Thời gian qua, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XI tại huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở gắn chặt với việc triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, đã phát huy được quyền làm chủ, tạo sự đoàn kết, thống nhất, động viên nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
|
Tuyến đường từ thị trấn Đầm Hà đi cảng Đầm Buôn được đưa vào sử dụng
từ tháng 9/2016 đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. |
Tìm hiểu tại xã Đầm Hà được biết, nhờ làm tốt QCDC từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến triển khai thực hiện nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương có những chuyển biến rõ nét, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Hiện trên địa bàn xã còn 26 hộ nghèo, thấp nhất trong toàn huyện. Đặc biệt, việc phát huy dân chủ trong vận động nhân dân giải phóng mặt bằng đã thực hiện thành công dự án nâng cấp tuyến đường thị trấn Đầm Hà đi cảng Đầm Buôn trong năm 2016, góp phần chỉnh trang đô thị, đưa xã sớm hoàn thành tiêu chí về giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là mô hình được Ban Dân vận Huyện ủy lựa chọn để đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2016.
Đồng chí Đào Biên Thuỳ, Bí thư Đảng uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở xã Đầm Hà, cho biết: Dự án nâng cấp tuyến đường thị trấn Đầm Hà đi cảng Đầm Buôn chạy dọc 3 thôn của xã dài 2.000m, ảnh hưởng đến 288 hộ dân và không có kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Do đó, khi Dự án được huyện chỉ đạo triển khai, Đảng ủy xã đã tổ chức quán triệt đến tất cả nhân dân trong xã. Đồng thời, tổ chức hội nghị gặp gỡ các hộ dân liên quan để thẳng thắn trao đổi những vướng mắc; chỉ đạo các thôn tiến hành họp thôn, cử cán bộ xuống từng nhà dân để tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu được ý nghĩa của dự án; phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu hiến đất của đội ngũ cán bộ, đảng viên... Với cách làm công khai như vậy, người dân đã hiểu được quyền, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ của địa phương, từ đó đồng thuận, tự nguyện hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc với tổng trị giá 2,5 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.
Không riêng xã Đầm Hà, hàng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các xã, thị trấn chủ động xây dựng, rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế hoạt động của ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến sâu rộng các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức và thực hiện nghiêm túc việc công khai các nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo quy định của Pháp lệnh 34. Cùng với đó, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều duy trì nghiêm túc việc tổ chức họp giao ban với đội ngũ cán bộ thôn, khu theo định kỳ, tiếp công dân thường xuyên, kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình địa phương cũng như tiếp thu phản ánh, kiến nghị của nhân dân về những vấn đề nổi cộm, phát sinh tại cơ sở để chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để xảy ra khiếu nại, tố cáo phức tạp. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC tại các địa phương cũng được tăng cường. Riêng năm 2016, cấp uỷ và HĐND huyện đã tiến hành 6 cuộc kiểm tra, giám sát về các nội dung như: Kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính; giám sát việc triển khai các cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; việc triển khai thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện... Nhờ đó, việc thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất tạo sự chuyển biến tích cực trong nhiều mặt công tác tại các địa phương như công tác cải cách hành chính; triển khai Đề án 25; chương trình xây dựng nông thôn mới...
Đến nay, huyện đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án 25 cho 10/10 xã, thị trấn; có 5/10 xã đã bố trí bí thư đảng uỷ đồng thời là chủ tịch UBND xã; 73/76 thôn, bản, khu phố bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn hoặc trưởng ban công tác mặt trận. Qua đó, không ngừng phát huy vai trò, tính chủ động, trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ ở địa phương.
Nguồn: baoquangninh.com.vn, ngày 13/12/2016