Thứ Năm, 16/1/2025
Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch

 Phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19
tại các khu vực công cộng trên địa bàn Hà Nội

Là người thường xuyên tiếp xúc với những người đi xa trở về, bác Nguyễn Văn Chỉnh, làm nghề xe ôm khu vực Mỹ Ðình (Từ Liêm, Hà Nội), không khỏi lo lắng cho biết: “Hơn 10 năm làm nghề xe ôm cũng từng biết đến nhiều dịch bệnh, nhưng mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 diễn biến thật phức tạp, khó lường. Do đặc thù nghề nghiệp thường tiếp xúc với khách lạ, trước khi chở khách, tôi thường hỏi kỹ như ở tỉnh nào về, tên gì và về đâu, bởi khi nắm bắt được thông tin sẽ giúp mình nâng cao ý thức trong việc phòng, chống cũng như cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi cần thiết”. Có thể thấy rõ hơn sự thay đổi trong ý thức phòng bệnh của người dân hiện nay là hầu hết mọi người đã chủ động đeo khẩu trang khi đến những nơi tập trung đông người như chợ, bệnh viện, các điểm giao dịch. Chị Mai Trang, một tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân cho biết: “Mặc dù đeo khẩu trang khó chịu, nhưng đây là cách để phòng, chống dịch lây lan cho nên mình cũng động viên các chị em trong chợ nên chấp hành”. Không chỉ tại các chợ, ngay trong cộng đồng dân cư ở các tổ dân phố, phường, xã, những thông tin về dịch Covid-19 đều được cán bộ UBND phường, xã theo dõi và nắm bắt kịp thời, từ đó chủ động thực hiện các biện pháp tuyên truyền cho người dân phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.

Thời gian qua, để đối phó với dịch, hàng loạt biện pháp được triển khai, nhiều chỉ đạo, quyết định mạnh mẽ được đưa ra để ngăn ngừa sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Trong đó, việc tổ chức sàng lọc, cách ly những người đến từ vùng dịch hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh được đặt lên hàng đầu. Những khuyến cáo, tuyên truyền để vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng cũng liên tục được phát đi với hy vọng thấm sâu và lan tỏa đến từng khu phố, từng nhà, từng người dân. Rõ ràng, cùng với trách nhiệm và ý thức của mỗi cá nhân, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, việc bảo vệ sức khỏe nhân dân được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Với phương án “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương huy động mọi nguồn lực nhằm xác định cụ thể từng trường hợp tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với người bệnh, ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ thức thâu đêm để khoanh vùng, dập dịch, thực hiện nhiều biện pháp dự phòng; chính quyền cũng quyết định trích ngân sách số tiền lớn nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch... Những nỗ lực đó được xã hội ghi nhận, người dân đồng lòng làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền sở tại.

Tuy nhiên, trong khi cả hệ thống chính trị và người dân tích cực chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, có một thực tế đáng phải suy ngẫm và lên án. Ðó là còn một bộ phận người dân vẫn thiếu ý thức trách nhiệm, phản ứng bất hợp tác, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo của ngành y tế; cố tình vi phạm như khai gian trong hồ sơ khai báo y tế, trốn cách ly, hoặc nhờ người khác đi cách ly thay mình, tụ tập đông người. Nhiều trường hợp lợi dụng diễn biến của dịch bệnh, thường xuyên đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, không có căn cứ, gây hoang mang dư luận. Thậm chí, có những đối tượng còn chia sẻ trên mạng xã hội những nội dung, hình ảnh giả, không đúng sự thật về những người bệnh mắc Covid-19... đã gây rất nhiều áp lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch, mỗi người cần nâng cao ý thức trách nhiệm, trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch Covid-19 theo các khuyến cáo của Bộ Y tế; có chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể; hạn chế tụ tập nơi đông người; không nghe theo cũng như phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng, tác động tiêu cực tới xã hội… Tự giác thực hiện khai báo y tế toàn dân theo đúng quy định, đồng thời trung thực trong quá trình khai báo để bảo vệ bản thân và gia đình, cũng như giúp cho các cơ quan chức năng làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, tại cộng đồng, công tác giám sát, phòng, chống cũng như phát hiện dịch bệnh cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Nếu phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh cần kịp thời báo cho ngành y tế cơ sở, tiến hành khoanh vùng khu vực nghi có dịch, tuyệt đối không hoang mang, hoảng loạn, gây mất an ninh trật tự.

Ðể hạn chế đến mức thấp nhất lây lan dịch bệnh, bất cứ ai khi có các triệu chứng nhiễm Covid-19 cần chủ động cách ly, không để lây nhiễm sang người khác và tự giác, kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng. Ðó là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người thân và cả cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Gia Khánh

Chuyên gia Bộ Y tế

Những hành động vi phạm pháp luật liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh đã bị lên án và nghiêm trị, nhưng việc người dân lơ là, thờ ơ với dịch vẫn đang diễn ra. Ðây là hành động thiếu trách nhiệm với cộng đồng, cần được nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý kịp thời.

Luật sư Nguyễn Thu Hà

(Văn phòng Luật sư Hà Thu, Hà Nội)

Hiện các ngành, địa phương đang rất nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, cùng với việc khuyến cáo, kêu gọi mỗi người dân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ mình và cả bảo vệ người chung quanh, việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định cách ly, khai báo y tế hay các biện pháp phòng dịch khác là điều rất nên làm.

Nguyễn Văn Trung

(Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi