Thực hiện Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, những năm qua, chính quyền các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội công khai để nhân dân được đóng góp ý kiến, được bàn bạc, được giám sát nhằm tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
|
Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, người dân xã Xuân Huy, huyện Lâm
Thao
tích cực tham gia ủng hộ ngày công và tiền xây dựng giao thông nông
thôn |
Chính việc thông báo công khai các kế hoạch, chương trình, dự án, tiến độ thực hiện và lấy ý kiến của người dân về phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư đã giúp chính quyền, các ngành chức năng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều dự án giao thông, thủy lợi trọng điểm như cầu Đoan Hùng, cầu Đồng Quang, Công viên Văn Lang giai đoạn 1, từng phần việc thuộc Quảng trường Hùng Vương, khu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng sụt lún ở xã Ninh Dân- huyện Thanh Ba... Cũng nhờ công khai các chương trình, chính sách vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, các hoạt động xã hội nhân đạo từ thiện mà người dân được tiếp cận, trực tiếp tham gia ủng hộ. Quỹ “Vì người nghèo” ở 3 cấp đã vận động các cơ quan, đơn vị, cá nhân ủng hộ được trên 13 tỷ đồng, giúp gần 200 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ gần 700 triệu đồng để xây dựng và sửa chữa nhà ở; 100 hộ nghèo được hỗ trợ trên 800 triệu đồng tiền vốn và các điều kiện sản xuất; nguồn quỹ này còn hỗ trợ tiền khám bệnh cho bệnh nhân nghèo và học sinh nghèo vượt khó.
Trong xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh, người dân đã chủ động tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thi đua “Dân vận khéo”; tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự ATGT và bảo vệ môi trường. Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã huy động được trên 5.800 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp chiếm trên 13%. Nhân dân đã chủ động tham gia thống nhất phương án quy hoạch, trực tiếp theo dõi, giám sát việc thi công các công trình trên địa bàn; tích cực đối ứng cùng Nhà nước thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hiến đất, góp ngày công lao động, vật tư. Hết năm 2015, Lâm Thao là huyện đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chí huyện NTM, toàn tỉnh đã có 60 xã đạt chuẩn NTM, tăng 25 xã so với năm 2014. Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa 87,6%; khu dân cư văn hóa gần 87%; 100% khu dân cư có nhà văn hóa.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai trên tất cả các lĩnh vực với 2.195 mô hình, tập trung ở lĩnh vực kinh tế và văn hóa- xã hội; trong đó có nhiều mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu về thực hiện dân chủ ở cơ sở, vận động nhân dân và gia đình hiến đất, tự tháo dỡ công trình giải phóng mặt bằng làm đường nông thôn như mô hình ở phường Nông Trang, các xã Hy Cương, Tân Đức của thành phố Việt Trì; hộ các ông Hồ Đình Tưởng- xã Mai Tùng, huyện Hạ Hòa, Trần Văn Thiệu- xã Năng Yên, huyện Thanh Ba…
Nhân dân thực hiện dân chủ cơ sở thông qua quyền giám sát, quyền khiếu nại tại các xã, phường, thị trấn. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ chức chính trị- xã hội được tăng cường, nhất là ở những địa bàn triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Các địa phương và ngành chức năng thường xuyên trao đổi, phối hợp trong tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhờ đó đã khắc phục tình trạng tồn đọng và giảm sự chồng chéo trong xử lý các vụ việc. Tính riêng năm 2015, các cấp, ngành trong tỉnh đã tiếp gần 6.600 lượt công dân, trong đó có 333 đơn khiếu nại, 245 tố cáo, chủ yếu về vấn đề đất đai; tiến hành 946 cuộc thanh tra, giám sát, tập trung vào các vấn đề như xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn, công trình xử lý rác thải, việc thực hiện dân chủ cơ sở theo Pháp lệnh 34.
Nguồn: baophutho.vn, ngày 29/7/2016