Thứ Ba, 26/11/2024
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Khơi sức dân để tạo sự đồng thuận
 
Cải cách hành chính góp phần xây dựng thành công dân chủ ở cơ sở.  


Những chuyển biến rõ rệt

Qua tìm hiểu tại xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà, nhờ làm tốt QCDC từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến triển khai thực hiện nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương có những chuyển biến rõ rệt. Cả xã Đầm Hà giờ chỉ còn 26 hộ nghèo, trở thành địa phương duy nhất có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện.

Thành công trên là do địa phương biết phát huy dân chủ ở cơ sở, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng thành công dự án nâng cấp tuyến đường từ thị trấn Đầm Hà đi cảng Đầm Buôn trong năm 2016. Thành công từ dự án đã đưa Đầm Hà sớm hoàn thành tiêu chí về giao thông trong xây dựng NTM.

Ông Đào Biên Thuỳ- Bí thư Đảng uỷ, Trưởng ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở xã Đầm Hà nói như khoe, dự án nâng cấp tuyến đường thị trấn Đầm Hà đi cảng Đầm Buôn chạy theo chiều dài của 3 thôn, làm ảnh hưởng đến 288 hộ dân và không có kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Nhưng nhờ làm tốt QCDC ở cơ sở, những vướng mắc được trao đổi, cán bộ được cử xuống từng nhà để tuyên truyền giúp người dân hiểu được ý nghĩa của dự án.

Khó trăm lần không dân cũng chịu/ Dễ vạn lần dân liệu cũng xong, tư tưởng đó chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt khi triển khai công việc. Bên cạnh đó, những người như ông Thùy cùng đội ngũ cán bộ mẫn cán trong thôn, xã đã gương mẫu đi đầu, tình nguyện hiến những thửa ruộng, những mảnh đất của tổ tiên phục vụ dự án.

Không còn hình ảnh nhếch nhác, dột nát như trước, chợ phường Cẩm Thuỷ, thành phố Cẩm Phả nay đã khang trang, sạch sẽ hơn trước rất nhiều. Kết quả đó là sự nỗ lực của cấp uỷ địa phương trong việc vận động các tiểu thương cải tạo chợ hợp lý.

Ông Vũ Xuân Thuỷ- Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Thuỷ cho biết, trước thực trạng xuống cấp của chợ truyền thống, phường Cẩm Thuỷ đã tổ chức họp lấy ý kiến tiểu thương về việc cải tạo lại chợ. Các phương án cải tạo chợ cũng được chính quyền dán công khai để người dân bàn bạc thống nhất. Nhờ có sự đồng thuận đó, đến nay dự án cải tạo chợ đã hoàn thành, đi vào sử dụng.

Không riêng huyện Đầm Hà hay TP Cẩm Phả, Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở tại nhiều địa phương đã chủ động xây dựng, rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế hoạt động của ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức và thực hiện nghiêm túc việc công khai các nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo quy định của Pháp lệnh 34.

Tiêu biểu như công trình nâng cấp, cải tạo tuyến đường nội thị phố Đông Triều 2 - Tam Thịnh, công trình đổ đường bê tông từ đầu nối Quốc lộ 18A đi thôn Quế Sơn, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên; công trình xây dựng đường liên khu, nội khu của 7 tuyến đường thuộc 4 KDC trên địa bàn phường Trà Cổ, TP. Móng Cái…

Các công trình này đã được bàn bạc, thống nhất, nhân dân cũng tích cực ủng hộ thông qua việc ủng hộ ngày công, hiến đất, ủng hộ kinh phí với giá trị hàng chục tỉ đồng.

Minh bạch hóa Quy chế dân chủ ở cơ sở

Quảng Ninh được biết đến là một trong những tỉnh đã thành lập được Trung tâm hành chính công, triển khai mô hình “Bộ phận nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã” giúp giảm bớt phiền hà, chi phí cho nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở.

Để làm tốt việc này, trong năm 2016, UBMTTQ tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, HĐND tỉnh giám sát thực hiện Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về QCDC ở cơ sở và hoạt động của Trung tâm hành chính công cấp huyện tại một số địa phương. Qua giám sát, cấp ủy địa phương đã chủ động, kịp thời kiện toàn BCĐ đồng thời sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cho từng thành viên.

Trong việc thực hiện vai trò giám sát của nhân dân, với trách nhiệm Ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở, Mặt trận, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ trong tập huấn nghiệp vụ.

Toàn tỉnh hiện duy trì hoạt động của 186 ban Thanh tra nhân dân với tổng số 1.138 thành viên. Các Ban TTND đã tổ chức giám sát được 172 cuộc, kiểm tra, kiến nghị 126 vụ việc.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát được 1.243 dự án, chủ yếu là các công trình được đầu tư từ những dự án có vốn của Nhà nước. Qua giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát hiện kiến nghị với cơ quan Nhà nước 397 vụ việc góp phần khắc phục kịp thời những công trình sử dụng vật liệu không đúng chủng loại, tiến độ thi công chậm, ảnh hưởng đến môi trường…

Theo ông Phạm Văn Điệt- Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Quảng Ninh, việc thực thực Pháp lệnh 34 đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về mục tiêu mở rộng dân chủ ở cơ sở, làm chuyển biến một bước quan trọng sự lãnh đạo của Đảng, điều hành quản lý của chính quyền và đoàn thể nhân dân.

Quá trình thực hiện Pháp lệnh 34 đã tác động đến chủ trương xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, tạo không khí phấn khởi trong cộng đồng dân cư.

“Thời gian tới, MTTQ và các tổ chức đoàn thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện, đặc biệt những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân để việc thực hiện QCDC cơ sở mang lại hiệu quả thiết thực nhất”- ông Phạm Văn Điệt nói.

Nguồn: daidoanket.vn, ngày 14/5/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi