Chủ Nhật, 29/12/2024
Bến Tre: Thực hiện tốt Quy chế dân chủ nhằm củng cố, giữ vững niềm tin và mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng, chính quyền
 
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thanh Trần) 

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tỉnh, công tác thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở 6 tháng đầu năm được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, cụ thể hóa triển khai thực hiện tốt, xây dựng được các quy chế, thiết chế để thực hiện phù hợp với thực tế.

Việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh, phát huy quyền làm chủ, vai trò giám sát của nhân dân tại địa phương. Tính công khai, dân chủ ngày càng được thể hiện rõ, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm. Các công trình trong phạm vi xã, ấp đều được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức họp lấy ý kiến của nhân dân về hình thức và mức đóng góp, thành lập Ban quản lý thực hiện công trình và tổ kiểm tra giám sát thi công có sự tham gia trực tiếp của người dân.

Trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, việc thực hiện quy chế dân chủ được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền coi trọng. Nội dung “Ba không, ba nên, ba cần” tiếp tục được các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền có sự đổi mới, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gần dân, trọng dân, trách nhiệm hơn trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Việc cải cách thủ tục hành chính có bước chuyển biến rõ rệt, tác động tích cực đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Đến nay có 164/164 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa”, các bộ thủ tục hành chính được niêm yết đầy đủ tại trụ sở làm việc. Có 68 xã, phường, thị trấn có mô hình “Dân vận khéo”gắn với quản lý hành chính của chính quyền cấp xã đạt tiêu chí cấp tỉnh.

Tinh thần trách nhiệm trong thực hiện dân chủ của Ban Giám đốc ở nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước được nâng lên. Đã có 130/159 công ty cổ phần có vốn Nhà nước, đơn vị ngoài quốc doanh tổ chức hội nghị người lao động. Sau hội nghị, phần lớn những kiến nghị chính đáng của người lao động đều được tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung theo hướng có lợi cho người lao động.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa sâu rộng, một số địa phương chưa thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc lấy ý kiến của nhân dân trước khi triển khai xây dựng một số công trình, dự án dân sinh có lúc chưa đảm bảo quy trình dân chủ, dẫn đến bức xúc, khiếu nại của người dân. Công tác cải cách hành chính vẫn còn hạn chế nhất định, tinh thần và thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức một số nơi chưa tốt. Một số thông tin về công trình, dự án, công tác giải phóng mặt bằng chưa được ngành chức năng công khai đầy đủ, kịp thời đến người dân. Nhiều doanh nghiệp, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, nơi không có tổ chức Đảng, Công đoàn chưa xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, dẫn đến tình trạng đình công, lãng công gia tăng, 07 cuộc của 7.217 công nhân so với cùng kỳ là 1 cuộc của 40 công nhân.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hữu Phước đề nghị cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo cơ sở tập trung nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân việc thực hiện Quy chế dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền trong việc phối hợp thực hiện các quyết định của Bộ Chính trị khóa XI về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp cần tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự là công bộc, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, thường xuyên đổi mới tác phong lề lối làm việc, chống quan liêu, cửa quyền, lãng phí, thực hiện có hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Kết luận chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam thống nhất cao với những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Quy chế dân chủ 6 tháng cuối năm do thường trực Ban chỉ đạo tỉnh đề ra, và các ý kiến của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trình bày tại hội nghị.

Đồng thời, Phó Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ từng cấp cần phát huy cao hơn tinh thần trách nhiệm của từng thành viên, đi sâu, đi sát vào thực hiện từng loại hình cơ sở, đảm bảo việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong phát huy dân chủ thật sự. Thực hiện đúng quy trình, đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ trước nhân dân. Đặc biệt phải tập trung giải quyết cho được những vụ việc tồn đọng, tranh chấp, khiếu kiện lâu dài, những bức xúc trong dân tại các chợ, các hợp tác xã, các công trình, dự án liên quan đường điện, khai thác cát, nhằm củng cố, giữ vững niềm tin và mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng, với chính quyền.

Bên cạnh đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp cần thực hiện tốt công tác dân vận, trước mắt là tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trữ nước ngọt, nước mưa phục vụ sản xuất, sinh hoạt và chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua đồng khởi, đồng khởi khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; chọn và thực hiện các mô hình thi đua dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, giải quyết các vấn đề trước mắt và bức xúc trong dân hiện nay, như trữ nước ngọt, nước mưa, vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh nông thôn, vấn đề ma túy, khai thác cát, tranh chấp chợ. Đặc biệt, mô hình dân vận khéo làm sao để người dân không còn tâm lý sợ tội phạm, nhất là tội phạm ma túy.

Nguồn: bentre.gov.vn, ngày 05/8/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi