế đang tiến hành rà soát, tổ chức lại đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản; xây dựng đề án về chính sách y tế thôn, bản theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng thêm mạng lưới cô đỡ thôn, bản tại một số địa bàn khó khăn. Đồng thời, đề xuất và kiến nghị với cấp có thẩm quyền về nâng cao chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế thôn, bản sao cho phù hợp với thực tế chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết đã chỉ ra những mặt còn hạn chế của y tế cơ sở như: Hệ thống tổ chức y tế còn thiếu ổn định, hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu...; Từ đó đưa ra những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao công tác y tế, trong đó có việc đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã. 

Trên cơ sở đó, tỉnh đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Đây chính là cơ sở để ngành Y tế tiếp tục triển khai thực hiện những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác dân số trên địa bàn tỉnh, trong đó có xây dựng đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản.

Thương Huyền

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất