Chủ Nhật, 29/12/2024
Quảng Ninh: Nỗ lực đưa Quy chế dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống
 
Danh sách các thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận
và trả kết quả hiện đại của xã Cái Chiên (huyện Hải Hà). 


Cụ thể như Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh, ngay từ đầu năm đã xây dựng chương trình công tác, trong đó giao nhiệm vụ, thời gian triển khai cụ thể cho các ngành thành viên, gắn với chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; đồng thời quan tâm bổ sung kiện toàn thành viên BCĐ thực hiện QCDC tỉnh.

Đến nay đã hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại việc thực hiện QCDC theo các loại hình cơ sở trên địa bàn; đồng thời đã soạn thảo in ấn cuốn “Hỏi đáp về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Đặc biệt các thành viên được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ luôn chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch khảo sát, kiểm tra và nắm tình hình việc thực hiện QCDC tại cơ sở trên địa bàn được phân công theo dõi. Ban cũng đã nghiên cứu chỉ đạo thành lập mô hình tổ chức hoạt động của tổ công tác nắm tình hình nhân dân và giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Từ đầu năm 2016 đến nay, đã chỉ đạo 2 đợt nắm tình hình giám sát liên quan đến việc hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ của các doanh nghiệp trên biển và khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long; tình hình người dân, doanh nghiệp tham gia thụ hưởng kết quả về nâng cao chất lượng quản trị hành chính công tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, trong các cơ quan, đơn vị, việc thực hiện dân chủ cũng đã được phát huy. Đặc biệt, nhiều cấp ủy địa phương đã ban hành quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ với nhân dân. Đồng thời nghiêm túc thực hiện công khai các dự án, công trình đầu tư; những chủ trương, chính sách an sinh xã hội; quy định, trình tự giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhân dân với các hình thức đa dạng. Ngoài ra, các cấp ủy địa phương cũng đã duy trì chế độ giao ban định kỳ hàng tháng với đội ngũ bí thư chi bộ; trưởng ban công tác mặt trận; trưởng thôn, khu. Thông qua đó, nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân đã được giải quyết, góp phần giảm các vụ khiếu nại, tố cáo trong nhân dân, tạo đồng thuận trong xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương. Các vấn đề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức được nhiều cơ quan công khai, tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức. Nhiều đơn vị đã quy định cụ thể, rõ ràng và thường xuyên bổ sung những quy định liên quan đến chế độ, chính sách cán bộ theo quy định của Đảng và Nhà nước, như việc mua sắm tài sản công; công khai tài chính; tuyển dụng lao động, công chức... đã giúp thủ trưởng cơ quan lãnh đạo, điều hành dân chủ hơn.

 Đối với các doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước đã ngày càng quan tâm phát huy quyền dân chủ của người lao động. Các nội dung liên quan đến nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị, chế độ, chính sách, quyền lợi người lao động... được công khai phổ biến, lấy ý kiến của người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp đã có ban thanh tra nhân dân, giúp cấp ủy, ban giám đốc giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến người lao động. Đại hội công nhân viên chức, một hình thức phát huy dân chủ quan trọng, được đa số các doanh nghiệp tổ chức định kỳ hằng năm. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động, đồng thời giúp người lao động nhận thức rõ hơn trách nhiệm và quyền lợi của mình đối với Nhà nước và doanh nghiệp, tích cực tham gia phong trào thi đua, góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Song song với các hoạt động trên, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở cũng luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo triển khai. Đặc biệt, các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã từng bước phát huy hiệu quả trong công tác thanh tra, giám sát các công trình, dự án, tiếp công dân. Qua đó, đã kịp thời kiến nghị với nhà đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các sai phạm. Các đơn vị như Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã tập trung giám sát vào những vấn đề thiết yếu, nhiệm vụ trọng tâm của cấp uỷ, chính quyền để nâng cao hiệu quả công tác, chấn chỉnh sai phạm, ngăn ngừa tiêu cực; tăng cường hoạt động giám sát thông qua hình thức tổ chức hội nghị chất vấn, chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh để giải trình công khai và trả lời chất vấn làm rõ những vấn đề đại biểu HĐND, cử tri quan tâm...

Với các giải pháp quyết liệt, cụ thể, việc thực hiện QCDC trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã từng bước đi vào cuộc sống. Qua đó góp phần làm cho hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể ngày càng đạt hiệu quả cao, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với người dân được nâng lên, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: baoquangninh.com.vn, ngày 28/4/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi