Chủ Nhật, 29/12/2024
Lâm Đồng: Tiếp tục nâng cao hiệu quả Quy chế dân chủ cơ sở trong tình hình mới
 
Người dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua việc góp ý xây dựng
trong các buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Ảnh: N.Thu 


Trong đó, chú trọng nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, phát huy vai trò MTTQ và các đoàn thể nhằm phát huy quyền làm chủ nhân dân, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Nhìn lại kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2016, UVBTV - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thị Lệ nhận định: Nhìn chung việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh đạt kết quả khá toàn diện và dần đi vào cuộc sống. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra - giám sát” được các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tôn trọng và thực hiện nghiêm túc. Quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống đã được phát huy. Dân chủ trong sinh hoạt Đảng, trong quản lý điều hành của bộ máy nhà nước các cấp không ngừng được phát huy. Bầu không khí dân chủ trong xã hội, trong sinh hoạt cộng đồng được cởi mở hơn, huy động được nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng, phục vụ dân sinh, nâng cao dân trí... từng bước củng cố, tạo dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước trong tình hình mới hiện nay. 

Năm 2016, khối dân vận cơ sở đã tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch các quy định, trình tự giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến quyền lợi thiết thực của người dân. Tổ dân vận thôn, tổ dân phố hầu hết đã phát huy được vai trò, trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước tự quản ở khu dân cư phù hợp thực tế địa phương, được nhân dân tôn trọng thực hiện, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh, an ninh trật tự được giữ vững. 

Năm 2016, Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng của 147/147 phường, xã, thị trấn được củng cố, kiện toàn, đã phát huy vai trò giúp cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị, thắc mắc của nhân dân. Trong năm 2016, đã kiểm tra, giám sát được 289 vụ việc liên quan đến hoạt động của chính quyền, công chức, viên chức; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai sót, vi phạm trong quản lý điều hành và kiến nghị xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm. Riêng Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở đã thực hiện giám sát 374 công trình, dự án đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn do nhân dân đóng góp và vốn do Nhà nước và nhân dân cùng làm; việc làm này đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân rất đồng tình và tham gia tích cực, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần đảm bảo chất lượng hiệu quả các công trình dân sinh.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở, các cấp ủy đã chỉ đạo UBND thực hiện công khai, minh bạch, tạo điều kiện để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện các dự án, công trình đầu tư, đặc biệt là việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Trong khối cơ quan hành chính sự nghiệp, công tác cải cách hành chính được lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và tạo chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị đã bám sát vào Nghị quyết 30c của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, góp phần làm tăng tính minh bạch, giảm bức xúc trong các tầng lớp nhân dân. Được biết, hiện nay, UBND tỉnh đã công bố công khai thủ tục hành chính tại 3 cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã với 1.600 thủ tục hành chính. Cơ chế “một cửa” tiếp tục được duy trì thực hiện đồng bộ. Đặc biệt, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện phần mềm đánh giá sự hài lòng của người dân đối với công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính của cấp tỉnh và huyện, thành phố, bước đầu nhận được sự đánh giá hài lòng của người dân ở mức độ tương đối cao. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt về việc nâng cao hiệu quả thực hiện thủ tục cải cách hành chính, nhất là trong giải quyết đất đai, đền bù nhằm đạt được chỉ số mức độ hài lòng cao nhất theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là “ hành động, phục vụ nhân dân”.

Có thể nói, kết quả thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã góp phần thực hiện, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Lâm Đồng đã có 60 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, huyện Lạc Dương đạt chuẩn huyện nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS từng bước được cải thiện rõ rệt. Hoạt động của chính quyền các cấp đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, cải cách thủ tục hành chính tiến bộ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững, tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn: baolamdong.vn, ngày 08/02/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác