Thứ Ba, 26/11/2024
TP. Hà Nội: Quy chế Dân chủ ở cơ sở phải cụ thể, gắn với nhiệm vụ trọng tâm
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chỉ đạo cuộc họp với 
Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp.


Trong quý I, việc thực hiện QCDC ở cơ sở được gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành công vụ; duy trì nghiêm túc lịch tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính cho công dân theo quy định; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật. 

Công tác hòa giải, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ở cơ sở được thực hiện tốt, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người và phát sinh “điểm nóng”. Một số địa phương làm tốt như: quận Đống Đa đã giải quyết được 7/8 vụ khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ 87,50%, cấp phường giải quyết 23/25 vụ khiếu nại, tố cáo đạt tỷ lệ 92%; huyện Thanh Trì: các xã, thị trấn đã tiếp nhận và giải quyết 7.894/7.894 hồ sơ hành chính (đạt 100%), tiếp nhận và giải quyết 35/43 đơn thư các loại (đạt 81,3%), không có khiếu kiện đông người, vượt cấp; tổ hòa giải các phường của quận Long Biên đã hòa giải thành công 114/126 vụ, đạt tỷ lệ 90,47%...

Việc chỉ đạo tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân ở tổ dân phố và tại phường bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ. Một số địa phương làm tốt như: quận Cầu Giấy có 100% các tổ dân phố tổ chức thành công Hội nghị đại biểu nhân dân; huyện Ba Vì có 100% thôn tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân với hơn 10.000 người tham dự, đóng góp 540 ý kiến xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ của địa phương…

Một số quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy chế, quy ước dân chủ phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương như: quận Đống Đa đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng; quận Long Biên sửa đổi, bổ sung 5 quy chế dân chủ trong các lĩnh vực; quận Tây Hồ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác thuế…

Qua đánh giá các công việc đã đạt được trong quý I, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2017, trong đó có việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; tiếp tục quán triệt, triển khai Kết luận số 120-KL/TW ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 14-1-2016 của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; xây dựng kế hoạch Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tiến hành kiểm tra việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cở sở tại 15 quận, huyện, thị xã thuộc TP; tổ chức tập huấn việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở và công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp...

Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận kết quả hoạt động trong quý I của Ban chỉ đạo các cấp, đồng thời đề nghị làm rõ hơn những hạn chế, yếu kém trên tinh thần xây dựng. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo chủ động chỉ đạo cơ quan, đơn vị mình gương mẫu triển khai thực hiện các công việc về xây dựng QCDC ở cơ sở một cách hiệu quả.

Về nhiệm vụ trọng tâm quý II-2017, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở cần phải gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 18-KH/TU ngày 1-9-2016 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, việc thực hiện QCDC ở cơ sở cần đi vào những vấn đề thiết thực, cụ thể. Việc thực hiện kỷ cương hành chính, thực hiện bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động Thủ đô phải đi vào đời sống, được phổ biến hiệu quả trong các hội nghị công chức, viên chức… Việc thực hiện trật tự văn minh đô thi, xây dựng nông thôn mới phải có những kết quả, đánh giá thiết thực, cụ thể, tránh chung chung. 

Về kế hoạch kiểm tra việc thực hiện QCDC ở cơ sở, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đồng ý thành lập 3 đoàn kiểm tra về việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở nhưng việc thanh, kiểm tra phải rõ ràng, có nội dung cụ thể và định lượng rõ kết quả, những việc làm tốt, những hạn chế, tồn tại... Việc kiểm tra không chỉ được thực hiện ở các quận, huyện, xã, phường, thị trấn, mà còn cần đi vào những đơn vị cụ thể hơn như khối trường học, sở, ngành, doanh nghiệp… Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ đạo các đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm trong 5 năm kiểm tra được hết 584 xã, phường, thị trấn.

Nguồn: hanoimoi.com.vn, ngày 30/3/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi