Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, người lao động an tâm gắn bó với doanh nghiệp, làm việc hết mình và trách nhiệm. Doanh nghiệp có điều kiện nâng cao năng suất lao động, ổn định để phát triển bền vững.
|
Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hỏi - đáp pháp luật cho công nhân lao động. |
Bí thư chi bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần công nghiệp chính xác Việt Nam (Vpic, Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) Đào Văn Việt chia sẻ Vpic là công ty nước ngoài nhưng lợi nhuận hàng năm đều được công khai cho người lao động biết, lợi nhuận được chia sẻ với người lao động cùng với các chính sách phúc lợi khác. Làm được điều này nên nhiều năm nay công ty không xảy ra đình công.
* Coi trọng người lao động
Ông Việt cho biết: “Nhiều năm trước chúng tôi đã phải rất vất vả và kiên trì giải thích cho chủ doanh nghiệp hiểu được lợi ích của việc thực hiện quy chế dân chủ. Thời gian đầu chủ doanh nghiệp còn băn khoăn, thậm chí khó chịu, và thường hỏi: “Sao phải công khai nhiều thế?”. Nhưng thực tế đã chứng minh cho chủ doanh nghiệp thấy càng công khai thì người lao động càng làm việc có trách nhiệm nên chủ doanh nghiệp rất sẵn sàng hợp tác với chi bộ, Công đoàn để công khai mọi kế hoạch sản xuất, xây dựng thang bảng lương... Đặc biệt ở Vpic, nếu lợi nhuận kinh doanh tăng thì thưởng của người lao động hàng tháng, hàng quý và thưởng tết đều tăng”.
Nhân rộng những mô hình hiệu quả
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng việc thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp còn chậm sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người lao động, tiềm ẩn sự không ổn định trong hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, phải nhân rộng mô hình hiệu quả từ thực hiện quy chế ở cơ sở, làm cho doanh nghiệp hiểu sâu sắc việc thực hiện quy chế dân chủ chính là động lực để doanh nghiệp phát triển ổn định, lâu dài.
|
Công ty TNHH giày Dona Standard Việt Nam (Khu công nghiệp Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc) có tới 19 ngàn lao động, là doanh nghiệp đông lao động nhất huyện. Hàng năm, công ty này đều tổ chức hội nghị người lao động. Nội dung quan trọng được chi bộ, Công đoàn và ban giám đốc chọn để bàn bạc đánh giá sâu là việc ký kết hợp đồng lao động, thực hiện các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ, nhất là lao động nữ đang mang thai, sau sinh, nuôi con nhỏ… Nhờ công khai và nâng cao các chế độ chính sách mà người lao động ở Dona Standard Việt Nam luôn an tâm làm việc. Theo Công đoàn cơ sở công ty, 70% lao động công ty là lao động không xác định thời hạn.
Còn ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) cho hay công ty đã thực hiện quy chế dân chủ từ nhiều năm nay. Nhiều mô hình của công ty ra đời xuất phát từ việc thực hiện tốt quy chế dân chủ, như: xây dựng thang bảng lương hàng năm, chăm lo cho lao động khó khăn, cải thiện bữa ăn, chế độ lễ tết, siêu thị công nhân, máy giặt và lưu sữa cho công nhân nữ đang trong thời kỳ cho con bú. Dù có đông công nhân nhưng mỗi khi ban hành chính sách, Công đoàn và ban giám đốc đều bàn bạc kỹ, lấy ý kiến rộng rãi từ các tổ sản xuất, khi đa số đồng thuận mới triển khai. Nhờ đó, từ nhiều năm nay công ty không xảy ra đình công hay tranh chấp lao động.
* Tạo dấu ấn thực chất
Trong 9 tháng của năm 2016 mới chỉ có hơn 300/2.200 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị người lao động. Khối doanh nghiệp nhà nước, gồm các công ty và tổng công ty đi đầu trong thực hiện tổ chức hội nghị người lao động, đạt 100%. Trong khi đó, số doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tổ chức hội nghị người lao động đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ từ 10 - 15% trong tổng số các doanh nghiệp hiện có. Bên cạnh tổ chức hội nghị người lao động hàng năm, việc tổ chức hội nghị để người lao động đối thoại với chủ doanh nghiệp còn ít. Trong 6 tháng đầu năm 2016 chỉ có 530/1.228 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tổ chức hội nghị đối thoại để lắng nghe ý kiến người lao động.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Biên Hòa Nguyễn Thị Ngọc Ẩn cho biết để việc thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp hiệu quả, trước hết cán bộ Công đoàn tại cơ sở phải hiểu rõ thực sự quy chế dân chủ là gì, và thực hiện trong doanh nghiệp có những điều gì khác, điều gì khó. Sở dĩ việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp, nhất là việc cùng với doanh nghiệp tổ chức tốt hội nghị người lao động, đối thoại với người lao động… còn ít là do năng lực của cán bộ Công đoàn cần phải được bồi dưỡng nhiều hơn mới có thể thực hiện tốt.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập cho biết để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, ngoài cán bộ Công đoàn cơ sở làm tốt công tác vận động chủ doanh nghiệp, cần có sự tự giác thực hiện một cách rất thực chất của chính chủ doanh nghiệp. Người lao động cũng cần được tập huấn, tuyên truyền các nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn để biết được quyền lợi của mình giúp việc đối thoại, kiến nghị với doanh nghiệp hiệu quả. Liên đoàn Lao động đã nhiều lần phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn cho cán bộ chủ chốt các doanh nghiệp về tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại người lao động nhưng số lượng đơn vị tham gia rất thấp, thành phần cử tập huấn cũng không đúng đối tượng. Thực tế, những doanh nghiệp thường xảy ra đình công thường là những đơn vị không làm tốt việc thực hiện quy chế dân chủ, ít hoặc không lấy ý kiến người lao động khi ban hành các kế hoạch sản xuất, nhất là các chính sách nhạy cảm liên quan tới chế độ tiền lương…
Nguồn: baodongnai.com.vn, ngày 30/10/2016